Mặc dù đã giảm khá nhiều so với các năm trước nhưng lãi suất cho vay tiền đồng hiện nay vẫn còn cao. Đặc biệt, mức chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay hiện nay ở mức gần gấp đôi là yếu tố có thể can thiệp để tiếp tục giảm lãi suất cho vay.
|
Lãi vay vẫn cao
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) VN, lãi suất (LS) cho vay VND phổ biến đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao hiện ở mức 7 - 8%/năm; LS cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường khoảng 9 - 10%/năm đối với ngắn hạn; 10,5 - 12%/năm đối với trung và dài hạn. Tuy nhiên, những mức LS nói trên chỉ được áp dụng cho khách hàng DN. Riêng đối với khách hàng cá nhân, LS cho vay cao hơn rất nhiều. Theo bảng LS cho vay của một ngân hàng (NH) cổ phần tại TP.HCM đối với khách hàng cá nhân, LS cho vay kinh doanh, DN siêu nhỏ trên 13%/năm, bất động sản 13%/năm, tiêu dùng 13,7%/năm...
Một số NH khác áp dụng LS cho vay khuyến mãi thấp, có NH áp dụng 0%/năm ở những tháng vay đầu nhưng với những tháng vay sau đó lãi vay được tính bằng LS huy động 12 tháng là 7%/năm cộng với biên độ từ 4 - 7%, tùy mục đích vay của khách hàng mua nhà, ô tô, tiêu dùng...
Như vậy, LS cho vay sau thời gian khuyến mãi khoảng 11 - 14%/năm, hơn gấp đôi LS người dân gửi tiền. Cụ thể, LS huy động bằng VND của các NH phổ biến ở mức 5 - 6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng và 6 - 7,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; mức chênh lệch giữa LS huy động và LS cho vay phổ biến vào khoảng 5 - 7%. Đặc biệt nếu so với LS cho vay ngoại tệ, LS cho vay tiền đồng hiện nay cao gấp 2 - 3 lần. Điều này lý giải vì sao tín dụng ngoại tệ tăng mạnh, hơn 12,03%, trong 6 tháng qua trong khi tín dụng tiền đồng chỉ tăng 2,17%.
|
Tổng giám đốc một NH tại TP.HCM cũng thừa nhận, mức chênh lệch giữa LS huy động và LS cho vay từ 3 - 4% là đủ để NH trích lập dự phòng rủi ro, trả điện nước, thuê mặt bằng, lương cho nhân viên...
NH phải tự điều tiết
Theo các chuyên gia, DN, LS cho vay cần giảm về 6 - 8%/năm đối với ngắn hạn, 8 - 10%/năm đối với trung hạn và LS cho vay tín chấp ở khoảng 11 - 13%/năm. Mức lãi vay hơn 10% cho kỳ hạn ngắn vẫn còn quá cao với thu nhập và tình hình kinh tế của VN hiện nay.
Về vấn đề này, TS Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn đầu tư tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, phân tích: Trong cơ cấu vốn của nhiều NH hiện nay thì các khoản vay trung dài hạn còn quá thấp nhưng khoản vay ngắn hạn thì nhiều. Hiện nhiều NH cũng đang tập trung vào lĩnh vực cho vay cá nhân khi hoạt động của nhiều DN chưa khởi sắc. Thế nhưng, LS cho vay gần như gấp đôi LS đầu vào thì quá cao.
"Hiện nay thị trường NH đang cạnh tranh rất nhiều giữa NH trong nước và nước ngoài nên bản thân các NH phải tính toán lại cơ cấu vốn và hướng đến cho vay các khoản trung - dài hạn với mức LS thấp. Đừng mong trông chờ việc giảm thêm LS đầu vào để hạ LS đầu ra, vì nếu có thể thì LS đầu vào cũng không giảm nhiều được nữa. Các NH phải kéo LS cho vay giảm xuống để thu hút được khách hàng hơn là ngâm vốn trong kho. Ngay cả việc đầu tư vào trái phiếu chính phủ hiện nay LS cũng chỉ hơn 7%/năm thì việc lựa chọn khách hàng vẫn tốt hơn”, TS Lê Đạt Chí nói.
Còn theo TS Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị doanh nghiệp Trường đại học Ngân hàng TP.HCM, các NH hiện nay chủ yếu kiếm lợi nhuận từ nguồn thu tín dụng, trong khi tín dụng tăng trưởng thấp thì mức chênh lệch giữa LS huy động và LS cho vay khó có thể kéo ngắn lại bởi phải bù đắp cho nguồn tiền huy động tăng, phí, thuế, dự phòng… Để rút ngắn mức chênh lệch giữa LS huy động và LS cho vay, các NH phải đầu tư nâng phần thu từ dịch vụ cao hơn, chiếm tỷ trọng lớn, đồng thời quan tâm đến quản trị NH, giảm các chi phí khác, tăng năng suất lao động...
Đồng quan điểm trên, một chuyên gia tài chính tại TP.HCM cũng cho rằng các NH sẽ phải tự cân đối để sống còn trên thị trường. “Bản thân NHNN không nên can thiệp sâu vào LS cho vay của các NH. Tuy nhiên, Chính phủ có thể đưa ra những chính sách tín dụng cho các ngành nghề cần khuyến khích phát triển như chương trình tín dụng dành cho việc đóng tàu mới triển khai. Từ đó sẽ khơi thông được nguồn vốn trong nền kinh tế”, chuyên gia này nói.
Lợi nhuận ngân hàng tăng Theo thống kê của Công ty Vietstock, chỉ số lãi thuần cận biên (NIM - là chỉ số được sử dụng để xác định chênh lệch giữa thu nhập lãi và chi phí lãi phải trả của NH) của năm 2014 ước tính theo quý 1/2014 ở hầu hết các NH vào khoảng 2,11 - 4,37%, thay vì mức 1,8 - 4,9% của năm 2013. Còn theo công bố từ các NH, lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2014 vẫn tăng khả quan. Cụ thể như BIDV cho biết đạt con số lợi nhuận trước thuế 2.500 tỉ đồng trong 5 tháng đầu năm; NH Tiên Phong đạt lợi nhuận lũy kế 6 tháng đầu năm nay 263 tỉ đồng, tương đương 120% so với kế hoạch đề ra và đạt 60% kế hoạch cả năm. Theo nhận định của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVS), lợi nhuận sau thuế quý 2/2014 của Vietcombank đạt 912 tỉ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2013. Sacombank cũng ước tính đạt lợi nhuận trước thuế 692 tỉ đồng trong quý 2 năm nay, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước... T.X |
Thanh Xuân - Mai Phương
>> Vay mua nhà lãi suất 1,99%/năm trong năm đầu
>> Cấp bù lãi suất thực hiện chính sách phát triển thủy sản
>> 1.000 tỉ đồng lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp phụ trợ
>> Giảm lãi suất cho vay đối với hộ nghèo và sinh viên
>> Ngư dân sẽ được vay vốn lãi suất thấp nhất
>> Đua lãi suất vay mua bất động sản
>> Vay tiền mua ô tô: Cẩn trọng với 'bẫy' lãi suất rẻ
>> Mua nhà được hưởng lãi suất tiết kiệm
Bình luận (0)