Gen Z và những chông chênh tuổi đôi mươi

23/12/2022 08:00 GMT+7

Ở độ tuổi đôi mươi, Gen Z hay rơi vào trạng thái chông chênh khi không định hướng được tương lai, bất an, lo lắng vì chưa tìm được công việc sau khi ra trường hoặc áp lực khi đến lúc phải... trưởng thành.

Nhiều gen Z từng rơi vào khủng hoảng vì khó khăn trong việc thích nghi với môi trường mới, Lưu Thị Thu Hương (22 tuổi, vừa tốt nghiệp Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) bày tỏ: “Mặc dù trước đó mình đã làm việc ở một cơ quan, nhưng khi đi thực tập, mọi thứ vẫn mới mẻ và khiến mình phải nhìn nhận lại con đường, công việc đã chọn. Nhiều đêm liền mình thao thức, mất ngủ vì công việc chưa hoàn thành như ý muốn. Trạng thái đó kéo dài gần một tháng khiến mình căng thẳng đến mức không thể tăng cân”.

Ở tuổi đôi mươi, nhiều bạn gen Z khao khát thực hiện mong muốn, chứng minh năng lực của bản thân, nhưng lại chưa định vị được mình là ai, mình cần làm gì...

CTV

Không chỉ thế, Thu Hương còn bị áp lực từ bạn bè đồng trang lứa. “Mình có đi dự lễ tốt nghiệp của một vài bạn, hỏi ra mới biết các bạn vừa ra trường hoặc chưa ra trường đã được ký hợp đồng, có công việc ổn định. Song khi thấy chưa bằng ai, mình lại suy nghĩ, lo lắng về tương lai”, Hương kể.

Vừa hoàn thành xong chương trình học và chuẩn bị đi thực tập, Võ Thị Mỹ Diệu, sinh viên năm cuối Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, không khỏi lo lắng: “Mình học chuyên ngành địa lý kinh tế phát triển vùng, một ngành học không có định hướng công việc rõ ràng; vì vậy mình đã rất áp lực khi tìm kiếm nơi thực tập. Lo lắng, căng thẳng khiến mình mất ngủ suốt một thời gian dài”.

Còn với Phan Thị Kiều Vy, sinh viên năm cuối Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, thì sợ không tìm được công việc phù hợp. “Mình vừa hoàn thành kỳ thực tập, ra tết sẽ đi “rải” hồ sơ xin việc với mong muốn tìm được công việc như ý. Mặc dù ngành học của mình dễ xin việc nhưng tỷ lệ cạnh tranh rất cao, vì quản trị kinh doanh là ngành mà đa phần trường nào cũng đào tạo, nên mình rất lo lắng”, Vy nói.

Không chỉ lo lắng về công việc, định hướng trong tương lai, nhiều bạn trẻ còn đối mặt với khủng hoảng vì áp lực tài chính. “Trước kia còn là sinh viên có ba mẹ chu cấp nên mình không phải lo nghĩ gì. Bây giờ ra trường mình phải tự kiếm tiền trang trải cuộc sống và xa hơn là lo được cho em trai của mình. Mặc dù chỉ mới thực tập nhưng việc ngửa tay xin tiền bố mẹ, mình rất ngại”, Trần Ngọc Ánh Trúc (21 tuổi), đang thực tập tại Tập đoàn truyền thông và công nghệ MCV, trải lòng.

Thạc sĩ Đinh Văn Mãi, giảng viên bộ phận kỹ năng mềm, Trung tâm phát triển năng lực sinh viên Trường ĐH Văn Lang, cho biết ở mỗi giai đoạn cuộc đời con người đều có những áp lực riêng. Khi mới ra trường, các bạn trẻ thường đối mặt với những áp lực từ nơi làm việc, trong các mối quan hệ với đồng nghiệp, gia đình và chuyện tình cảm, khiến các bạn lo lắng nhiều và rơi vào khủng hoảng.

“Nguyên nhân người trẻ thường gặp khủng hoảng ở tuổi đôi mươi vì ở giai đoạn này, các bạn khao khát thực hiện mong muốn, chứng minh năng lực của bản thân. Tuy nhiên lại chưa định vị được mình là ai, mình cần làm gì... Đôi khi các bạn đặt ra mục tiêu quá lớn, vượt ngoài năng lực của bản thân. Cũng có thể các bạn đang đối mặt với những kỳ vọng quá lớn từ gia đình, điều này vô tình tạo ra áp lực”, thạc sĩ Mãi nói.

Đồng thời thạc sĩ Mãi đưa ra lời khuyên: “Gen Z cần định vị được bản thân, biết đam mê của mình là gì. Cần phải có mục tiêu rõ ràng, xác định đích đến của mình, sau đó lên kế hoạch làm việc cụ thể để cân bằng, sắp xếp mọi việc trong cuộc sống. Nếu chưa thể xác định bản thân mình là ai thì các bạn có thể tìm kiếm sự chia sẻ từ người mà mình tin tưởng hay những chuyên gia tư vấn để họ định hướng cho bạn”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.