Có sinh viên đi… ăn cưới chị gái 3 lần/tháng

12/01/2018 16:32 GMT+7

Nhiều sinh viên bỏ thi, nộp bài trễ vì những lý do như ăn cưới chị gái, đám tang ông nội... Nhưng trong một tháng mà chị gái cưới đến 3 lần, còn ông nội mất những 2 lần, thì chỉ sinh viên mới nghĩ ra được.

Đủ “chiêu trò”

Nguyễn Thu Hà, cựu sinh viên Phân viện Báo chí tuyên truyền, kể lại: “Hồi đó, nếu sinh viên nghỉ học mà không xin phép, phòng đào tạo kiểm tra mà phát hiện ra thì sẽ trừ 0,2 điểm vào điểm trung bình học kỳ. Thế nên có lần mình nghỉ học, mình viết đơn xin phép cô chủ nhiệm với lý do là… ông nội mất. Rồi có lần thì bà nội mất. Trong khi ông bà nội mình mất từ hồi mình chưa sinh ra”.

Trong khi đó, Nguyễn Tuấn Anh, sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, có lịch thi giữa kỳ môn xác suất thông kê rơi đúng vào hôm có trận bóng giao hữu quan trọng mà cậu là chân sút chính. Vì quá đam mê đá bóng, lại không muốn làm ảnh hưởng đến đội nhà nên Tuấn Anh liều bỏ thi. Và liều hơn nữa là cậu viết đơn xin được xem xét với lý do bị gãy chân. Tuy nhiên, do không trưng được “chứng cứ” nên cậu đành ngậm ngùi lĩnh điểm 0, phải học lại.

Không ít sinh viên nghỉ học để đi đâu đó nhưng lại lấy lý do là về quê cưới chị gái, hay ông nội mất, ba bệnh, mẹ sinh em bé… Chỉ có điều, một tháng mà cưới chị gái đến 3 lần, còn ông nội mất những… 2 lần.

Mới đây, một sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM, đến hạn nộp bài tập môn đàm phán để chấm điểm cuối kỳ, nhưng giảng viên Châu Thế Hữu đợi mãi không thấy nộp. Trong buổi tối, giảng viên Hữu nhận được email của sinh viên, nhưng người viết lại xưng là phụ huynh. Nội dung bức thư ghi: “Tôi là phụ huynh của em T. Do T. vừa mới phẫu thuật mắt sáng hôm nay, lịch hẹn với bệnh viện không thể thay đổi được và cùng với việc nhà trường không làm việc ca chiều, nên T. không thể nộp bài đúng hẹn trong sáng nay. Nay chúng tôi xin thầy được nộp vào 2 ngày sau. Thầy xem và hồi đáp cho chúng tôi. Cám ơn thầy”.

Đọc xong mail trên, giảng viên Châu Thế Hữu và nhiều đồng nghiệp rất nghi ngờ vì nếu sinh viên có lịch hẹn phẫu thuật tại sao không báo trước cho giảng viên. Và dù có phẫu thuật đúng ngày phải nộp bài, thì tại sao trước đó sinh viên không lo hoàn thành. Trong trường hợp phẫu thuật thật, tại sao sinh viên hoặc phụ huynh không gọi điện trực tiếp trình bày mà lại gửi mail. Sau đó, sinh viên này có nộp giấy xuất viện nhưng lại không có dấu đỏ!

Cần công bằng với những sinh viên nghiêm túc

Với những sinh viên nghiêm túc, việc bạn cùng lớp nghỉ học, nộp bài trễ với những lý do không thuyết phục mà giảng viên cho qua thì rất dễ bức xúc và mất niềm tin vào sự công bằng.

Nguyễn Thu Thảo, sinh viên năm 2 Trường ĐH Sài Gòn, cho biết: “Theo em, sinh viên phải chấp hành đúng quy định về học tập, thi cử. Đi học là để lấy kiến thức, học cho mình, tại sao lại phải nói dối để được cho qua? Nếu một lần được, thì sẽ có nhiều lần sau đó”.

Nhìn nhận về việc này, giảng viên Lê Thị Bích Thủy (Trường ĐH Ngoại Thương cơ sở 2) chia sẻ: “Ngay từ đầu mình đã nói trước với sinh viên về nguyên tắc của mình. Ví dụ thi cử/thuyết trình... sẽ nhận điểm 0 với bất cứ lý do vắng nào ngoài 2 lí do: nhập viện cấp cứu (phải có giấy của bệnh viện), hoặc người thân mất”.

Đối với giảng viên Châu Thế Hữu (Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM), nguyên tắc mà giảng viên này đưa ra là nếu nộp bài trễ hạn có thể bị xem như không nộp bài và nhận điểm 0  để đảm bảo công bằng cho tất cả  sinh viên. “Nếu thực sự có lý do chính đáng và trung thực thì mình sẵn sàng tạo cơ hội các bạn nộp trễ. Nhưng trong trường hợp gian dối, thì thật đáng buồn cho sinh viên nào như vậy. Cho dù có “qua mặt” được giảng viên, thì sau này, nếu cứ tiếp tục thái độ học tập và làm việc như thế, các bán sẽ khó mà thành công”, thạc sĩ Hữu nhìn nhận.

Theo thạc sĩ Đặng Kiên Cường, Trưởng phòng Công tác Học sinh - sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, đây là vấn đề liên quan đến ý thức, thái độ học tập của sinh viên. Ông Cường cho rằng sinh viên nên có thái độ nghiêm túc, nên học cách quản lý, sắp xếp thời gian để đạt hiệu quả cao nhất trong học tập. Nếu gian dối, chính bản thân các em sẽ bị thiệt thòi như mất kiến thức, mất lòng tin đối với giảng viên, tạo thói quen xấu sau này".
Đối với những sinh viên thực sự gặp khó khăn phải nghỉ học đột xuất hoặc nộp bài không đúng hạn, theo thạc sĩ Đặng Kiên Cường, sinh viên nên trình bày chân thực với giảng viên. "Là một giảng viên có tâm, chắc chắn giảng viên sẽ sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ sinh viên của mình", ông Cường nhận định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.