Người 'hướng nội' có phải thường hay bị gặp thất bại?

06/01/2023 14:39 GMT+7

Không ít bạn trẻ cho rằng do bản thân có tính “hướng nội” nên hay gặp những trở ngại về khả năng giao tiếp, làm việc nhóm và dẫn đến thất bại hoặc rất khó khăn trong công việc làm của mình. Điều này có đúng?

Trong xã hội ngày càng đề cao sự kết nối, người có tính “hướng nội” thường gặp những trắc trở trong việc giao tiếp, làm việc nhóm hoặc kết nối cùng đồng nghiệp vì tính cách trầm lắng, hạn chế giao tiếp và có xu hướng thích không gian riêng tư. Chính bởi thế mà không ít bạn trẻ hướng nội thường đặt ra câu trăn trở về những cơ hội việc làm và thăng tiến trong công việc.

Hướng nội liệu có gây cản trở trong công việc?

MAI THỤY

“Tôi đã từng bị chới với khi tính chất công việc yêu cầu sự hoạt bát”

Tự nhận mình là người có tính “hướng nội”, Nguyễn Thị Lan Thơm (28 tuổi, Trưởng nhóm tuyển dụng Công ty Nissho Electronics Việt Nam), cho biết bản thân không giỏi giao tiếp và cũng không thích đám đông.

“Tôi từng có thời gian mất phương hướng, áp lực vì không tìm được công việc phù hợp và cảm thấy thất bại. Nhưng hiện tại, tôi đang làm ngành nhân sự, một công việc thiên về hướng ngoại, thậm chí đạt được một số thành tựu nhất định trong công việc”.

Lan Thơm chia sẻ: “Đối với cá nhân tôi, việc hướng nội hoặc hướng ngoại không phải là nhân tố tiên quyết để quyết định sự thành công hay thích ứng trong công việc. Mà vấn đề ở đây là thái độ, làm nghề gì cũng có những cản trở nhất định. Quan trọng là chúng ta cần phải cố gắng thay đổi để bản thân trở thành phiên bản tốt nhất”.

Lan Thơm cho rằng kỹ năng giao tiếp là điều không thể thiếu trong cuộc

NVCC

Trần Cúc (25 tuổi), nhân viên quản trị nhân sự tại Công ty Nissho Electronics Việt Nam cho rằng do mình là người “hướng nội” nên luôn cảm thấy khó hòa nhập khi bắt đầu công việc.

“Thời gian đầu mới vào công ty, tôi đã từng bị chới với khi tính chất công việc lại yêu cầu có sự hoạt bát, giao tiếp nhiều. Tính chất công việc của tôi thiên về làm việc nhóm, lại thường xuyên gặp gỡ với các ứng cử viên xin việc. Hơn thế nữa, đây là công việc đòi hỏi tôi phải thấu hiểu nhu cầu của nhân sự trong công ty qua việc lắng nghe, giao tiếp. Điều này đã dẫn đến hiệu quả công việc kém và khiến tôi vô cùng áp lực khi thấy bản thân càng thụt lùi”, Cúc chia sẻ.

Tuy nhiên, để có thể hoàn thành tốt công việc, bên cạnh những kỹ năng chuyên môn, Cúc luôn cố gắng lắng nghe những cuộc trò chuyện và từ đó cô bắt đầu tìm được chủ đề bắt chuyện và nói chuyện với mọi người nhiều hơn. Dù chỉ cải thiện được một ít nhưng cô cảm thấy công việc trơn tru và hiệu suất làm việc tốt hơn.

Trần Cúc chia sẻ từng gặp khó khăn vì không thể hòa đồng cùng đồng nghiệp

NVCC

Từng mắc chứng “rối loạn lo âu”, Lương Nhật Ánh Ngọc (20 tuổi, sinh viên quốc tế Trường ĐH Macquarie tại Úc) luôn cố gắng nhằm thay đổi bản thân để theo đuổi chuyên ngành truyền thông.

“Quan trọng là các bạn có thật sự khát khao thay đổi và trở thành một phiên bản tốt hơn của bản thân. Bản thân từng gặp khó khăn trong học tập và kết bạn nhưng mình đã học cách quý trọng những ưu thế mà bản thân có để dần tự tin hơn và tham gia các câu lạc bộ, kết nối với nhiều mối quan hệ và cải thiện kỹ năng giao tiếp”, Ngọc chia sẻ.

Ánh Ngọc cho biết khả năng giao tiếp tốt đã trở thành lợi thế trong môi trường du học. Điều này giúp cô thường xuyên giao lưu với thầy cô bạn bè, hiểu bài sâu và đạt được điểm cao. Hiện tại Ngọc cũng đang thực tập tại 2 công ty truyền thông và xin được việc làm rất cạnh tranh tại trường học. “Dù hướng nội nhưng mình luôn ghi điểm trong vòng phỏng vấn và được thầy cô, bạn bè đánh giá là người thân thiện”, Ngọc nói.

Cách nào để cải thiện kỹ năng giao tiếp hiệu quả?

Để cải thiện khả năng giao tiếp, Ánh Ngọc chia sẻ: “Mình tập trung lắng nghe và ghi chú lại những điều quan trọng các cuộc trò chuyện để có quay lại và mở rộng các nội dung. Mình còn tự luyện tập trả lời câu hỏi và chuẩn bị trước những điều cần nói trước khi bước vào phỏng vấn hay họp. Ngoài ra mình thấy việc sử dụng các cử chỉ như gật đầu, nghiêng người về phía người nói chuyện và vài câu "ừ" "dạ" giữa lúc người khác đang nói cũng thể hiện sự quan tâm của bản thân, giúp tăng thiện cảm với đối phương”.

Ánh Ngọc động viên rằng thời gian đầu thực hiện tất nhiên sẽ run nhưng luyện tập hằng ngày sẽ giúp khả năng giao tiếp cải thiện đáng kể. Nếu quá căng thẳng, các bạn có thể nói chậm lại, nhờ đối phương lặp lại câu hỏi hoặc xin họ vài giây suy nghĩ.

Tương tự, Lan Thơm cũng chỉ ra những cách cải thiện: “Giao tiếp hiệu quả cần ba yếu tố. Thứ nhất, các bạn phải dũng cảm dám nói và phải thay đổi tư duy dám nói dám làm. Thứ hai chính là trí tuệ. Các bạn nên nghĩ kỹ trước khi nói để lời nói mang giá trị đến đối phương. Để làm được điều này các bạn cần chịu khó học hỏi, tìm tòi kiến thức chuyên môn, cập nhật kiến thức đời sống xã hội. Thứ ba chính là kỹ thuật nói phải ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu và thu hút người đối diện”. Từng là người “hướng nội”, không giỏi giao tiếp, Lan Thơm chia sẻ cô đã dành nhiều thời gian học các kỹ thuật trình bày, thuyết trình, diễn đạt trên YouTube hoặc các trang Facebook.

Thạc sĩ Đặng Hoàng An, giảng viên khoa Tâm lý học (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) nhận định: “Rất hiếm trường hợp hoàn toàn hướng nội mà thông thường mọi người có xu hướng thay đổi linh hoạt giữa hướng nội và hướng ngoại. Ví dụ như có vài bạn mang đặc điểm hướng nội nhưng ở môi trường yêu cầu sự năng động các bạn vẫn thích nghi được”.

Theo thạc sĩ Đặng Hoàng An, trong một ngành nghề để quyết định sự thành công có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng chứ không chỉ riêng về xu hướng, tích cách của bản thân. Những yếu tố có thể kể đến kiến thức chuyên ngành, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thiết lập những mối quan hệ, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng làm việc nhóm. Và những kỹ năng này hoàn toàn có thể cải thiện.

Bên cạnh đó, thạc sĩ Hoàng An cũng đưa ra lời khuyên rằng trước khi lựa chọn nghề nghiệp, các sinh viên nên định vị bản thân để xác định những tố chất bên trong. Cụ thể gồm ưu khuyết điểm, kiểu xu hướng tính cách và đối chiếu với những ngành nghề hướng đến trong tương lai.

“Đối với người quá hướng nội thì nên cân nhắc liệu bản thân có khả năng những yêu cầu của những ngành nghề đó hay không. Ví dụ như một số ngành nghề đòi hỏi sự năng động quá nhiều. Nếu chúng ta không đáp ứng được sẽ dẫn đến tình trạng căng thẳng vì cưỡng ép để thích hợp với công việc”, thạc sĩ Hoàng An chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.