Về nguyên tắc, công nghệ blockchain đằng sau Bitcoin đảm bảo tính ẩn danh của người dùng nhưng đồng thời cũng đề cao yếu tố minh bạch của các giao dịch. Do đó, theo Cointelegraph, Bitcoin có thể được xem là mạng lưới "pseudo-anonymous" (giả ẩn danh). Hiểu được cơ chế này, các cơ quan chính phủ trên thế giới có thể nhờ sự trợ giúp của những chuyên gia để theo dõi Bitcoin và xác minh danh tính chủ sở hữu nếu nghi ngờ người đó dùng tiền mã hóa phục vụ cho mục tiêu bất chính.
Các cơ quan chính phủ có thể theo dõi Bitcoin để ngăn chặn các hoạt động bất chính |
chụp màn hình |
Các cơ quan chức năng như cảnh sát, Cục Điều tra Liên bang Mỹ hay Sở Thuế vụ Mỹ (IRS) thường dựa trên những giao dịch tiền mã hóa công khai để theo dõi những cá nhân, tổ chức trốn thuế, hay dùng tiền mã hóa để rửa tiền và tài trợ khủng bố. Như IRS có thể theo dõi thông tin các chủ sở hữu, nhà đầu tư Bitcoin để tăng thuế từ lãi vốn hoặc thu nhập của họ.
Những công ty như Chainalysis thường cung cấp dịch vụ giám sát và phân tích blockchain. Nếu phát hiện giao dịch Bitcoin nào đó liên quan đến tội phạm, họ có thể hợp tác với FBI để theo dõi một số quỹ tiền mã hóa trên phạm vi quốc tế.
Bên cạnh việc phân tích dữ liệu có sẵn, nhà chức trách cũng có thể yêu cầu thông tin từ các sàn giao dịch tập trung. Theo quy định, các sàn giao dịch có nghĩa vụ phải chia sẻ thông tin đó. Coinbase là ví dụ điển hình cho sàn giao dịch theo mô hình tập trung (centralized exchange - CEX), được điều hành bởi thực thể duy nhất. Muốn được cấp phép hoạt động ở một quốc gia hay vùng lãnh thổ, các sàn giao dịch tập trung phải cam kết tuân thủ các quy định.
Chẳng hạn, để hạn chế việc sử dụng tiền mã hóa bất hợp pháp, hầu hết sàn giao dịch tập trung đều có quy trình Know Your Customer (KYC), tức là quy trình xác minh danh tính của khách hàng rồi mới cho phép họ giao dịch trên sàn.
Sau quy trình KYC, sàn giao dịch có thể chia sẻ dữ liệu khách hàng với cơ quan thực thi pháp luật nếu được yêu cầu. Bằng cách sử dụng thông tin thu được từ CEX, IRS có thể xác định danh tính người sở hữu các ví Bitcoin.
Nhưng không phải mọi sàn giao dịch đều hợp tác với cơ quan chức năng và yêu cầu khách hàng trải qua bước KYC, ví dụ các sàn giao dịch phi tập trung (decentralized exchange - DEX) thường bỏ qua KYC và rất khó quản lý vì không có trụ sở chính và không được điều hành bởi công ty duy nhất.
Bình luận (0)