Vụ cấp khống giấy nghỉ ốm:

Có sự thông đồng giữa cơ sở khám, chữa bệnh và người lao động

Thu Hằng
Thu Hằng
05/06/2023 17:35 GMT+7

Có trường hợp người lao động không bị bệnh nhưng vẫn được khám và đưa ra chẩn đoán cấp giấy nghỉ ốm. Chính cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) đã phát hiện và chuyển sang cơ quan cảnh sát điều tra để làm rõ.

Thông tin vụ việc cấp giấy chứng nhận nghỉ ốm khống cho người lao động được lãnh đạo BHXH Việt Nam cho biết tại buổi họp báo định kỳ quý 2 do BHXH Việt Nam tổ chức chiều 5.6. 

Có sự thông đồng giữa cơ sở khám chữa bệnh và người lao động - Ảnh 1.

Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh thông tin tại buổi họp báo

THU HẰNG

Theo ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, vụ việc nhiều phòng khám ở Đồng Nai bị khám xét thực chất là có sự thông đồng giữa phòng khám và người lao động. Người lao động vẫn nhận được khoản tiền đó, phòng khám không tự ký khống và hưởng số tiền đó.

"Chúng tôi trả vào tài khoản của người lao động, khi họ đồng ý ký vào giấy chứng nhận nghỉ ốm. Chúng tôi đối chiếu, đối soát và phát hiện ra. Nếu không có bước này thì trục lợi BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) vô cùng lớn. 4 - 5 năm trước, trục lợi BHXH nhiều, đến nay cơ bản được hạn chế", ông Mạnh nói. 

Liên quan đến vụ việc cấp giấy chứng nhận nghỉ ốm khống, ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam), cho hay việc cấp giấy nghỉ ốm không đúng quy định từng xảy ra ở một số địa phương. Cơ quan BHXH đã biết và có nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương rà soát, kiểm tra, thanh tra và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan. 

Ông Phúc thông tin: "Việc cấp giấy nghỉ ốm xảy ra ở 2 loại cơ sở khám, chữa bệnh: các cơ sở khám, chữa bệnh có hợp đồng với cơ quan BHXH và cơ sở không có hợp đồng với cơ quan BHXH.

Ở đây có sự "bắt tay" giữa cơ sở khám, chữa bệnh và người lao động. Có trường hợp không bị bệnh vẫn được khám và đưa ra chẩn đoán để cấp giấy nghỉ ốm. Cách đây hơn 1 năm, chúng tôi đã phải xử lý trường hợp một công ty có người lao động nghỉ nhiều quá nên doanh nghiệp kiến nghị rà soát. Chính cơ quan BHXH đã phát hiện và chuyển sang cơ quan cảnh sát để điều tra làm rõ".

"Ngày 4.6, chúng tôi đã có văn bản gửi Bộ Y tế đề nghị chỉ đạo sở y tế, các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc triển khai về vấn đề giám định, thanh toán cũng như cấp giấy nghỉ ốm, tránh những trường hợp như đã xảy ra", ông Phúc nói.

Theo đó, BHXH Việt Nam đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo sở y tế các tỉnh, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức thực hiện công tác khám, chữa bệnh BHYT đối với các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn, nhất là các cơ sở y tế tư nhân.

Đối với các cơ sở khám, chữa bệnh được xác định có hành vi trục lợi Quỹ BHXH, BHYT, giao cho sở y tế phối hợp với BHXH tỉnh, thành phố thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế theo quy định tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28.9.2020 của Chính phủ; điều 23 của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17.10.2018 của Chính phủ...

Liên quan đến vụ việc tại Đồng Nai, BHXH cho biết, theo báo cáo của BHXH tỉnh Đồng Nai, việc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng chế độ BHXH đối với 6 phòng khám đa khoa trên địa bàn tỉnh Đồng Nai không đúng quy định như: người bệnh không đi khám vẫn được cấp giấy chứng nhận nghỉ hưởng BHXH; bác sĩ không đi làm tại phòng khám nhưng vẫn ký cấp giấy chứng nhận nghỉ hưởng BHXH; không bị ốm vẫn kê chỉ định xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thuốc... để trục lợi Quỹ BHXH, BHYT.

Ngày 3.6, Sở Y tế Đồng Nai đã có văn bản hỏa tốc gửi BHXH tỉnh về việc thống nhất tạm dừng hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT đối với 4 phòng khám tư nhân tại TP.Biên Hòa (Đồng Nai), gồm: Phòng khám đa khoa Tân Long, Long Bình Tân (P.Long Bình Tân); Tam Đức (P.Tân Hiệp) và Phòng khám đa khoa quốc tế Mỹ Đức (P.Long Bình), do liên quan đến vụ cấp giấy chứng nhận nghỉ việc khống để trục lợi Quỹ BHXH, BHYT.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.