Có trình độ cao cũng khó kiếm việc làm

30/08/2014 03:00 GMT+7

Theo phân tích của các chuyên gia, nhu cầu thị trường lao động hiện nay chú trọng nhân lực chất lượng cao, chứ không phải là trình độ cao nói chung.

Theo phân tích của các chuyên gia, nhu cầu thị trường lao động hiện nay chú trọng nhân lực chất lượng cao, chứ không phải là trình độ cao nói chung.

Có trình độ cao cũng khó kiếm việc làm  
Cạnh tranh tìm việc trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng hiện rất cao - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Tăng nhu cầu lao động nghề

Trong quý 1/2014, theo Tổng cục Thống kê, cả nước có gần 1,3 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, tăng hơn 145.000 người so với quý 4/2013. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp thành thị cao gấp 2,4 lần nông thôn.

Đặc biệt, nhóm lao động có trình độ cao tiếp tục khó khăn khi tìm việc làm.

Tại TP.HCM, thống kê từ Trung tâm dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM cho thấy doanh nghiệp đang có xu hướng chọn lựa lao động học theo hướng nghề nhiều hơn. Trong 6 tháng đầu năm 2014, nhu cầu nhân lực có trình độ ĐH, sau ĐH thấp so với nhu cầu trình độ CĐ, trung cấp, sơ cấp nghề - công nhân kỹ thuật lành nghề, lao động chưa qua đào tạo.

Trong khi đó học sinh có nhu cầu học ĐH lại cao nhất (chiếm đến 80,74%), CĐ chỉ chiếm 19,26% và trung cấp càng ít (chỉ 4%).

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, đây là thực tế hết sức lo ngại. Tuy nhiên, khái niệm nhân lực trình độ cao cần phải hiểu theo nghĩa rõ ràng hơn. Đó là nhu cầu thị trường lao động hiện nay chú trọng nhân lực chất lượng cao, chứ không phải là trình độ cao nói chung. Bởi vì nhân lực chất lượng cao là nhân lực phải có kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề, ngoại ngữ…

Ngoài ra, lực lượng lao động này thiếu việc làm vì nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là tài chính, ngân hàng đang trong quá trình tái cấu trúc nhân lực. Hơn nữa, người có trình độ cao cũng hay lựa chọn công việc nên khó khăn trong khi tìm kiếm việc làm. Họ chủ động thất nghiệp để bổ sung kiến thức tìm việc tốt hơn.

 

Giảm số lượng, tăng chất lượng

Theo dự báo của Trung tâm dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, vào quý 3/2014, nhu cầu nhân lực tại TP.HCM khoảng 55.000 chỗ làm việc. Quý 4/2014 nhu cầu sẽ tăng hơn, khoảng 95.000 chỗ làm (60.000 nhu cầu việc làm ổn định và 35.000 nhu cầu lao động thời vụ). Tuy nhiên, nhu cầu nhân lực có xu hướng giảm về số lượng mà tăng về chất lượng, kéo dài đến hết năm 2014 và đến năm 2015, khi VN bước vào giai đoạn hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN.

“Trong thời điểm hiện tại, tôi khuyên những sinh viên mới ra trường nên hoàn thiện năng lực, trải nghiệm thực tiễn, kỹ năng nghề trước khi đòi hỏi những chức vụ hay công việc như mong muốn. Theo đuổi công việc theo cách như vậy chỉ khiến lớp nhân lực này khó khăn hơn khi tìm việc”, ông Trần Anh Tuấn khuyên.

Tài chính - ngân hàng:1 “chọi” 50

Theo thống kê từ Trung tâm dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, trong các ngành nghề, sự cạnh tranh khốc liệt nhất nằm ở lĩnh vực tài chính - ngân hàng, kinh doanh bất động sản, kế toán, bưu chính viễn thông. Trong 6 tháng đầu năm 2014, tình trạng mất việc làm, dịch chuyển lao động trong các ngành nghề này diễn ra hết sức gay gắt và dự kiến kéo dài đến hết năm.

Cụ thể, theo ông Trần Anh Tuấn, cạnh tranh trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng hiện rất cao, có nơi người xin việc phải đối diện với tỷ lệ 1 “chọi” 50. Lý do là doanh nghiệp những ngành nghề này vẫn tiếp tục tái cấu trúc bộ máy nhân sự dẫn đến tình trạng nhiều lao động mất việc làm, tạo sự cạnh tranh gay gắt giữa người lao động có kinh nghiệm và sinh viên mới tốt nghiệp. Vì vậy, tình trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường, nhất là người xuất thân từ các tỉnh, thành phố khác không tìm được việc làm hoặc khó tìm việc làm tại TP.HCM rất phổ biến.

Cũng theo đó, tình trạng này vẫn không có nhiều thay đổi trong 6 tháng cuối năm 2014. Những nhóm ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng nhiều là kinh doanh - bán hàng, dịch vụ - phục vụ, điện tử - công nghệ thông tin, dệt may - giày da - thủ công mỹ nghệ… Một số ngành nghề có tỷ lệ học sinh chọn học khá cao như kinh tế - tài chính, sư phạm - quản lý giáo dục, y dược lại không có trong danh sách có nhu cầu nhân lực nhiều. Trong khi đó, các ngành như sư phạm, y dược lại tăng về số lượng học sinh chọn học so với năm 2013.

Đăng Nguyên

>> Ảm đạm thị trường lao động cuối năm
>> Chuẩn bị cho thị trường lao động Đông Nam Á
>> Việt Nam nằm trong ba nước đe dọa thị trường lao động giá rẻ Trung Quốc
>> Thị trường lao động cuối năm
>> Chấn chỉnh để giữ thị trường lao động Malaysia

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.