Cổ phần hoá chậm vì người đứng đầu vừa tiếc vừa e ngại

Anh Vũ
Anh Vũ
31/08/2018 15:18 GMT+7

Theo lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp, chính tâm lý này của người đứng đầu các doanh nghiệp Nhà nước khiến cổ phần hoá đang hết sức ì ạch.

Trao đổi với báo chí, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, cho biết việc bàn giao các doanh nghiệp sau cổ phần hóa về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) còn chậm, đặc biệt giai đoạn 2016 - 2017, danh mục gồm 62 doanh nghiệp nhưng thực tế chỉ bàn giao được 37 doanh nghiệp. Trong 8 tháng năm 2018, mới có 4 doanh nghiệp được bàn giao.

 

Nguyên nhân do người đứng đầu doanh nghiệp e ngại. “Họ sợ lúc đó sẽ tiến hành quản lý theo mô hình doanh nghiệp, công khai minh bạch theo cơ chế thị trường. Trong khi đó, việc đánh giá hiệu quả và quyền lợi của người lãnh đạo doanh nghiệp nếu ở cơ quan đại diện chủ sở hữu hiện đang làm hai nhiệm vụ vừa là cơ quan chủ sở hữu, vừa quản lý doanh nghiệp, việc can thiệp sẽ không soi kỹ và còn du di về đánh giá hiệu quả, gắn với trách nhiệm ban lãnh đạo doanh nghiệp”, ông Tiến nói. 

 

Vẫn theo lãnh đạo này, các cơ quan đại diện chủ sở hữu còn luyến tiếc về đơn vị mà mình đã quản lý, dẫn đến một số nơi ngại bàn giao và lấy nhiều lý do khác nhau để trì hoãn. Nếu đưa về SCIC đối với những doanh nghiệp đã cổ phần hóa, ông Tiến cho rằng, SCIC có thể gia tăng giá trị của doanh nghiệp và thoái vốn tốt hơn.

 

Ngoài ra, khi thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, một số cơ quan còn tư tưởng đợi Ủy ban hoạt động để về đây cho tương xứng với vị trí của mình, thay vì về SCIC. Tuy nhiên, việc này đã được Bộ Chính trị, Chính phủ công bố rõ, danh mục về Ủy ban là 19 tập đoàn, tổng công ty, trong đó có SCIC.

 

Ông Tiến nhận định thêm, vừa qua tính kỷ luật chấp hành đối với chỉ đạo của cấp trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chưa được thực hiện nghiêm. Thứ hai là còn sự nhận thức e ngại trong việc thực hiện thực chất đổi mới khi cổ phần hóa “bình mới, rượu mới”; tâm lý sợ mất vị trí, vai trò sau cổ phần hoá; tư tưởng yên vị vẫn còn đã và đang kìm hãm tiến độ đổi mới.

 

Thứ ba là tư tưởng né tránh trách nhiệm, sợ va chạm nên chưa làm quyết liệt, mạnh mẽ khi thực hiện quy trình mới chặt chẽ, công khai minh bạch, rõ ràng hơn và phải có nhiều bước đi hơn gắn với trách nhiệm cá nhân người đứng đầu doanh nghiệp, cơ quan.

 

Để khắc phục tình trạng này, theo lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp, cần tăng cường công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát lẫn chế tài đối với cơ quan đại diện chủ sở hữu, người đứng đầu doanh nghiệp. Đặc biệt, cần rà soát lại các danh mục cổ phần hóa, thoái vốn, nếu đơn vị nào làm chậm phải có nhắc nhở, kiểm điểm.

 

Trường hợp danh mục thoái vốn cơ quan, doanh nghiệp đã đăng ký năm 2017 và 2018 không làm được thì cần mạnh dạn chuyển giao về SCIC - doanh nghiệp thoái vốn chuyên nghiệp.

 

“Cần yêu cầu các cơ quan, doanh nghiệp công bố công khai rõ ràng lộ trình thực hiện, theo tiến độ quý, 6 tháng, ghi rõ tên người chịu trách nhiệm. Ví dụ như chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm cổ phần hóa doanh nghiệp A, B cần ghi rõ luôn trong lộ trình năm 2018, 2019, 2020. Việc công khai sẽ làm rõ tiến độ, đầu mối xử lý vướng mắc cũng như rõ trách nhiệm người đứng đầu”, ông Tiến khẳng định. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.