Kết thúc năm 2015, chỉ số VN-Index chỉ tăng được 6,2%/năm trong khi chỉ số HNX-Index giảm 4,46%, nhưng một số cổ phiếu đã tăng giá vùn vụt gấp 5 - 6 lần, thậm chí gấp 10 lần.
Cổ phiếu đầu cơ có thể mang lại niềm vui lẫn nỗi buồn cho nhà đầu tư - Ảnh: D.Đ.Minh |
Tăng 10 lần
Lập kỷ lục về mức tăng giá trong vòng một năm qua là cổ phiếu (CP) của CTCP Tài Nguyên (TNT) đang được giao dịch trên sàn TP.HCM. Từ mức giá 2.500 đồng/CP vào đầu năm 2015, TNT tăng vùn vụt và đang đứng ở giá 25.500 đồng/CP, tăng gấp 10 lần chỉ trong vòng 1 năm. Mức tăng này đã giúp TNT phát hành thành công 17 triệu CP mới để tăng vốn điều lệ lên gấp 3 lần, từ 85 tỉ đồng lên 255 tỉ đồng nhằm hợp tác đầu tư hai dự án ở tỉnh Điện Biện sau một thời gian dài công ty hầu như không có hoạt động gì. Theo báo cáo tài chính của TNT đến hết quý 3/2015, lãi cơ bản trên CP (EPS) đạt 200 đồng (trong khi cùng kỳ năm 2014 bị lỗ), chỉ số P/E (giá/lãi cơ bản CP) đang ở mức hơn 127 lần.
Chị Thanh, một nhà đầu tư tại Q.3, TP.HCM, đặt vấn đề, nếu so sánh TNT với CP của CTCP đầu tư và phát triển đô thị Long Giang (LGL) cùng hoạt động ngành bất động sản cho thấy, LGL hiện có giá 7.200 đồng/CP và EPS đến hết quý 3/2015 đạt 1.133 đồng, như vậy P/E chỉ ở mức 6,3 lần. “Nếu nhìn vào kết quả kinh doanh với hai chỉ tiêu cơ bản là EPS và P/E thì những nhà đầu tư cá nhân bình thường như tôi sẽ chọn ngay LGL vì lợi nhuận công ty cao hơn nhiều. Vậy nên vì sao TNT tăng giá liên tục thì không hiểu được. Chỉ có thể là được đẩy giá thôi”, chị Thanh thốt lên.
Ngoài TNT, một số CP trong năm qua cũng có mức tăng đáng ngạc nhiên như HTL - CTCP kỹ thuật và ô tô Trường Long tăng từ 23.400 đồng/CP lên 144.000 đồng/CP, mức tăng 515%. Đó là DRH - CTCP đầu tư Căn nhà mơ ước từ giá 5.800 đồng lên 23.600 đồng, tăng hơn 300%; VC3 - CTCP xây dựng số 3 tăng giá từ 6.300 đồng lên 23.200 đồng, mức tăng 268%; SHN - CTCP đầu tư tổng hợp Hà Nội tăng từ 3.900 đồng lên 12.500 đồng, mức tăng 220%... Cũng giống như TNT, các CP này đều có kết quả kinh doanh 3 quý đầu năm 2015 khả quan nếu so với mức quá thấp hay thua lỗ của cùng kỳ năm trước đó. Tuy nhiên, mức lợi nhuận đó vẫn chưa tương xứng với mức tăng giá phi mã nói trên, đặc biệt nếu so sánh với những CP cùng nhóm ngành hoạt động đang niêm yết trên sàn.
Có bàn tay “vô hình” ?
Nếu căn cứ vào các chỉ số cơ bản như EPS, P/E, hầu hết nhà đầu tư được hỏi đều lắc đầu không dám bỏ tiền mua các CP này vì giá đã cao ngất ngưỡng. Nhưng một số người thì vẫn “liều ăn nhiều”. Như tại phiên giao dịch ngày 7.1, khi thị trường chứng khoán trong nước còn đang rúng động do bị ảnh hưởng từ sự sụt giảm của chứng khoán Trung Quốc, chị Yến - một nhà đầu tư tại Q.1, TP.HCM - lại “trúng đậm” cả gần 100 triệu đồng khi bán DRH với giá 24.000/CP. Chị Yến kể, ngày đó mấy nhà đầu tư ngồi nhau bàn tán về sự tăng giá khó hiểu của DRH thì chị mới nhớ ra đang còn giữ 4.000 CP này mua từ cuối năm 2014. Suốt một thời gian dài đến giữa năm 2015, giá chỉ xoay quanh 5.000 đồng/CP nên chị gần như quên bẵng.
“Ai ngờ đến ngày chứng khoán toàn cầu sụt giảm, mình lại bán được với giá hời thế, bỏ túi cả trăm triệu” - chị hồ hởi kể và cho biết: “Người bạn nói không biết vì sao DRH lại tăng giá liên tục. Có thể có đội lái nào đó. Cá nhân như tôi chỉ biết mua theo và lời vậy là quá hên rồi!”. Mức tăng của những CP kể trên đều khiến nhiều người ngạc nhiên. Đáng chú ý, một số CP khi tăng giá thì lượng giao dịch rất thấp. Như VC3 hay HTL chỉ có 30 hay 50 CP được giao dịch mỗi phiên... Nên những người đang nắm giữ các CP này nếu muốn bán được phải canh “dài cổ” đặt lệnh vì không có người mua.
Nhận xét về hiện tượng này, tổng giám đốc một công ty chứng khoán tại TP.HCM nhận định: Các nhà đầu tư gọi chung đó là nhóm CP đầu cơ và việc tăng giá sẽ không theo quy luật thông thường hoặc sẽ có sự can thiệp của một nhóm nhà đầu tư mà gọi nôm na là “đội lái”. Bởi công ty không có lợi nhuận đột biến, không có thông tin tốt đáng để CP tăng giá nhiều.
Ông ví von: Một doanh nghiệp liên tục có mức tăng trưởng lợi nhuận cao thì sau 5 - 7 năm mới hy vọng giá CP tăng được gấp đôi chứ không thể sau 1 năm tăng lên 10 lần. Tương tự, theo ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán SJC, việc tăng giá mạnh của một số CP chỉ có thể được giải thích rằng “có bàn tay vô hình điều khiển giá”.
Bởi soi kết quả kinh doanh thì mức tăng trong năm 2015 chưa đủ để giá tăng cao. Dù là những ngành có kết quả kinh doanh tốt như bất động sản, xây dựng hay kinh doanh ô tô thì cũng không thể nào có mức tăng gấp 4 - 5 lần. “Trong thời điểm hiện tại khi thị trường chứng khoán đang bị ảnh hưởng nhiều bởi suy giảm từ thị trường Trung Quốc và tâm lý nhiều nhà đầu tư còn lo lắng thì hiếm có việc nhà đầu tư kỳ vọng cao quá mức vào một CP nào đó. Vì vậy chỉ có thể nói rằng mức tăng đó là khó hiểu. Nếu nhà đầu tư nào tham gia mua bán những CP thuộc dạng đầu cơ đó thì phải chấp nhận rủi ro rất lớn. Bởi những CP này sau đợt tăng sẽ có những đợt suy giảm sâu, thậm chí bị mất thanh khoản và nhà đầu tư có thể không bán được dù chấp nhận lỗ nặng”, ông Huỳnh Anh Tuấn nói.
|
Bình luận (0)