[Kỳ 2] Chọn nghề theo xu hướng: Gen Z thu nhập 100 triệu đồng/tháng với nghề livestream

Tấn Đạt
Tấn Đạt
20/12/2022 08:06 GMT+7

Livestream (phát trực tiếp) để bán hàng trên mạng xã hội đang là một xu hướng mà các cửa hàng kinh doanh như quần áo, mỹ phẩm... đều tận dụng.

Chính vì thế, nhu cầu nhân sự cho công việc livestream đang rất “hot” và nhiều gen Z kiếm thu nhập “khủng” với nghề này.

Mỗi tháng kiếm từ 50 - 100 triệu đồng là rất bình thường ?

Hiện nay, các dịch vụ thuê livestream nở rộ khắp trên mạng xã hội. Một số người trẻ có năng khiếu về ăn nói đã tận dụng “thời cơ” này để kiếm thêm thu nhập.

Điển hình như cô nàng Nguyễn Thị Mai Ngọc (25 tuổi, ngụ P.An Phú Đông, Q.12, TP.HCM) bén duyên với nghề livestream hơn 3 năm nay. Ngoài công việc chính là nghề MC, Mai Ngọc còn nhận livestream cho nhiều cửa hàng kinh doanh về thời trang, mỹ phẩm, trang sức, phụ kiện...

Mai Ngọc trong một lần livestream

NVCC

“Tôi thường livestream trên các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Cách 1 - 2 ngày tôi nhận được “show” và trung bình tôi live khoảng 1 - 2 giờ”, Mai Ngọc nói và cho biết mỗi nhà tuyển dụng sẽ có yêu cầu khác nhau nhưng nhìn chung yếu tố ngoại hình là cốt lõi, kèm theo cách tư vấn, kinh nghiệm và kỹ năng chốt đơn...

“Nghề livestream cũng có nhiều cái hay, nó giúp tôi có rất nhiều kỹ năng về bán hàng, tư vấn, xử lý tình huống… Và niềm vui lớn nhất của tôi cho công việc này đó chính là mình sẽ được sự yêu thương của khách hàng, khi xuất hiện bất kỳ nền tảng live nào thì tôi cũng được khách hàng nhận ra và yêu mến", cô MC 25 tuổi bộc bạch.

Nói về thu nhập công việc livestream, Mai Ngọc cho hay: “Mức lương sẽ tùy vào kinh nghiệm và ngoại hình, thường sẽ dao động từ 200.000 đồng - 1,5 triệu đồng/1 giờ live, chưa tính thưởng, hoa hồng. Đối với mỗi công ty, cửa hàng tuyển dụng sẽ khác nhau, nếu livestream tốt thì thu nhập “khủng” từ 50 - 100 triệu đồng/tháng là rất bình thường”.

Giống như Ngọc, ngoài công việc MC, Nguyễn Ngọc Thúy Vy, sinh viên Trường ĐH Tài chính - Marketing TP.HCM, cũng bén duyên với nghề livestream hơn 1 năm nay. Vy kể: “Mỗi tuần tôi nhận từ 4 - 5 đợt live và thời gian dao động lên hình của tôi khoảng 60 phút với số tiền là 1,5 - 2 triệu đồng/1 lần live”.

Hiện tại, Vy có thể live tại phim trường hoặc tại nhà, trong đó nội dung chủ yếu về giới thiệu sản phẩm, dịch vụ từ các cửa hàng như quần áo, mỹ phẩm.

“Để livestream tốt thì người dẫn phải chọn sản phẩm phù hợp với bản thân. Biết cách trò chuyện duyên dáng để thu hút người xem, có nguồn năng lượng tích cực để mang đến một livestream vui vẻ và bùng nổ. Luôn nắm bắt thông tin về thương hiệu, sản phẩm và những gì mình sắp nói trong buổi live. Nên có sự tập luyện và chuẩn bị kỹ trước. Hãy tỏa ra năng lượng vui tươi, quan tâm đến người xem bằng cách phản hồi và tương tác những bình luận của họ…”, Vy bật mí.

Một số chủ cửa hàng kiêm luôn việc livestream

Tấn Đạt

Giúp cửa hàng tăng thêm thu nhập

Ngoài việc thuê người mẫu thì hiện nay có nhiều nhân viên hoặc chủ các cửa hàng cũng tấp nập livestream để bán hàng.

“Mọi người ơi, mọi người ơi! Bên shop em có quần, áo nam mới về rất nhiều”, đứng trước chiếc điện thoại trong cửa tiệm Namplus ở số 285/70 Cách Mạng Tháng 8, P.12, Q.10, TP.HCM, Cao Thị Kim Ngân (25 tuổi, quản lý shop) đã nói như thế để bắt đầu buổi livestream giới thiệu sản phẩm của mình.

Mỗi ngày từ 19 - 22 giờ, Kim Ngân cùng chủ và một vài nhân viên tất bật livestream bán hàng. “Mỗi đợt live của tôi có hơn 200 người xem và chốt hàng chục đơn của khách, từ đó giúp cửa hàng tăng thêm thu nhập. Trung bình mỗi tháng, doanh thu từ phần livestream là hơn 100 triệu đồng, nhờ đó mà lương của tôi cũng được chủ bồi dưỡng thêm”, Ngân nói.

Tuy nhiên, để được con số “khủng” như thế, quản lý 25 tuổi cũng từng gặp không ít khó khăn. “Thời gian đầu tôi không biết nói gì, cứ bí từ và cũng ngại vì tôi chưa từng live bao giờ. Tuy nhiên, mỗi ngày tôi cứ tập nói chuyện một mình, về sau thấy bản thân mạnh dạn hơn. Tôi còn đi tham khảo thêm mấy anh chị đã live chuyên nghiệp để rút kinh nghiệm. Mỗi lần lên sóng, tôi tập trung vào sự truyền đạt chân thành để tư vấn cho người xem”, Kim Ngân kể.

Không nhận hoa hồng

Tại các live, Nguyễn Ngọc Thúy Vy không nhận hoa hồng dù sản phẩm đó được chốt đơn vượt định mức. Bởi Vy luôn muốn bản thân là một MC trong buổi live chứ không phải nhân viên bán hàng.

“Tôi rất ít nhận các live dạng quá thúc đẩy buôn bán hay kiểu “hơi chợ” một tí. Một phần cũng lo cho hình ảnh cá nhân, vì tôi còn rất trẻ và sau này bản thân cũng có mong muốn được cộng tác với đài truyền hình. Nếu tôi làm linh tinh hoặc ảnh hưởng xấu đến hình ảnh cá nhân thì không nên. Một số đồng nghiệp của tôi đã live bán hàng quá nhiều khiến cách dẫn dắt bị ảnh hưởng và khó nhận show MC lại”, Vy chia sẻ.

Giống như Ngân, anh Nguyễn Trần Tuấn Tú, 24 tuổi, đồng quản lý cửa hàng quần áo tại hẻm 371 phố Kim Mã, Ba Đình (Hà Nội) cũng phải kiêm luôn nghề livestream để bán được nhiều hàng hơn.

Trước đây, anh Tú chỉ tập trung quảng bá mặt hàng của mình bằng những bài viết trên các trang mạng xã hội. Tuy nhiên, sau đợt dịch Covid-19, anh quyết định tự mày mò... nghề livestream.

“Thời gian đầu tôi phải tự xây dựng, chuẩn bị kịch bản, chọn sản phẩm, thu âm, quay hình. Tôi luôn cố học hỏi từ nhiều kênh live của những người nổi tiếng khác để trau dồi và làm mới bản thân", Tú kể và cho biết từ khi livestream, doanh thu của quán tăng từ 30 - 40 triệu đồng/tháng.

Chàng trai 24 tuổi cho biết để những buổi live bán hàng đạt chất lượng tốt, bản thân phải chuẩn bị tươm tất từ dụng cụ như điện thoại phải chất lượng, có camera tốt, đến nội dung livestream… “Đặc biệt, người live phải chuẩn bị một kịch bản hấp dẫn và gây hứng thú cùng với khả năng truyền đạt phải rõ ràng, dễ hiểu. Nắm được thông tin chính xác về sản phẩm. Luôn vui vẻ trong suốt quá trình lên hình”, anh Tú hướng dẫn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.