Cơ quan hành chính làm việc từ 8 giờ 30: Giờ học của học sinh thế nào là phù hợp?

Bích Thanh
Bích Thanh
02/05/2019 08:08 GMT+7

Ngay sau khi Bộ LĐ-TB-XH đưa ra đề xuất trong dự thảo bộ luật Lao động sửa đổi về thời gian làm việc dự kiến từ 8 giờ 30 đến 17 giờ 30, phụ huynh học sinh cũng như giáo viên đã bày tỏ quan điểm và đưa ra các ý kiến về giờ học của học sinh sao cho phù hợp với người học và với công việc của cha mẹ.

Hầu hết ý kiến đều cho rằng nếu thời gian làm việc thay đổi thì giờ vào học và tan trường của học sinh (HS) cũng cần phải thay đổi sao cho tương thích. Nếu không có sự đồng bộ thì mọi việc sẽ xáo trộn và không đạt được mục tiêu đặt ra.

Học sinh muốn vào học muộn hơn

Chị Nguyễn Thanh Vân, phụ huynh HS Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM), nêu quan điểm hoàn toàn ủng hộ đề xuất này nếu các trường cũng thay đổi giờ học của HS. “Hiện tại giờ làm việc của tôi và giờ học của con là trùng nhau, vào lúc 7 giờ 30. Vì vậy, hằng ngày bé nhà tôi dậy lúc 6 giờ 15 để vệ sinh cá nhân, ăn sáng, di chuyển… sao cho 7 giờ 15 con có mặt ở trường và mẹ đến cơ quan là đúng 7 giờ 30. Hầu như sáng nào cháu dậy cũng uể oải, muốn ngủ thêm nên sắp tới thời gian làm việc muộn hơn 1 tiếng thì giờ học của HS cũng nên trễ hơn để các cháu có thời gian ngủ nhiều hơn một chút”, chị Vân nói.
Còn một phụ huynh tại Q.Phú Nhuận cho hay, gần như sáng nào khi đánh thức bé gái học lớp 1 dậy là nghe mè nheo: “Con không muốn đi học đâu, con muốn ngủ thêm”. Giờ vào học của trường là 7 giờ nên học sinh phải có mặt trước ít nhất 10 phút, do vậy bé phải dậy từ lúc 6 giờ sáng. Phụ huynh này còn chỉ ra bất cập hiện nay: “Giờ vào học thì sớm nên giờ tan học cũng sớm theo vào khoảng 4 giờ 30, phụ huynh khó lòng sắp xếp giờ đón con vì tan làm sớm nhất cũng phải 5 giờ. Vì vậy, theo tôi, giờ làm việc thay đổi thì thay đổi giờ học sao cho phù hợp để tạo điều kiện cho HS và người lao động”.
Ngoài ra, trong kỳ họp của Hội đồng trẻ em TP.HCM năm 2018, HS của Trường THCS Tân Túc (H.Bình Chánh) phát biểu ý kiến nhà trường quy định vào học lúc 6 giờ 45 nên em và các bạn nhiều lần bị ghi tên, nhắc nhở, phạt trực nhật... do đến muộn. HS này đưa ra lý do, bên cạnh việc học khá nặng, HS phải tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, thức khuya học bài nên thường không tròn giấc ngủ. Để đến trường đúng giờ, HS phải dậy từ rất sớm và lúc nào cũng trong tình trạng uể oải. Vì vậy, hầu hết HS tham gia buổi họp đều tán thành và đề xuất dời giờ học buổi sáng trễ hơn ít nhất là 30 phút so với hiện tại.

Lùi giờ học khó cho các trường học một buổi

PGS-TS Ngô Minh Oanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cũng cho rằng giờ học hiện tại của HS VN là khá sớm so với các nước trên thế giới dẫn đến tình trạng HS chưa tái tạo đủ năng lượng khi đến trường. Ông Oanh cho biết ủng hộ chủ trương thay đổi giờ làm việc của cơ quan nhà nước, đồng thời đề xuất giờ học của HS cũng nên thay đổi sao cho phù hợp với nguyện vọng của phụ huynh, HS và bố trí hợp lý với các điều kiện khác.
Về phía giáo viên, cô Huỳnh Lê Ý Nhi, Trường THCS Đồng Khởi (Q.Tân Phú), nhìn nhận: “Quả thật, buổi sáng HS phải dậy sớm, đi làm cùng cha mẹ khiến phần đông đều mệt mỏi”. Tuy nhiên, giáo viên này cũng nói thêm, việc thay đổi giờ học của HS còn phải tùy thuộc vào số tiết học, cơ sở vật chất, trường dạy 2 buổi thì có thể khả thi còn nếu quận, huyện nào chỉ tổ chức trường học 1 buổi thì e rằng sẽ gặp khó khăn. Bởi hiện tại trường THCS dạy 1 buổi, sáng phải học từ 7 giờ hoặc 7 giờ 15 và đủ 5 tiết/buổi thì giờ tan học sẽ là khoảng 11 giờ 30. Nếu xếp giờ học buổi sáng trễ hơn thì ảnh hưởng đến lớp học buổi chiều.
Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết giờ học của HS được xây dựng căn cứ theo số tiết học của từng bậc học và căn cứ vào trường học 1 buổi hay 2 buổi do Bộ GD-ĐT quy định. Hiện tại giờ học của HS tại TP.HCM được bố trí phân luồng theo cụm các quận, huyện và chênh lệch với nhau khoảng 15 phút để giảm, tránh ùn tắc giao thông. Sắp tới nếu có những quy định mới, thay đổi về giờ làm việc thì với chức năng của mình, ngành giáo dục sẽ có những đề xuất phối hợp với các ban ngành của thành phố sao cho hợp lý và phù hợp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.