Cơ thể khiếm khuyết vẫn xả thân giúp đỡ cộng đồng

30/09/2022 09:00 GMT+7

Ẩn sau một thân thể dị biệt, bệnh tật luôn đeo bám cuộc đời Minh Thuận. Đầu luôn niễng về bên phải, nhìn anh như có vẻ bất cần đời. Đi sâu vào nội tâm, mới biết cuộc sống anh với nghị lực phi thường, luôn chiến đấu âm thầm và cam go đối với bệnh tật của mình để tìm tương lai bằng con đường học vấn.

Tuổi thơ nghiệt ngã

Xin kể lại những ngày xa xôi ấy, khi anh Nguyễn Minh Thuận (sinh năm 1986, ở tại 208/10 KV Bình Dương – Phường Long Hòa, Q.Bình Thủy, TP. Cần Thơ) còn là thai nhi 7 tháng tuổi trong bụng mẹ thì cha đã bỏ ra đi.

Nguyễn Minh Thuận đã kiên trì chiến đấu với bao nghịch cảnh cam go... Trong ảnh, mẹ dẫn xe cho anh Thuận đi làm

NVCC

Mẹ anh (bà Nguyễn Hồng Phúc, sinh năm 1960) cật lực làm thuê làm mướn, tiền kiếm ra không đủ mua thuốc trị bệnh cho Thuận, phải nhờ ông bà ngoại nghèo chia sẻ cuộc sống.

Ẩn sau một thân thể dị biệt, bệnh tật luôn đeo bám cuộc đời Minh Thuận. Đầu luôn niễng về bên phải, nhìn anh như có vẻ bất cần đời. Đi sâu vào nội tâm, mới biết cuộc sống anh với nghị lực phi thường, luôn chiến đấu âm thầm và cam go đối với bệnh tật của mình để tìm tương lai bằng con đường học vấn.

Theo lời kể của mẹ Thuận, từ khi sinh ra đến 9 tháng tuổi, Thuận là một đứa trẻ khỏe mạnh, lanh lợi như bao trẻ khác. Lúc 10 tháng tuổi, Thuận bị viêm phế quản. Khi được 18 tháng, gia đình mới phát hiện chân trái của Thuận rất yếu, đưa thẳng ra được chứ co lại khó khăn. Dù vậy, khi đúng tuổi đến trường, Thuận vẫn kiên trì xin đi học và là học sinh đạt loại giỏi từ cấp một, hai...

Nhưng bệnh tật không nằm yên ở chân trái, biến chứng lại tiếp diễn hành hạ thân anh. Năm lớp 10, đầu anh lại bị niễng về bên phải. Tập nghiêng trở về bình thường thì gân cổ mỏi đừ không chịu nổi.

Đau chân hả miệng, Thuận được đưa lên Trung tâm chỉnh hình Cần Thơ, rồi chuyển lên TP.HCM nằm cả tháng trời. Ở đây, Bệnh viện Chợ Rẫy định bệnh: Loạn trương lực cơ nửa thân. Khi trở về, gia đình quá nghèo, chỉ biết lấy toa thuốc cũ mua uống tới, rồi uống thêm thuốc nam, thuốc bắc và nhờ thầy bấm huyệt.

Thấy con kiên trì chăm học, cứ 4 giờ sáng, mẹ dậy nấu cơm cho Thuận ăn, rồi đưa đến nhờ thầy thuốc bấm huyệt, xong lại đi đến trường học. Suốt nhiều tháng dài đầu anh vẫn niễng không thuyên giảm mà càng niễng nặng về bên phải. Ai cũng buông tiếng thở dài cho số phận Minh Thuận.

Bệnh tật vẫn chưa dừng lại đó. Vào đầu năm học lớp 12, hai bàn tay anh bỗng nhiên co rút không thể nào cầm và giữ cây viết được, anh cố gắng lấy dây thun buộc thật chặt cây viết vào bàn tay, bàn tay chằng chịt dấu vết, tím tái các ngón tay nhưng cũng không viết được.

Là một người mạnh mẽ, vậy mà anh gần như tuyệt vọng, nước mắt chảy dài cho số phận mình, anh luôn nghĩ chỉ có học vấn mới thay đổi số phận, nhưng mỗi bước chân của anh đau buốt như những mũi gai, bệnh tật như đưa anh vào ngõ cụt. May sao, cô thầy dùng tình yêu thương và sự sẻ chia giúp cho anh người học trò giỏi có nghị lực phi thường, chấp nhận cho anh học và kiểm tra bài bằng miệng, riêng các bạn thì nhận chép bài hộ cho anh.

Sau hơn 4 tháng bàn tay xa rời cây viết, bỗng đâu như một phép màu đưa đến, bàn tay anh cầm viết không rớt, viết được nhưng chữ rất xấu, cô thầy vẫn cố gắng đọc và hiểu được.

Kỳ thi tốt nghiệp, cũng như thi vào đại học anh đều trúng tuyển, hai mẹ con ôm nhau vừa mừng vừa khóc.

Ký ức buồn thời đại học

Từ nhà anh đến giảng đường đại học cách 10 cây số, chuyện đi học với một người khiếm khuyết cơ thể như anh ở thôn quê thật khó khăn. Minh Thuận thường có những buổi bị nghỉ học, lý do xe buýt không dừng lại đón anh (xe buýt chạy giờ, trễ giờ là bỏ khách. Vả lại chân của Minh Thuận leo lên xe khó khăn, mất thời gian nên xe bỏ chạy luôn).

Thuận đứng đón xe 10 lần thì 3 lần không rước. Đã nhiều lần bà ngoại ôm cháu mà nước mắt chảy dài vì cháu không đi học được. Bến xe cách trường hơn cây số, suốt những năm học phải nhờ bạn chở từ bến xe đến trường và ngược lại khi về.

Điều may mắn đến với Minh Thuận là được cấp học bổng chất độc da cam, món tiền này giúp cho mẹ một phần nào. Thấm thoát bốn năm học trôi qua với bao mồ hôi nước mắt, Thuận tốt nghiệp đại học loại giỏi ngành thông tin (lập trình viên).

Anh vừa làm vừa miệt mài học, kỳ thi thạc sĩ anh đạt loại giỏi

NVCC

Tuổi trẻ chỉ biết cầm bút mực, mẹ một đời làm mướn làm thuê, thấm nước bọt đếm từng đồng bạc. Ra trường, với tấm thân khuyết tật, Thuận không dễ dàng gì kiếm việc.

Sau một thời gian, may mắn có người quen đưa vào làm cho công ty tư nhân, nhưng mỗi tháng tiền lương chỉ một triệu đồng. Làm được một năm thì được trường Đại học Võ Trường Toản nhận cho vào làm. Khi nhận việc, Thuận phải bỏ mất 1,5 tháng tiền lương ở công ty tư nhân người ta không chịu trả. Ở đây, anh vừa làm vừa miệt mài học, kỳ thi thạc sĩ anh cũng đạt loại giỏi.

Đóng góp cho người khuyết tật

Trong cuộc sống, xét bản thân mình Minh Thuận nhận biết người người khuyết tật luôn thua thiệt, nên anh đã vạch ra chương trình theo dự án từ thiện hoạt động chung và hoạt động độc lập.

Thế rồi, Tổ chức OFTP (Tổ chức từ thiện và không vụ lợi) giúp đỡ mở lớp dạy vi tính cho người nghèo, nhân cơ hội này anh làm đơn xin hội mở lớp vi tính cho người khuyết tật. Thế là Minh Thuận được chấp thuận. Anh mở ra hai lớp, lớp trẻ 30 tuổi trở xuống, lớp lớn hơn từ 31 tuổi trở lên.

Ngoài ra anh cùng một số bạn đi xin, đi mua máy vi tính cũ về sửa lại cho lớp học. Riêng anh đã tặng chiếc máy vi tính mà ông Trương Minh Giới trước đây là Phó chủ tịch thành phố Cần Thơ tặng cho anh. Mục đích của anh là làm sao cho người khuyết tật tiếp cận thông tin, đánh văn bản được (nhận đơn đánh thuê) và anh đã nhận được hợp đồng đánh văn bản cho các sinh viên tại Đại học Võ Trường Toản (giá 2.000 – 3.500đồng/tờ)

Ngoài ra, anh còn dạy cho người khuyết tật tiếp cận internet, giúp họ kết nối bạn bè khắp mọi nơi, không còn thấy lạc lõng.

Sau khi kết thúc lớp vi tính, anh mở thêm lớp dạy Anh văn miễn phí cho người khuyết tật. Công việc này anh tự lo vận động, nguồn cung từ các mạnh thường quân là thầy cô giáo. Ngoài các công việc giúp cho người khuyết tật, Minh Thuận cũng tổ chức tặng quà cho các em tại trẻ mồ côi, viện dưỡng lão…

Anh Nguyễn Minh Thuận đã kiên trì chiến đấu với bao nghịch cảnh cam go, một nghị lực phi thường. Ước mong của Minh Thuận là được khỏe mạnh, nguyện đem chút công sức để hiến cho người khuyết tật, cho đời. Gia đình anh hiện chỉ có hai mẹ con, Thuận rất yêu mẹ… Anh nói, suốt cuộc đời của mẹ là lo cho cuộc sống của anh, nên niềm mong đợi của anh là muốn có một tổ ấm nhỏ bé, êm đềm cho mẹ an lòng...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.