Ngày nay, mạng xã hội có vai trò quan trọng trong việc kết nối, chia sẻ và tiếp nhận thông tin. Nhiều gen Z thừa nhận việc sử dụng nhiều tài khoản cá nhân khi tham gia vào môi trường mạng. Tuy nhiên, họ thường dùng tài khoản thật để xây dựng hình ảnh cá nhân và dùng tài khoản ảo (tài khoản phụ có thể để đúng tên người dùng hoặc giấu tên) để thể hiện cảm xúc thật của bản thân.
Với nhiều gen Z, tài khoản ảo là nơi họ bộc lộ cảm xúc thật của chính mình |
TUYẾT CẨM |
Sống thật với tài khoản ảo...
Theo Kiều Thị Thảo My, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM thì mạng xã hội, đặc biệt là Facebook chính là nơi để cô kết nối mọi người, cập nhật tin tức và giải tỏa căng thẳng.
“Mình sử dụng 3 tài khoản Facebook. Tài khoản chính để liên lạc với mọi người, xây dựng hình ảnh cá nhân bằng những hình ảnh, câu chữ mang tính tích cực, nghiêm túc. Tài khoản thứ hai mình chỉ kết bạn với những người thật sự thân thiết, ở đây mình thoải mái đăng tải những bài viết về cảm xúc cá nhân. Tài khoản thứ ba mình dùng để xem và chia sẻ tin tức về idol (thần tượng), nhưng do công việc bận rộn hơn, mình không có thời gian để dành cho sở thích này nữa”, Thảo My chia sẻ.
Khi được hỏi tại sao lại chọn bày tỏ cảm xúc thật của mình trên tài khoản ảo? My cho hay: “Mình thấy số lượng bạn bè ở đó đủ an toàn để mình có thể là chính mình, nói nôm na nó như một quyển nhật ký online của mình vậy”. Theo Thảo My, việc sử dụng nhiều tài khoản mạng xã hội không gây nhiều trở ngại cho cô ngoại trừ việc phải nhớ mật khẩu các tài khoản.
"Bộ sưu tập" mạng xã hội của một gen Z |
CHỤP MÀN HÌNH |
Tương tự, Nguyễn Trung Như Việt (20 tuổi), ngụ tại KP.6, P.Linh Trung, TP.Thủ Đức, TP.HCM cũng sử dụng song song hai tài khoản Facebook cá nhân.
Như Việt tâm sự: “Tài khoản chính của mình với hơn 400 bạn bè, chủ yếu là những anh chị và bạn bè quen biết cùng trường hay các anh chị trong cơ quan nơi mình làm việc. Vì thế tài khoản này chủ yếu mình dùng để liên lạc, là nơi mình cập nhật những khoảnh khắc trong cuộc sống và công việc, có thể gọi chung là một bản profile (hồ sơ cá nhân)”.
Bên cạnh đó, việc sử dụng tài khoản ảo với khoảng 200 bạn bè, chủ yếu là những người bạn thân thiết giúp Như Việt thoải mái bày tỏ, giãi bày tâm tư, niềm vui, nỗi buồn của bản thân trên mạng xã hội. Như Việt cho rằng việc sử dụng nhiều tài khoản với các mục đích khác nhau mang lại lợi ích cho anh.
“Mình có thể vạch ra được một ranh giới rõ ràng, khi nào thì cần nghiêm túc và khi nào thì cho phép bản thân “đi xa” hơn một xíu trên mạng xã hội. Việc sử dụng hai tài khoản cũng sẽ phần nào hạn chế được rủi ro rò rỉ thông tin cá nhân mà mình không muốn tiết lộ, bởi mình kiểm soát được những đối tượng trong các tài khoản của mình”, Như Việt nói.
Còn Lê Hương Giang, sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, cũng sử dụng tài khoản ảo bên cạnh tài khoản chính với mục đích khác nhau. “Ở tài khoản ảo rất ít người biết nên mình có thể tự do bình luận dạo mà không mang cảm giác ngại, tất nhiên chỉ bình luận một cách văn minh. Mình cũng có thể thoải mái viết những dòng cảm xúc, suy nghĩ thực của bản thân ở trên đây, khác với vẻ trầm tính ‘hướng nội’ ở tài khoản chính của mình”, Hương Giang nói.
Cần phải cân bằng trong chính bản thân của mình
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thế Huy, Chi hội trưởng Hội Tâm lý học TP.HCM lý giải về việc gen Z sử dụng tài khoản chính và tài khoản ảo cho các mục đích khác nhau.
Theo thạc sĩ Huy, mạng xã hội mang lại nhiều lợi ích cho người trẻ hiện nay, nhất là trong kỷ nguyên số thì việc xây dựng hình ảnh cá nhân trên mạng xã hội không chỉ giúp người trẻ mở rộng mối quan hệ, nhiều bạn trẻ còn biết cách tận dụng xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội, giúp phát triển bản thân và tiếp cận thêm nhiều cơ hội việc làm.
Nhiều trang mạng xã hội được lập ra với mục đích bình luận dạo không ai thấy |
CHỤP MÀN HÌNH |
Thạc sĩ Thế Huy phân tích: “Dưới góc độ tâm lý học, việc xây dựng hình ảnh bản thân giúp các bạn trẻ đáp ứng được hai bậc cao nhất của tháp nhu cầu đó là nhu cầu được tôn trọng và thể hiện bản thân. Tuy nhiên, trong cuộc sống đôi lúc các bạn không thể tránh khỏi những khó khăn căng thẳng và việc chia sẻ, thể hiện cảm xúc thật trên mạng xã hội giúp bạn cảm được là chính mình, được tự do thể hiện con người thật của mình với những buồn vui rất thật, không ngại sự suy xét từ người khác và hơn hết là khiến các bạn trẻ cảm thấy thoải mái hơn, nó đáp ứng nhu cầu được an toàn từ phía các bạn”.
Cũng theo thạc sĩ Thế Huy, thật khó để cân bằng giữa tài khoản thật cho việc sống ảo và tài khoản ảo cho việc sống thật nếu mỗi tài khoản lại “diễn” một “vai” khác nhau.
“Đích đến thật sự là các bạn cần phải cân bằng trong chính bản thân của mình. Thử lấy ví dụ nhé, bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu vô tình xem một tài khoản mạng xã hội mà chỉ toàn khoe về những thành tích nổi bật của một ai đó? Hoặc sẽ cảm thấy như thế nào nếu kết bạn với một tài khoản mà chỉ chia sẻ về những cảm xúc cá nhân? Tôi tin rằng các bạn sẽ có câu trả lời cho riêng mình. Bởi ở mỗi thành quả mà các bạn chia sẻ để xây dựng hình ảnh cá nhân thì sẽ luôn có những cảm xúc thật trong đó và với mỗi cảm xúc từ những chuyện vui buồn trong cuộc sống đều mang lại cho bạn những cảm xúc nhất định. Điều quan trọng là bạn làm việc đó một cách thường xuyên và điều chỉnh lại những điều mà bạn chia sẻ cho phù hợp”, thạc sĩ Thế Huy cho hay.
Theo thạc sĩ Thế Huy, mỗi người có thể thử viết ra những điều mà bản thân muốn chia sẻ để xem đã phù hợp với đối tượng bạn bè của mình hay chưa, có thể hiện được màu sắc cá nhân của mình hay không… lâu dần sẽ hình thành thói quen chia sẻ và thói quen đó có thể tạo tính cách, màu sắc và hình ảnh cá nhân “không trộn lẫn” của chính bản thân mỗi người.
Bình luận (0)