Khả năng sinh lời cao nhất, nhì hệ thống
Theo công bố chính thức của Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM, ngày 17.8 tới đây ngân hàng (NH) TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (mã VPB) sẽ niêm yết trên sàn HOSE với tổng khối lượng hơn 1,3 tỉ cổ phiếu. Thông tin từ bản cáo bạch của ngân hàng này cho thấy, trong số 11 cổ phiếu NH đang niêm yết trên cả 3 sàn hiện nay, VPBank có tổng tài sản (hơn 248.700 tỉ đồng), dư nợ cho vay và huy động vốn đứng thứ 8 sau BIDV, VietinBank, Vietcombank, Sacombank, MB, SHB và ACB. Còn riêng về vốn chủ sở hữu thì đứng thứ 6 sau VietinBank, Vietcombank, BIDV, MB và Sacombank.
Chính vì vậy, mức giá 39.000 đồng khiến không ít nhà đầu tư e ngại quá cao, đặc biệt khi so sánh với các cổ phiếu cùng dòng. Cụ thể, đóng cửa cuối phiên 15.8, giá của BIDV (mã BID) 20.800 đồng/cổ phiếu, CTG của Vietinbank 19.250 đồng, Quân đội (MBB) 23.220 đồng, SHB khá thấp 8.000 đồng, Vietcombank (VCB) 37.650 đồng…
Tuy nhiên, nếu xét về lợi nhuận đây có thể là một cổ phiếu “đắt xắt ra miếng” với các nhà đầu tư. Lợi nhuận của VPBank năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 chỉ kém 3 NH lớn nhất là Vietcombank, VietinBank và BIDV, còn lại hơn hẳn các NH tư nhân phía sau. Cụ thể, tính đến 30.6.2017, VPBank đạt lợi nhuận 3.264 tỉ đồng trước thuế, lợi nhuận sau thuế hơn 2.600 tỉ đồng.
Về khả năng sinh lời, VPBank đang có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân cao bậc nhất thị trường. Tại thời điểm năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROAE) là quanh 27 – 28%, gấp trên dưới 4 lần so với của 3 NH lớn nhất là Vietcombank, BIDV và VietinBank và gấp cả chục lần so với các NH khác.
Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) của VPBank cũng đạt mức cao nhất. Tổng hợp số liệu từ báo cáo năm 2016 cho thấy ROA của NH này khoảng 1,7% trong khi đối thủ cạnh tranh gần nhất là MB chỉ đạt 1,1%. Trong nhóm cổ phần nhà nước, Vietcombank có ROA cao nhất cũng chỉ đạt 0,9%.
Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2017, thu nhập trên một cổ phiếu phổ thông (EPS) của VPBank đạt hơn 2.500 đồng, còn giá trị sổ sách trên một cổ phiếu (BVPS) là hơn 18.000 đồng. Trong khi đó ở nhóm ngân hàng còn lại EPS cao nhất thuộc về MB cũng chỉ hơn 1.700 đồng, Vietcombank khoảng 1.600 đồng, các ngân hàng còn lại dao động từ 1.200 – 1.500 đồng. Còn BVPS của các NH đã niêm yết cao nhất là VietinBank mới đạt hơn 16.200 đồng.
Dám chấp nhận “khẩu vị” rủi ro cao
Trao đổi với chúng tôi, Tổng giám đốc VPBank, Nguyễn Đức Vinh từ chối bình luận về giá chào sàn của NH này đắt hay rẻ, bởi theo ông mỗi một nhà đầu tư đều có góc đánh giá, phân tích và kỳ vọng khác nhau. Tuy nhiên, những kết quả tích cực của VPB thông qua báo cáo tài chính được kiểm toán đã khẳng định ngân hàng có giá trị cơ bản tốt, được nhà đầu tư, thị trường định giá cao.
Một trong những nguyên nhân để có được kết quả kinh doanh trên, theo ông Vinh đến từ việc NH dám chấp nhận “khẩu vị rủi ro” cao nhất thị trường khi cho vay lĩnh vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ như tài chính tiêu dùng cá nhân, cho vay qua thẻ tín dụng, và lĩnh vực “khó nhằn” và kén khách như DN vừa và nhỏ (SME). Trên thực tế, chính những mảng này đã mang lại “trái ngọt” như FE Credit đạt lợi nhuận 1.300 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm 2017 (chiếm tới khoảng gần ½ lợi nhuận của VPBank). Riêng đối với lĩnh vực thẻ ông Vinh cho biết, dù đi sau nhưng hiện VPBank đạt 280.000 thẻ tín dụng, chỉ xếp dưới một số bank có truyền thống như Vietcombank, Vietinbank.
“Mỗi NH có hướng đi khác nhau, cách tiếp cận khác nhau, nhưng VPBank luôn có cách tiếp cận mang lại hiệu quả nhanh nhất. Chúng tôi tạo doanh thu ngày hôm nay và luôn phải chuẩn bị để tạo doanh thu cho ngày mai”, ông Vinh chia sẻ.
Song cũng chính vì “khẩu vị rủi ro” cao mà VPBank là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thuộc tốp đầu trong hệ thống các ngân hàng cổ phần, loại trừ Sacombank đang tái cơ cấu. Bên cạnh đó ngân hàng này cũng sở hữu số trái phiếu VAMC sau khi bán nợ cho công ty này với hơn 4.100 tỉ đồng và các khoản nợ đó sẽ phải xử lý trích lập dự phòng hàng năm. Trong hệ thống, số nợ mà VPBank đang gửi ở VAMC là cao thứ 4 chỉ sau BIDV, VietinBank và Eximbank.
Ngoài số nợ xấu đang sở hữu và số nợ bán cho VAMC, tổng cộng gần 10.000 tỉ đồng, thì VPBank cũng như các NH khác còn đối mặt với số nợ xấu tăng lên mỗi năm, bởi lẽ nợ xấu tất yếu sẽ phát sinh song hành với tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, có 1 dấu hiệu khá tích cực khi tỷ lệ nợ xấu của VPBank đã có chiều hướng giảm đáng kể trong 6 tháng đầu năm. Có được điều này do NH đã tích cực trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, thận trọng và không đánh đổi mở rộng tín dụng bằng mọi giá. Tính đến hết quý 2/2017 tỷ lệ nợ xấu hiện chỉ chiếm 2,81% tổng dư nợ, nằm trong ngưỡng an toàn theo quy định.
Bình luận (0)