TikTok đang là một mạng xã hội được yêu thích nhất hiện nay vì có nhiều nội dung đáp ứng được nhu cầu của người trẻ từ học tập, giải trí và kiếm tiền. Người ta có thể dành hàng giờ đồng hồ chỉ để lướt TikTok mà không cảm thấy chán thậm chí là không ngủ chỉ để xem livestream trên nền tảng này.
“Dạo một vòng” TikTok vào lúc 2 giờ sáng, chúng tôi nhận thấy gần như mạng xã hội này không có dấu hiệu “đi ngủ”. Vô số người dùng đang livestream với nhiều mục đích khác nhau như tâm sự với fan hâm mộ, bán hàng trực tuyến, hay mukbang (vừa ăn, vừa nói chuyện với người hâm mộ)… Trong mỗi livestream hiển thị hàng trăm đến nghìn người đang theo dõi, một số trong đó còn để lại những bình luận, câu hỏi để các TikToker trả lời. Hoạt động này cứ tiếp diễn hằng đêm và câu hỏi được đặt ra là những người tham gia xem livestream có đủ sức khỏe để làm việc và học tập vào sáng hôm sau trong khi họ gần như không ngủ.
"Vũ trụ" livestream TikTok vẫn nhộn nhịp bất kể ngày, đêm. |
KIM NGỌC NGHIÊN |
Nghiện coi livestream TikTok, “biết sai nhưng khó bỏ”
Là một người hay thức khuya để xem livestream trên TikTok, anh Nguyễn Hoàng Vương (26 tuổi, đường Nguyễn Việt Hồng, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ), cho biết: “Mình thường không ngủ được vào ban đêm nên tìm đến những TikToker để nghe họ tâm sự. Người ta nói thức đêm mới biết đêm dài, vào khoảng thời gian đó cũng không có người bạn nào sẵn sàng để tâm sự cùng mình nên việc ngồi nghe một người xa lạ nói về một chủ đề nào đó sẽ khiến mình bớt đơn độc hơn”, Hoàng Vương chia sẻ.
Nhận thức được việc thức khuya xem livestream TikTok ảnh sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng nhiều người vẫn không thể từ bỏ được thói quen này. |
KIM NGỌC NGHIÊN |
Chia sẻ với phóng viên Thanh niên, anh Vương cho biết vừa nghỉ việc tại một công ty tổ chức sự kiện vì quá áp lực. Những ngày gần đây chàng trai trẻ rơi vào trạng thái căng thẳng và mất ngủ vào ban đêm. Vương nhận thức được đang làm mất nhiều thời gian của bản thân vào một việc không có kết quả hay thành tựu nhưng anh này không có sự lựa chọn khác.
Đã duy trì thói quen thức đến 2, 3 giờ sáng từ hồi năm nhất đại học, Tạ Hoài Xuyên, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết việc xem livestream giống như một thói quen trước khi ngủ: “ Sau khi hoàn thành bài vở trên trường thì mình thường xem các TikToker livestream. Mình không xem cố định một nội dung nào mà cứ lướt đến video yêu thích thì dừng lại. Nói là thức trắng đêm để xem thì không phải, mình chỉ mở điện thoại và ngủ quên vào lúc nào không hay. Không biết vì lí do gì mà mình thường ngủ rất ngon vào buổi sáng còn buổi tối thì tỉnh táo”, Hoài Xuyên chia sẻ.
Cũng thường xuyên xem livestream trên TikTok đến gần sáng, chị Nguyễn Thị Nguyệt Thu (25 tuổi, ngụ đường Thạch Lam,Q.Tân Phú), chia sẻ bắt đầu lên giường ngủ từ lúc 22 giờ nhưng đến 3 giờ sáng mới thật sự đi ngủ: “Mình đã tự hứa với bản thân là chỉ xem 30 phút thôi nhưng 3,4 tiếng đồng hồ trôi qua mà không hay biết. Mình hay coi livestream bán hàng vào mỗi tối, thỉnh thoảng lại xem các TikToker hát hò, tâm sự. Do công việc kinh doanh tại nhà thoải mái về thời gian nên bản thân cũng hơi nuông chiều bản thân”, Nguyệt Thu cho biết.
Thức khuya ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống
Anh Vũ Duy Tây (22 tuổi, từng học chuyên ngành giáo dục thể chất tại Trường ĐH Sư Phạm TP.HCM, huấn luyện thể hình tại CITIGYM Q.10, TP.HCM) chia sẻ thức khuya là một thói quen không tốt cho sức khỏe. Sau một ngày làm việc mệt mỏi, thì ban đêm là thời gian cơ thể cần nghỉ ngơi để phục hồi sức khỏe và cân bằng các yếu tố bên trong.
“Buổi tối là lúc để não bộ nghỉ ngơi và ghi nhớ lại các hoạt động đã diễn ra trong ngày. Khi một người thức khuya làm tăng lượng thông tin cần ghi nhớ trong khi giảm thời gian nghỉ ngơi của bộ não. Thức khuya hoặc ngủ quá ít sẽ dẫn đến việc đau đầu vào ngày hôm sau, gây nên sự mệt mỏi, mất tập trung và dễ căng thẳng, cáu gắt”, Duy Tây chia sẻ.
Ngoài ra, theo Duy Tây việc thức quá khuya hoặc thiếu ngủ sẽ ảnh hưởng tới quá trình phát triển cơ bắp, xương, nội tạng… vì cơ thể không thể tiết HGH (hormone tăng trưởng, thường sản xuất khi cơ thể ngủ say nhất). Anh Tây khuyên người trẻ nên xem trọng giấc ngủ, tập thói quen ngủ sớm để có thể bắt đầu một ngày làm việc nhiều năng lượng. Huấn luyện viên cho biết nên lựa chọn một môn thể thao để tập luyện, hạn chế sử dụng điện thoại để xem TikTok là cách để điều tiết lại giấc ngủ.
Bình luận