Hương vừa đi vào lịch sử chợ nổi Cái Răng khi là đứa trẻ đầu tiên nơi đây trở thành sinh viên.
Đường vào chợ nổi chông chênh
|
Khu chợ nổi nơi Hương lớn lên là niềm tự hào của người Cần Thơ và cả miền Tây với lịch sử hàng trăm năm hình thành cùng những nét văn hóa đặc trưng sông nước. Ai đến Cần Thơ cũng phải đi chợ nổi ít nhất một lần bởi “chưa đi xem như chưa đến Cần Thơ”.
Ngày xưa, chợ nổi Cái Răng đơn thuần là nơi giao thương buôn bán rau, củ, quả..., lúc nào cũng sầm uất, tập nập ghe xuồng. Càng về sau, chợ nổi càng được khách thập phương quan tâm, dần trở thành điểm du lịch nức tiếng.
Tạp chí du lịch Rough Guide của Anh từng bình chọn chợ nổi Cái Răng là 1 trong 10 khu chợ ấn tượng nhất thế giới, còn trang Youramazingplaces cũng đưa chợ nổi Cái Răng vào danh sách 6 chợ nổi đẹp nhất châu Á. Một ông anh tôi làm du lịch cứ nói chợ nổi Cái Răng chính là bộ mặt du lịch của thành phố, cục nam châm hút du khách về vùng đất “gạo trắng nước trong”.
Tạp chí du lịch Rough Guide của Anh từng bình chọn chợ nổi Cái Răng là 1 trong 10 khu chợ ấn tượng nhất thế giới, còn trang Youramazingplaces cũng đưa chợ nổi Cái Răng vào danh sách 6 chợ nổi đẹp nhất châu Á. Một ông anh tôi làm du lịch cứ nói chợ nổi Cái Răng chính là bộ mặt du lịch của thành phố, cục nam châm hút du khách về vùng đất “gạo trắng nước trong”.
Những cư dân nghèo của chợ nổi
|
Cơ quan chức năng mỗi khi tham gia triển lãm gì cũng đều lấy mô hình chợ nổi Cái Răng ra làm điểm nhấn. Có nhà nghiên cứu cao hứng nói về chợ nổi: “Hãy tưởng tượng đang ngồi giữa một không gian sông nước, ngắm ánh trăng vàng, nhâm nhi ly rượu đế và nghe đờn ca tài tử”... Tất cả đều đẹp, đều hữu tình, thơ mộng.
Du khách lên ghe trò chuyện với thương hồ
|
Thế nhưng, những lần đi sâu vào chợ nổi Cái Răng khiến tôi nhận ra rằng, chợ thì nổi tiếng, nhưng cuộc sống của cư dân nơi đây vẫn chìm vào những khoảng tối, ẩn khuất chẳng mấy ai để ý, quan tâm. Khoảng tối có thể là chuyện người dân không có nước sạch xài, phải sử dụng nước sông ăn uống, trong khi mỗi sáng họ vẫn đi vệ sinh xuống dòng nước ấy. Khoảng tối là những dây điện câu đuôi đan nhau như mạng nhện nguy hiểm rình rập khi mưa dông; là những cái bè cũ nát không có tiền sửa chữa. Khoảng tối còn là những lần đứa trẻ rớt sông như cơm bữa, là sự thất học tụi nhỏ... Mọi thứ êm đềm và lặng lẽ trôi đi.
Cuộc sống và chuyện học hành của trẻ con nơi đây rất gian nan
|
Chỉ có Hương là một điểm sáng hiếm hoi. Gia đình em là một trong 39 hộ bè sống lênh đênh ở chợ nổi Cái Răng, cộng sinh với hàng trăm ghe xuồng buôn bán của thương hồ khắp nơi đổ về. Thành tích nổi bật của một đứa trẻ sông nước như Hương là rớt sông hơn 10 lần không chết. Thấy tôi ngạc nhiên, cô bé nói: “Đứa trẻ nào ở đây chả một vài lần rớt sông anh ơi”.
Tôi nể phục cha mẹ Hương, những thương hồ nghèo khổ đẻ được 2 cô con gái mà dám cho đi học đến cùng. Mẹ Hương kể con nít ở chợ nổi này xưa nay đông lắm, nhưng hầu hết bỏ học ngang hông vì không có hộ khẩu, thậm chí tạm trú cũng chẳng có lận lưng, lấy chi đến trường. Khó chút là cho qua, thành ra cứ thất học lớp này qua lớp khác. May cho Hương là hồi em còn bé, mẹ đi năn nỉ xin cho con nhập hộ khẩu vào nhà người bà con trên bờ.
Hương 19 tuổi, xinh đẹp và năng động là điểm sáng của chợ nổi Cái Răng
|
Bây giờ, Hương đã 19 tuổi, xinh đẹp, năng động, là sinh viên duy nhất ở chợ nổi này, duy nhất từ trước đến nay. Hương đang học năm thứ nhất, ngành sư phạm Anh, trường Cao đẳng Cần Thơ. Ước mơ của em là ra trường về chợ nổi dạy tiếng Anh cho bọn trẻ và làm du lịch, giúp bà con trong xóm làm homestay, xua đi cái nghèo.
Hương bảo em cũng ngán những bộ mặt đẹp, thơ mộng, hữu tình mà người ta gán cho cái nơi em lớn lên, trong khi cuộc sống người dân bộn bề thiếu thốn. Người ta đang lo chợ nổi Cái Răng mai một sẽ mất đi tài nguyên du lịch, đặc trưng của thành phố, nhưng lại chẳng cần hiểu rằng, để chợ nổi tồn tại thì cư dân ở đó phải sống được cái đã.
Tôi thấy ước mơ của Hương thật đẹp và thực tế. Nó khiến tôi nghĩ giá như có nhiều đứa trẻ khác ở chợ nổi Cái Răng cũng được học hành đến nơi đến chốn như Hương thì chắc vài năm nữa khu chợ này sẽ khác.
Bình luận (0)