Có thể nào từ chối hàng rong?

14/12/2013 11:55 GMT+7

Làm sao để các anh chị hàng rong và đội trật tự đô thị không còn là những kẻ đối đầu, không còn cảnh kẻ chạy người đuổi theo? Làm sao để người này không còn là ác mộng, là nỗi khiếp sợ của người kia?

>> Luật nào cho phép 'hốt hàng' của dân?
>> Vỉa hè với hàng rong trong một bài toán lớn
>> Khốn khổ vì hàng rong
>> Hạn chế hàng rong khu trung tâm TP.HCM
>> Ai tháo chạy trong cuộc rượt bắt làm đẹp vỉa hè?
>> Lực lượng trật tự đô thị phường bị tố đánh người bán hàng rong bất tỉnh

Giành lại sự thông thoáng cho vỉa hè, lòng lề đường là cả một cuộc chiến cam go - Ảnh: Khả Hòa
Giành lại sự thông thoáng cho vỉa hè, lòng lề đường là cả một cuộc chiến cam go - Ảnh: Khả Hòa

Thành phố có chấp nhận hàng rong?

Có một ý kiến trên Facebook của anh Lương Hoài Nam mà tôi rất ưng, đó là “ở Việt Nam giờ có lệ cái gì cũng đổ do nghèo, cơ chế với lại bất công”. Tưới hóa chất độc hại vào rau quả, nuôi gia súc gia cầm với thuốc tăng trọng, cho đến lấn chiếm vỉa hè, ăn ở kém vệ sinh, bán hàng rong… cứ việc đổ cho nghèo, nại cho cơ chế hệ thống, tống cho bất công là xong, là nghĩ mình vô tội.

 

Bạn có ý kiến gì về vấn đề này, hãy chia sẻ với Thanh Niên Online!

Nhưng đâu thể vì nghèo mà lấn chiếm lòng lề đường cho nhu cầu sống của riêng mình? Đâu thể vì nghèo mà bước qua mọi quy định phép tắc của cộng đồng, xã hội?

Các bạn bênh vực các anh/chị hàng rong cũng đang nại ra rằng vì họ quá nghèo. Rằng việc người dân từ các tỉnh đổ xô về các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn là quy luật tự nhiên, đất lành chim đậu.

Vâng, thì giờ đất không lành - đất nhậu chim luôn.

Việc ngưòi dân các tỉnh đổ về hai thành phố lớn ở hai đầu đất nước là một thực tế nan giải. Thực tế này khiến cho Hà Nội và Sài Gòn đang bị quá tải dân số, cơ sở hạ tầng oằn mình chịu đựng con người trong khi con người cũng oằn mình chịu đựng nhau. Thành phố đông người, nhiều nhu cầu, khiến người này nuôi sống người kia. Nhưng thành phố đông người cũng là nơi người ta sẵn sàng xuống tay khốc liệt với nhau.

Không thể đổ lỗi cho người dân, vì nước chảy chỗ trũng, ở đâu dễ kiếm sống thì người ta kéo đến, đó hầu như là bản năng, là xu hướng, là quy luật…

Và, người dân hoàn toàn có quyền cư ngụ, mưu sinh bất cứ nơi nào trên lãnh thổ mà họ có quyền công dân. Còn sinh sống dễ dàng hay nhọc nhằn lại tùy thuộc vào khả năng mỗi người. Không có ai bị từ chối ở Sài Gòn hay Hà Nội, chỉ có điều, họ được chấp nhận ở mức nào mà thôi.

Các anh/chị hàng rong cũng vậy, không ai có quyền từ chối họ sinh sống ở Sài Gòn, Hà Nội, nhưng, làm việc, sinh sống một đô thị lớn chắc chắn khác với ở một làng quê hay tỉnh lỵ. Ở quê họ, không ai tính hai giá khác nhau cho một m3 nước sinh hoạt, nhưng ở Sài Gòn, người có hộ khẩu thì 7 ngàn/m3, người nhập cư là 14 ngàn/m3. Giá này có thể xê dịch tùy địa bàn.

Ở quê họ, chắc chắn không có dân phòng với trật tự đô thị nào nhân danh mỹ quan thị xã mà đuổi đánh và thu tài sản của họ. Nhưng Sài Gòn lại có cả một lực lượng hùng mạnh và thường trực sẵn sàng làm như vậy. Những người làm dân phòng với trật tự đô thị đó cùng với giá nước, giá điện đã trở thành thước đo cho sự chấp nhận của đô thị đối với người nhập cư, mà ở đây là anh/chị hàng rong.

Thành phố đông đúc đã sản sinh ra họ. Thành phố thiếu trật tự đã cần tới họ. Họ có công việc nhưng họ đã đi quá nhiệm vụ. Họ có phận sự nhưng họ đã mở rộng phận sự. Họ được trao quyền và đã lạm quyền.

Vậy người bán hàng rong phải làm gì?

Thấp cổ bé họng, không khả năng tranh biện, không tiền, không hiểu biết, nhiều thứ không nữa, họ chỉ biết kêu trời. Và khóc khi có ai hỏi đến.

Dân như nước, chính sách như bàn tay hốt nước, sẽ có giọt rơi đúng chỗ, có giọt rớt ra ngoài.

Tôi nghe nói ở các nước phát triển, tại những thành phố lớn, người ta vẫn cho phép bán hàng rong, tất nhiên, trong trật tự và vệ sinh. Nước ta còn nghèo, không lẽ gì lại từ chối họ.

Những người đang kêu gọi bênh vực các anh/chị hàng rong hãy dành sức vận động cho họ một chính sách sao trong đó thành phố chấp nhận được họ và họ thích ứng được với thành phố.

Ví dụ: các anh/chị hàng rong thường mưu sinh ở gần bệnh viện, chợ, công viên, trường học... Vậy chính quyền hãy quy hoạch cho họ một diện tích nhất định để buôn bán ngay tại đó, yêu cầu có đăng ký, có mặt bằng cố định, buôn bán trong trật tự và giữ vệ sinh. Các anh chị chỉ và chỉ được bán tại điểm đó, trên đường đi nhất định không được dừng bán dọc đường.

Chính quyền cũng cần hỗ trợ cho họ thời gian đầu (sáu tháng đến một năm) như miễn thuế, giảm thuế, cách tính giá điện nước... để đời sống họ bớt nhọc nhằn. Khi đã có quy định rõ ràng, ai cũng tuân theo thì trật tự đô thị với hàng rong sẽ không ai là chướng ngại trong mắt ai, không ai làm phiền ai, và không còn là đề tài nóng trên báo chí.

Cũng cần có lộ trình

Việc gom tụ các anh/chị hàng rong vào quy hoạch và nề nếp không thể làm trong một sớm một chiều. Trước nay chính quyền thường bỏ qua giai đoạn tuyên truyền vận động, giải thích, hoặc có làm nhưng không hiệu quả. Vì thế các anh/chị hàng rong - đối tượng của chủ trương làm đẹp vỉa hè thường cảm thấy bị thiệt thòi, bị xử ép và trở nên bất hợp tác.

Hãy cho họ thời gian, để suy nghĩ lựa chọn và chuẩn bị, cho họ thấy họ được tôn trọng. Chính quyền cần đưa thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông như tivi, đài, báo…, thậm chí phát tờ rơi tận tay họ. Sao cho họ nắm rõ rằng, tới thời điểm abc hàng rong không còn được phép tồn tại trên hè phố nữa, rằng các anh chị sẽ phải di dời đến đó, đến đó, được hỗ trợ từng này từng này, hãy chuẩn bị tinh thần hợp tác để các bên cùng có lợi. Không hợp tác sẽ phải chịu đựng các biện pháp và chế tài nghiêm khắc của chính quyền.

Bước chuẩn bị càng tỉ mỉ chu đáo thì bước tiến hành sẽ càng thuận lợi nhanh chóng. Tôi tin, các anh/chị hàng rong ít nhiều sẽ đều nhận ra chỗ đứng tốt nhất dành cho mình là ở đâu.

Các bạn sẽ hỏi, ai sẽ vào khu đó mua, khi mà trước giờ người ta đã quen thấy chị chuối chiên ở góc đường này, anh chuối nướng ở góc đường kia, bác trái cây ở ngã tư nọ? Rồi họ sẽ quen, khi họ biết rằng “ăn có nơi chơi có chốn” là kiểu cách của người sành điệu. Buôn có bạn, bán có phường, khi gom tụ lại một nơi như vậy, các anh chị càng dễ buôn bán hơn. Mô hình chợ đêm một dạo tôi thấy cũng rất thú vị và có ích, tiếc thay, hình như đã không còn?

Hàng rong không phải là vấn đề duy nhất của vỉa hè, vẫn còn xe máy, xe thuốc lá, café cóc,… và còn các hộ kinh doanh tại gia giành lấy vỉa hè rồi hành xử như thể đó là diện tích trong sổ đỏ sổ hồng của họ. Vỉa hè, như đã biết từ lâu rồi đã không còn là lối đi cho người đi bộ. Giành lại vẻ thông thoáng cho vỉa hè là cả một cuộc chiến cam go. Có người còn đặt câu hỏi: Ai được lợi trong cuộc dọn dẹp này? Tôi tin những dòng trên phần nào trả lời thỏa đáng câu hỏi đó.

Phạm Quy (*)

* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, là thợ thủ công, blogger sống và làm việc tại TP.HCM

>> Vỉa hè của ai?
>> Vỉa hè với hàng rong trong một bài toán lớn

, Phạm Quy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.