|
Cụ Nguyễn Văn Hóa, năm nay ngoài 70 tuổi ở xã Ia Sao thuộc H.Ia Grai, hồ hởi: “Từ cha sinh mẹ đẻ đến giờ tui chưa bao giờ thấy có nhiều cò như thế. Chúng về được hơn chục ngày nay. Mỗi ngày có hàng ngàn con cò sà xuống các vườn cà phê tìm sâu bọ làm thức ăn. Ai cũng dặn người nhà không được săn bẫy cò kẻo chúng sợ mà bỏ đi. Năm nay hàng ngàn héc ta cà phê ở đây chắc sẽ trúng mùa rồi...”.
Theo nhiều nông dân ở H.Ia Grai, ngoài sâu, đàn cò cũng ăn luôn cả ve sầu, rệp sáp, sâu mọt đục cành trên cây cà phê, trong đó ve sầu là một trong những loài mà người trồng cà phê ở Tây nguyên ngán ngại nhất. Có những năm, ve sầu phát triển mạnh khiến năng suất vườn cà phê ở nhiều nơi giảm đáng kể. Theo nghiên cứu của nhiều nhà khoa học, toàn vùng Tây nguyên đã xác định được 6 loại ve sầu gây hại cho cà phê. Khi lượng ve sầu này trở thành mồi cho cò, nhiều vườn cà phê sẽ phát triển tốt, sạch hơn nhờ hạn chế phun thuốc trừ sâu.
Nhiều người dân ở vùng chuyên canh cà phê lớn ở Gia Lai khi thấy cò về đã tự động lập thành từng nhóm để canh chừng, không cho người vào săn bắn, bẫy cò để tránh cho đàn cò hoảng sợ, bay đi nơi khác. Thậm chí, không ít gia đình đã mở tiệc mừng cò về sà xuống trắng cả các vườn cà phê.
Nói về hiện tượng này, ông Lê Văn Lịnh - Phó giám đốc Sở NN-PTNT Gia Lai nhận xét: “Chúng tôi nghĩ môi trường sinh thái ở đây tốt bởi người dân đang sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững nên đã thu hút được đàn cò. Thức ăn của cò ở các vườn cà phê là rệp, ve sầu, bướm... Vô tình, đàn cò sẽ trở thành khắc tinh của các loại côn trùng gây hại cho cây trồng”.
Trần Hiếu
>> 25 năm đàn cò trắng bay xa
>> Nhớ Con cò trắng của soạn giả Thu An
Bình luận (0)