Cơ quan tình báo kín tiếng Canada lộ diện sau vụ rò rỉ về Trung Quốc

30/03/2023 21:45 GMT+7

Vụ rò rỉ thông tin về cáo buộc Trung Quốc can thiệp chính trị nội bộ đã khiến cơ quan tình báo ít được biết đến của Canada trở thành tâm điểm chú ý.

Vụ rò rỉ tài liệu tình báo cho báo chí liên quan hoạt động can thiệp của nước ngoài vào các cuộc bầu cử đã khiến chính phủ Canada bị chỉ trích. Vụ việc cũng khiến cho cơ quan tình báo của nước này trở thành tâm điểm chú ý của dư luận.

Từ bóng tối

Không nổi tiếng như CIA (Mỹ) hay MI6 (Anh), CSIS (Cơ quan Tình báo an ninh Canada) là một cơ quan ít được biết đến, ngay cả với người Canada. Nói thế không phải vì cơ quan này hoạt động quá bí mật, mà là bởi hầu hết người Canada không quan tâm, theo tờ The Guardian ngày 29.3.

CSIS được thành lập vào năm 1984, có trụ sở là một tòa nhà hình tam giác ở ngoại ô thủ đô Ottawa. Cơ quan này chuyên theo dõi các mối đe dọa an ninh quốc gia, hoạt động cả trong lẫn ngoài nước.

Cơ quan tình báo kín tiếng Canada lộ diện sau vụ rò rỉ về Trung Quốc - Ảnh 1.

Trụ sở của CSIS

FACTS ABOUT CANADA

Vai trò của CSIS trong nền chính trị Canada là không mấy nổi bật. Cơ quan này không có quyền bắt người và thông tin tình báo không thể được sử dụng làm bằng chứng truy tố. CSIS cũng chịu nhiều hạn chế so với các cơ quan tình báo của các nước đồng minh trong việc xử lý thông tin nhạy cảm. Thực tế là ngành tình báo thường không có ảnh hưởng đến các chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Canada. Những lý do đó khiến cho CSIS ít được công chúng biết đến, ngay cả khi cơ quan này vướng phải những lùm xùm pháp lý như vụ kiện vào năm 2017, trong đó CSIS bị cáo buộc phân biệt chủng tộc, kỳ thị đồng tính và bài Hồi giáo.

Ông David Vigneault, giám đốc CSIS, nói trong bài phát biểu hồi năm 2018: "Tôi chẳng giống gì với Daniel Craig (tài tử đóng vai siêu điệp viên James Bond trong phim 007) và tôi cũng không đến đây bằng chiếc Aston Martin (xe thường đi của Bond)".

Giữa những vấn đề đó, CSIS cũng đang gặp khó khăn trong việc xác định phương hướng hoạt động. Ông Vigneault từng gợi ý rằng CSIS cần chuyển ưu tiên từ chống khủng bố sang chống can thiệp nước ngoài vì đó là mối đe dọa lớn nhất đối với lợi ích và thịnh vượng quốc gia. Tuy nhiên, quá trình thay đổi không diễn ra suôn sẻ, gây nhiều sự phẫn nộ từ nội bộ cho rằng CSIS thiếu các công cụ cần thiết để chống sự can thiệp của nước ngoài.

"Khi tôn chỉ của CSIS được lập ra vào năm 1984, công nghệ tân tiến nhất của chúng tôi là một chiếc máy fax", phó giáo sư quan hệ quốc tế Stephanie Carvin tại Đại học Carleton và là cựu phân tích viên an ninh quốc gia Canada cho biết. "Giám đốc đã nói khá thẳng thắn và trong nhiều lần rằng 'chúng ta không thể thực hiện công việc của mình nữa'. Điều đó cho thấy vấn đề đã nghiêm trọng đến đâu".

Sự bất bình ngày càng gia tăng và những người chuyên điều tra quy mô và bản chất của sự can thiệp đã trở nên tức giận vì thái độ dửng dưng của giới lãnh đạo cơ quan cũng như giới lãnh đạo chính trị.

Cho đến ánh sáng

Hoạt động của CSIS đã trở thành đề tài nóng trên truyền thông Canada thời gian gần đây sau nhiều vụ rò rỉ tài liệu tình báo vài tháng qua cho thấy Trung Quốc có thể đã thiết lập mạng lưới tinh vi nhằm can thiệp bầu cử tại Canada. Trung Quốc đã bác bỏ những cáo buộc liên quan. Những cáo buộc này đã gây xung đột trên chính trường Canada và phá hủy sự nghiệp của ít nhất 2 chính trị gia.

Phát biểu trước quốc hội hồi đầu tháng 3, Giám đốc Vigneault chỉ trích vụ rò rỉ rất nghiêm trọng này vì làm lộ phương pháp điều tra và có thể là nguồn tin của CSIS. Đến nay, vẫn chưa rõ vụ rò rỉ bắt nguồn từ nội bộ CSIS hay từ giới quan chức có quyền truy cập tài liệu của CSIS bất mãn với chính phủ liên bang.

Cơ quan tình báo kín tiếng Canada lộ diện sau vụ rò rỉ về Trung Quốc - Ảnh 2.

Biển hiệu bên ngoài trụ sở của CSIS ở ngoại ô Ottawa

REUTERS

Phó giáo sư Carvin nói rằng Canada chưa từng đối mặt với vụ việc nào như vậy. "Có một chuyện đùa về tình báo Mỹ là nếu bạn muốn biết họ đang nghĩ gì, chỉ việc chờ 3 ngày và bạn sẽ thấy trên tờ New York Times. Và tình báo Anh từ lâu đã sử dụng chiến thuật rò rỉ. Nhưng tại Canada, việc rò rỉ như vậy là cực kỳ hiếm", bà Carvin nói.

Tuy nhiên, theo lời một trong số những người rò rỉ ẩn danh, hành động của họ có thể nhằm thúc đẩy chính phủ chú ý hơn tới mối đe dọa mà họ đã cảnh báo từ rất lâu. Trong bài viết trên tờ Globe and Mail, người rò rỉ tự nhận là "quan chức an ninh quốc gia" viết: "Lúc đầu, khi nhận thức được tầm quan trọng của mối đe dọa từ sự can thiệp bên ngoài đối với các thể chế dân chủ, tôi đã làm việc không biết mệt mỏi trong bóng tối như nhiều đồng nghiệp khác để cung cấp cho các lãnh đạo thông tin và công cụ cần thiết để có hành động đối phó. Nhiều năm trôi qua, mối đe dọa ngày càng cấp bách nhưng đáng tiếc là họ đã không làm gì".

Đến nay, CSIS gần như giữ im lặng khi cuộc khủng hoảng chính trị ngày càng khắc sâu. Trong khi đó, chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau bị chỉ trích vì không giải quyết các mối đe dọa can thiệp từ nước ngoài một cách thích hợp.

Ông Trudeau đã tìm cách chuyển ánh đèn sang những người rò rỉ đã gây ra cuộc khủng hoảng. Ông yêu cầu điều tra tìm ra ai là người tuồn tài liệu cho báo chí và ông Vigneault cũng đồng ý. "Điều quan trọng nhất của một tổ chức tình báo là năng lực thu thập bí mật và giữ kín chúng, sử dụng chúng với người phù hợp. Khi năng lực đó bị đe dọa, nó gây ảnh hưởng lòng tin của các đối tác trong và ngoài nước", ông Vigneault nói.

Tuy nhiên, theo giáo sư luật Cameron Hutchison tại Đại học Alberta - người giảng dạy và nghiên cứu về tự do ngôn luận và lợi ích công cộng, công chúng có quyền biết nhiều hơn về sự can thiệp của nước ngoài đối với quá trình bầu cử. Và để tránh bê bối, chính phủ và CSIS nên tạo ra cơ chế tốt hơn để quản lý những khiếu nại của người rò rỉ thông tin. "Công chúng muốn chính phủ là người chịu trách nhiệm, không phải là người rò rỉ hay nhà báo", giáo sư Hutchison viết trên Global News.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.