Hết Sơn La lại đến Cần Thơ...

16/11/2015 11:06 GMT+7

Chuyện Sơn La bị dư luận cả nước bất bình về dự án xây tượng đài Bác Hồ có kinh phí 1.400 tỷ đồng tưởng là bài học chung, nhưng mới đây, Cần Thơ lại đề xuất một dự án tượng đài tốn gần 200 tỷ đồng.

Chuyện Sơn La bị dư luận cả nước bất bình về dự án xây tượng đài Bác Hồ có kinh phí 1.400 tỷ đồng tưởng là bài học chung, nhưng mới đây, Cần Thơ lại đề xuất một dự án tượng đài tốn gần 200 tỷ đồng.

Người dân cần những gì thiết thực cho cuộc sống hơn là  dồn ngân sách cho các dự án không thiết thực. (Trường tiểu học Nậm Pì, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lại Châu vừa được chương trình Cơm có thịt xây tặng - Ảnh chụp màm hình facebook)Người dân cần những gì thiết thực cho cuộc sống hơn là dồn ngân sách cho các dự án không thiết thực. (Trường tiểu học Nậm Pì, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lại Châu vừa được chương trình Cơm có thịt xây tặng - Ảnh chụp màm hình facebook)
Tỉnh Sơn La mấy tháng trước xin Trung ương cấp ngân sách xây dựng tượng đài Bác Hồ với tổng vốn dự chi là 1.400 tỉ đồng khiến dư luận sôi sục" (dù sau đó đã cải chính lại rằng, cụm tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc" thực tế dự chi "chỉ có 200 tỉ đồng".
Sau sự kiện đó, tôi cứ nghĩ bài học này khiến các tỉnh, thành khác nếu manh nha về việc này cũng sẽ lẳng lặng rút lui. Chí ít là vào lúc Quốc hội đang lo lắng bàn luận gay gắt vấn đề nợ công mà chưa có lời giải thoả đáng thì cũng nên thấy như vậy là rất không ổn. Nên biết rằng, năm 2005 , nợ công của Việt Nam mới chỉ là 22,3 tỉ đô la thì sau 10 năm, nó đã vọt lên gấp trên 4 lần con số đó.
Ấy vậy mà UBND TP Cần Thơ lại vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình Tượng đài Thanh niên xung phong Tây Nam bộ tại Cần Thơ. Theo đó, công trình có quy mô khoảng 3,5 ha nằm ở phường Ba Láng (quận Cái Răng) với tổng mức đầu tư dự kiến 188 tỉ đồng, bằng nguồn vốn 100% ngân sách Trung ương, được thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020.
Tôi không hiểu "tác giả" công trình văn hoá nói trên đưa ra ý tưởng vào thời gian này có theo dõi báo chí không, họ đã thấy tính bức thiết buộc phải có cụm tượng đài đó vào giai đoạn quốc gia đang thiếu thốn, nợ nần?
Được biết, nếu tính theo bình quân mỗi người dân nước Việt, số nợ đã lên tới 1.016 USD và còn có nguy cơ tăng nữa. Đó là chưa nói còn một kiểu tính khác, con số nợ công/người dân còn nhích hơn khoản 200 USD/người. Phải chăng, Sơn La hay Cần Thơ vẫn cho rằng, ngân sách nhà nước vốn thiếu thì cũng thiếu rồi, nay có chi thêm chút đỉnh cũng có sao?
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh đã trình bày trước Quốc hội: Dự toán chi đầu tư phát triển năm 2016 là 255.750 tỉ đồng. Đấy là số liệu báo cáo trước khi có chủ trương thực hiện cải cách tiền lương. Theo Nghị quyết mới đây của Quốc hội thông qua tăng lương 5% từ ngày 1.5.2016 thì số vốn đầu tư này tiếp tục phải cắt giảm chỉ còn 254.950 tỉ đồng. Trong đó, riêng ngân sách địa phương chiếm 131.200 tỉ đồng, bằng 51,3%; Trung ương còn khoảng 124.000 tỉ đồng. Trừ đi phần vốn nước ngoài, vốn thu từ nguồn cổ phần hóa... thì phần vốn ngân sách trung ương có thể điều tiết bố trí mới sẽ chỉ còn vỏn vẹn 45.000 tỉ đồng. “45.000 tỉ này không biết phải làm gì, chưa nói đến việc phải trả nợ và nếu trả nợ xong thì gần như không có tiền để làm gì nữa ...", ông Vinh nói thêm.
Tôi cảm phục đại biểu Lê Nam (Thanh Hoá ) hôm 2.11 đã thẳng thắn đề cập trước Quốc hội chuyện các tỉnh thành cả nước đang có phong trào xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều đó, theo ông là trái với tư tưởng và tâm nguyện của Bác khi người để lại di chúc. Ông cũng không ngần ngại nêu lên một thực tế, vừa qua Chính phủ đã đồng ý cho làm nhiều tượng đài Bác Hồ, xây nhiều quảng trường “hoành tráng, tốn kém” và còn dự kiến tiếp tục xây dựng thêm tại nhiều địa phương.
Theo đại biểu Lê Nam, đây là vấn đề cần được xem xét trong điều kiện ngân sách nhà nước ngày càng khó khăn và “còn nhiều người thất học, nhiều người nghèo” cũng như “còn thiếu tiền để làm nhà cho các gia đình chính sách”.
Đã tới lúc Đảng, Nhà nước cần có những văn bản, chỉ thị chặt chẽ, quyết liệt hơn nữa trong công tác chi tiêu ngân sách, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và quy trách nhiệm cho người nào vi phạm. Có như thế thì mới mong trả sớm nợ công đang ngày một đè nặng lên vai mỗi người dân. Nếu nói mà không làm thì chỉ thêm giảm lòng tin của dân mà thôi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.