Cô Trinh dạy judo

Bích Thanh
Bích Thanh
12/11/2018 09:30 GMT+7

Nhiều người biết đến vận động viên judo Cao Ngọc Phương Trinh, nhưng ít ai ngờ rằng còn có một cô giáo Cao Ngọc Phương Trinh, người nhận Giải thưởng Võ Trường Toản năm nay, đầy nhiệt huyết, rất tâm lý với học trò.

Tôi bắt đầu buổi trò chuyện với “cô gái vàng” của thể thao VN Cao Ngọc Phương Trinh khi cùng chị hồi tưởng lại hơn 23 năm về trước.
Chính tôi đã không thể ngăn được xúc động khi ngồi cùng chị, VĐV judo từng đoạt huy chương vàng 3 kỳ liên tiếp ở đấu trường SEA Games và là VĐV đầu tiên của VN giành quyền tham dự Olympic, phải từ giã thi đấu đỉnh cao khi mới hơn 20 tuổi, đang ở điểm rơi phong độ chỉ vì chấn thương.
Dạy học, một quyết định mới mẻ và thú vị

Vậy mà, ngay lập tức, chính chị lại là người khiến buổi nói chuyện đầy hào hứng khi nhắc đến học trò của mình tại Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3, TP.HCM), nơi chị đóng vai trò là giáo viên thể dục gần 20 năm qua, sau khi chia tay với thể thao chuyên nghiệp.
Nhớ lại những ngày đầu tiên “đến trường”, cô giáo Cao Ngọc Phương Trinh tâm sự: “Không thể nói không buồn nhưng khi đã chấn thương, không kịp phục hồi để tham gia thi đấu tại SEA Games 19, tôi quyết định trở thành giáo viên. Và đó là một quyết định mang lại cho tôi sự thú vị, một trải nghiệm rất mới cho bản thân ở một vị trí khác, vai trò khác. Lúc đó, vừa dạy, vừa học hỏi các anh chị, các cô chú đi trước về phương pháp giảng dạy. Sự tiếp xúc, truyền đạt với học trò cho tôi cảm giác yêu nghề, vui vẻ, hạnh phúc”.
Judo... không chỉ là judo
Trong phòng tập của Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai luôn có ghế dành cho giáo viên nhưng hầu như chẳng bao giờ cô giáo Phương Trinh dùng đến. Hình ảnh thường thấy trong mỗi tiết học, tập luyện là cả cô và trò cùng “lê lết” trên sàn tập.
Theo cô Trinh, gần gũi để học sinh (HS) gửi gắm sự tin tưởng, thoải mái, mạnh dạn trong quá trình học là điều mà giáo viên cần làm. Thế nên, giờ học với cô Trinh luôn là bầu không khí “sôi động và nóng hừng hực”. Ngay khi bước vào phòng, cô Trinh hô khẩu lệnh bắt đầu: “Hajime, các con hô lớn lên, lớn nữa lên”, đáp lại là tiếng hô “Kiai” ngắn gọn và quyết liệt của HS.
Cô Trinh luôn lên lớp với tiêu chí judo là thể thao, là giải trí, là rèn luyện sức khỏe, là sự cố gắng vượt qua chính mình trong bầu không khí vui vẻ, thân thiện. Cô luôn động viên học trò vào ngày đầu tiên khi thực hiện bài tập hít đất: “Không sao, không tập được cái nào cũng không sao. Cô muốn nhìn thấy con có sự tiến bộ, đừng ngại ngần. Các con vô tập judo, cô sẽ tạo cho các con vui chơi, thoải mái, khỏe mạnh. Có như vậy các con mới học tốt không chỉ môn của cô mà còn dành hứng khởi cho những môn học khác”. Cô luôn động viên để HS mạnh dạn thực hiện các động tác khó: “Qua đi, qua đi cô đỡ hết, vịn vai cô, 2 tay vịn, bay qua đi...”. Sau giờ học, cô trò chuyện với trò: “Đừng nghĩ mình làm không được, cái gì cũng làm được hết, chỉ có điều mình có muốn làm không thôi”.
Không ngại nghe góp ý
Hồ sơ của Hội đồng xét chọn giải thưởng Võ Trường Toản đánh giá cô Cao Ngọc Phương Trinh không chỉ có chuyên môn giỏi, năng động, sáng tạo, chủ động trong công việc mà còn có tinh thần học hỏi để nâng cao năng lực. Những đánh giá đó đã thể hiện đúng tính cách và trách nhiệm với nghề từ khi VĐV Cao Ngọc Phương Trinh chọn nghề dạy học.
Cô chia sẻ, từ lĩnh vực thể thao chuyên nghiệp sang giáo dục nên luôn phải tìm tòi phương pháp để phù hợp với HS. Huấn luyện cho VĐV, dù cũng là lứa tuổi HS nhưng rất khác với thể trạng của HS trong môi trường học đường. Bản thân phải biết điều tiết cho vừa sức và phải nghiên cứu học hỏi ở sách vở, biết lượng vận động phù hợp, không thể áp dụng chung một giáo án. Phải tìm tòi phương pháp nào cho các em dễ thực hiện nhất. Để làm được điều đó, cần một quá trình tích lũy kinh nghiệm.
Vì vậy, cô giáo từng là “cô gái vàng” của thể thao VN không ngại ngần đăng ký thao giảng. Năm nào cũng đăng ký, mục đích là để đồng nghiệp trong trường dự giờ sẽ đóng góp cho mình phương pháp. Đã có không ít đồng nghiệp Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai nói: “Trinh thao giảng, anh chị biết đóng góp gì?”, nhưng cô Trinh mạnh dạn trao đổi: “Có thể anh chị không đóng góp về chuyên môn nhưng anh chị đóng góp về phương pháp cho em để em tìm ra chiêu dạy học trò”.
Cô Trinh rút ra “kim chỉ nam”: “Mỗi giáo viên đều có chiêu để dạy học trò. Có thể về lý thuyết, sách vở đã chỉ cái đòn đó phải dạy như thế, không ai cãi được nhưng làm sao để rút tỉa ra cách thức giúp học trò ra đòn nhanh. Điều đó cần có kinh nghiệm giảng dạy”.
Sau mỗi mùa thao giảng, cô giáo Phương Trinh viết sáng kiến, kinh nghiệm tích lũy. “Những kinh nghiệm này bây giờ là của mình nhưng khi già rồi, dạy hết nổi, về hưu thì từ những kinh nghiệm đó sẽ giúp các bạn sau này tham khảo chuyên môn ứng dụng cho HS”, cô giáo Phương Trinh chia sẻ.
[VIDEO] Cao Ngọc Phương Trinh dệt mộng vàng từ lớp võ vùng ven
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.