Theo ông Thanh, việc đưa kiến nghị về mức giá sàn vé máy bay là đề xuất của hãng, cơ quan quản lý có trách nhiệm nghiên cứu, đánh giá để trả lời.
Dù vậy, lãnh đạo Cục Hàng không viện dẫn luật Hàng không năm 2006 và 2014 sửa đổi, Quốc hội bàn thảo kỹ và quyết định khung giá, tức cho phép sử dụng công cụ giá trần, giá sàn để điều tiết giá. “Không phải kinh tế thị trường là tự do cạnh tranh hoàn toàn, không dùng công cụ nào để điều tiết giá, ngay cả các hiệp định hàng không ký với quốc tế cũng có điều khoản nhà nước có quyền áp các quy định chống độc quyền, cạnh tranh không bình đẳng...”, ông Thanh nói.
Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên tại sao Cục Hàng không đề xuất mức giá cho hệ thống phát hiện vật thể lạ ở sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài quá cao (gần 1.000 tỉ đồng), ông Lại Xuân Thanh cho biết đó mới là mức giá chào hàng của các nhà cung cấp. Lãnh đạo Cục Hàng không cũng thông tin đang rất tích cực phối hợp với các nhà khoa học trong nước nghiên cứu sản xuất hệ thống này. Khi nghiên cứu xong sẽ lắp đặt thử tại một đường băng sân bay nào đó để thử nghiệm. Nhưng hiện nay các nhà khoa học chưa khẳng định thời gian hoàn thành.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT vừa kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 liên quan đến công tác nhân sự, trong đó có nội dung liên quan đến việc bổ nhiệm ông Vũ Đức Thuận - nguyên Chánh văn phòng Bộ GTVT. Trả lời câu hỏi có hay không thông tin ông Vũ Đức Thuận được ký bổ nhiệm làm Chánh văn phòng trước khi Ban Cán sự Đảng của Bộ họp, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết Bộ GTVT đã họp kiểm điểm, về kết quả sẽ do Ủy ban Kiểm tra T.Ư công bố công khai.
Về kết quả kiểm điểm thanh tra đường thủy liên quan dự án nạo vét cát tại Bắc Ninh, ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa, cho biết vẫn chưa có báo cáo chính thức. Nhưng việc có 4 - 5 tàu hút cát hoạt động đêm mà không báo cáo thì chắc chắn thanh tra phải chịu trách nhiệm.
Liên quan đến nghi vấn tàu Petrolimex 14 đâm tàu Hải Thành 26 rồi bỏ chạy, ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải, cho biết căn cứ ghi nhận trong quá trình tìm kiếm cứu nạn và kết quả điều tra ban đầu của Cảng vụ Vũng Tàu cho thấy tàu Petrolimex 14 có tham gia vào quá trình cứu nạn sau khi xảy ra vụ đâm va.
Việc tìm kiếm của tàu Petrolimex 14 ở thời điểm ngay sau khi xảy ra va chạm chưa hiệu quả có thể do tàu này không bắt được tín hiệu phao báo nạn, khi đó trời tối khó quan sát. Sau khi Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải phát thông tin tìm kiếm, tàu Petrolimex 14 đã biết được vị trí phao cứu nạn trôi dạt để tìm kiếm. “Nếu bỏ chạy thì Petrolimex 14 đã phải chạy được 40 - 50 hải lý chứ không chỉ 4 - 5 hải lý, tuy nhiên Cục sẽ tiếp tục điều tra thêm nghi vấn này”, ông Sang nói.
Bình luận (0)