Michelin Guide vừa công bố 3 danh sách ẩm thực của mình tại VN gồm Michelin Selected (đạt chuẩn Michelin Guide), Bib Gourmand (đồ ăn ngon với giá phải chăng) và sao Michelin. Ngay lập tức, có nhiều ý kiến cho rằng đấy là những lựa chọn cho người nước ngoài, người bản địa lại có lựa chọn khác. Bà đánh giá thế nào về việc này?
TS Nguyễn Thu Thủy (ĐHQG Hà Nội): Tôi nghĩ không một thực đơn nào có thể làm hài lòng tất cả. Chúng ta có thể nhìn quá trình Michelin tới VN, họ mới tới và trong một thời gian ngắn họ không thể đi hết tất cả các nơi chốn. Họ sẽ đi dần dựa trên một danh sách tư vấn nhất định. Cũng sẽ có những nhà hàng tuy tốt, nhưng chưa có mặt trong danh sách tư vấn này. Chính vì thế, có thể việc chưa thể đi hết mọi nơi và lại cũng chỉ đi được trên một danh sách tư vấn đó sẽ ảnh hưởng tới kết quả lựa chọn. Khi thời gian nhiều hơn, họ có thể sẽ tìm được nhiều quán hơn nữa, danh sách cũng sẽ hoàn thiện hơn.
Như vậy chúng ta chấp nhận chuyện danh sách Michelin sẽ có hạn chế của họ. Vậy để giới thiệu ẩm thực VN tới với thế giới, hay là giới thiệu với chính người trong nước, chúng ta có nên phát triển các danh sách các nhà hàng khác của mình hay không?
Có chứ. Dạo này chúng ta có thể thấy có tạp chí của một hãng hàng không trong nước cũng đang tổ chức cuộc thi viết giới thiệu danh sách ẩm thực của mình. Khi có rất nhiều danh sách ẩm thực như thế, bản thân các đơn vị tổ chức danh sách đó cũng phải cạnh tranh với nhau về uy tín, về chất lượng của lựa chọn. Như thế, họ sẽ kéo được công chúng lựa chọn giống mình mà không phải giống người khác, làm nên uy tín của mình. Họ cũng sẽ phải có những cách để làm sao duy trì uy tín đó.
Chúng ta vẫn nhớ là trên trang TripAdvisor đã từng có một nhà văn tự do "đùa dai". Người này đã thử viết về một nhà hàng không tồn tại và khen nó. Nhà hàng The Shed at Dulwich, do người đàn ông này bịa ra, được đánh giá là một trong những nhà hàng sang trọng và uy tín nhất ở London trong 6 tháng. Tuy nhiên, nó không có thật… Một danh sách theo kiểu Michelin khác nếu chúng ta đưa ra, cần phải thật và khách quan, công tâm thì mới tồn tại được. Và chúng ta cũng phải trải qua thời gian mới có thể có được một danh sách uy tín như vậy.
Theo bà, phía quản lý nhà nước có thể làm gì, có nên tham gia trực tiếp vào việc làm ra những danh sách đánh giá theo mô hình Michelin như vậy?
Tôi nghĩ phần đánh giá chính yếu là việc của các chuyên gia độc lập, của các tổ chức chuyên môn thực hiện cho khách quan. Họ sẽ là người, bằng chuyên môn của mình, đánh giá được nhà hàng trên nhiều tiêu chí. Chẳng hạn, họ sẽ đánh giá các món theo đúng nguyên gốc, họ cũng có thể đánh giá các món fusion. Các hoạt động thế này đều cần các bên liên quan, và nhà nước có thể tham gia vào việc làm chính sách. Cơ quan nhà nước có thể làm một dạng kiểu như Danh bạ những trang vàng ngày trước: ai tốt thì sẽ được đưa vào danh bạ, ai chưa tốt thì không.
Xin cảm ơn bà!
Bình luận (0)