Cơ trưởng nước ngoài bỏ nghề phi công đi làm nông ở Việt Nam

26/02/2022 10:55 GMT+7

Gần 40 năm gắn bó với nghề lái máy bay, hơn 30 năm làm cơ trưởng quốc tế, ông Richard Emuel Jones đã quyết định từ bỏ công việc mang lại thu nhập gần chục ngàn USD mỗi tháng để đi làm nông nghiệp ở Việt Nam.

Quyết định bất ngờ!

3 giờ sáng, ông Richard Emuel Jones lại cùng với vợ, cô Phạm Thị Thúy Quyên, khệ nệ mang chiếc drone (máy bay điều khiển từ xa) nặng hàng chục ký lên chiếc xe địa hình để di chuyển đến vườn điều ở tỉnh Bình Phước. Hôm nay, ông Richard có hợp đồng phun thuốc cho một hộ nông dân trồng điều ở đây. Do địa hình đồi núi nên xe chở chiếc drone phải hết sức cẩn thận, không thể chạy nhanh được nên ông và vợ phải thức dậy từ rất sớm.

Ông Richard leo lên giàn giáo đích thân điều khiển trực thăng phun thuốc

quang thuần

Ông Richard trông trẻ trung hơn rất nhiều so với tuổi 59 của mình. Những người mới tiếp xúc với ông không thể ngờ rằng đây lại là một cơ trưởng thâm niên của các hãng hàng không quốc tế. Sinh ra tại Honduras, một đảo quốc vùng Trung Mỹ, ông Richard Emuel Jones trở thành phi công từ rất sớm. Năm 19 tuổi, ông đã tham gia những chuyến bay đầu tiên. Năm 27 tuổi ông được cấp chứng nhận cơ trưởng và trong suốt hơn 20 năm sau đó ông là phi công chính của những hãng hàng không quốc tế. Nhớ lại quãng thời gian làm phi công của mình, ông Richard kể: Tôi từng bay cho các hãng hàng không như TACA Airlines, IndiGo Airlines, và gần nhất là AirAsia. Thời gian đó tôi chủ yếu bay tuyến Malaysia - Ấn Độ, khá gần với Việt Nam nên có nhiều cơ hội để đến thăm đất nước của các bạn. Tôi đã đi nhiều nơi ở Việt Nam và thấy rằng sản xuất nông nghiệp ở đây rất đa dạng, phong phú. Nhưng nông dân lại chưa áp dụng nhiều công nghệ vào sản xuất mà vẫn làm theo kiểu thủ công truyền thống. Từ đó trong tôi ấp ủ một ý định sẽ làm một điều gì đó thật đặc biệt cho đất nước này.

Năm 2018, ông Richard đến Việt Nam tham quan một hội chợ về mỹ phẩm. Ông tìm một người phiên dịch, chính là cô Phạm Thị Thúy Quyên, người vợ sau này của ông. Đó cũng là lúc ông Richard tâm sự về kế hoạch đầu tư của mình tại Việt Nam: Thành lập một đơn vị cung cấp hệ thống máy bay điều khiển từ xa, phun thuốc cho các vùng sản xuất nông nghiệp, giúp nông dân tiết kiệm được chi phí và đặc biệt là hạn chế được những tác hại đến sức khỏe.

Vợ ông khuyên ông nên cân nhắc kỹ, bởi công việc phi công đang mang lại thu nhập ổn định hàng chục ngàn USD mỗi tháng, thời gian làm việc lại giãn cách và không dãi nắng dầm mưa cực khổ như đi làm nông. Thời điểm đó, ông Richard còn nhận được lời đề nghị của hãng hàng không Maldives, và tiếp theo là lời mời của hãng Bamboo Airways của Việt Nam. Tuy nhiên, quyết định của ông thật bất ngờ: Bỏ tất cả công việc hấp dẫn để đi lái Drone ở Việt Nam. Lúc đó, tổng số giờ bay tích lũy của phi công Richard Emuel Jones là 21.000 giờ, trong đó, thời gian bay trong quá trình làm cơ trưởng là 14.000 giờ!

Thu bằng 1/10 phi công, vẫn chọn Drone

Năm 2019, ông Richard bắt đầu nhập những chiếc Drone đầu tiên về Việt Nam, chiếc mắc tiền nhất lên đến 500 triệu đồng. Ông bắt đầu cảm nhận được khó khăn khi tiếp cận với những thủ tục xin phép cơ quan quản lý để cất cánh những chiếc trực thăng phun thuốc. Không chỉ như vậy, việc thay đổi nhận thức, cách làm của nông dân mới là điều trở ngại nhất. Ông Richard chia sẻ: Sản xuất nông nghiệp không thể thiếu được khâu chăm sóc, phun thuốc. Việc sử dụng Drone mang lại cho nông dân nhiều lợi ích, phun thuốc nhanh hơn, tiết kiệm nước hơn, hệ thống điều khiển Drone được lập trình linh hoạt, quan sát chi tiết bằng camera và ứng dụng vệ tinh. Nhờ đó Drone có thể né tránh những chướng ngại vật, phun kỹ hơn ở những diện tích sâu bệnh nhiều, và quan trọng nhất là tiết kiệm được chi phí cho người dân đến 60%.

Vị cựu cơ trưởng hàng không quốc tế say sưa nói về Drone

quang thuần

Theo ông Richard, trên thế giới, các vùng sản xuất nông nghiệp đều áp dụng công nghệ Drone vào sản xuất, nhưng tại Việt Nam thì nông dân chưa hiểu được. Có lần, ông Richard cùng với vợ đang điều khiển máy bay phun thuốc ở một nhà vườn thì người vợ của chủ vườn quan sát hồi lâu rồi yêu cầu ngưng phun. Bà này cho rằng máy bay phun như vậy không ướt cây, không hiệu quả!

Địa hình vùng sản xuất ở Việt Nam cũng không bằng phẳng, chính vì vậy để điều khiển an toàn, ông Richard phải ráp những giàn giáo và trực tiếp leo lên rất cao để quan sát. Công việc nguy hiểm và vất vả, nhưng ông Richard vẫn hăng say đi khắp nơi để liên hệ với nông dân từ Tây nguyên đến biên giới Đông nam bộ. Nhiều lần vất vả quá, cô Thúy Quyên, vợ ông đã muốn bỏ cuộc. Nhưng ông Rechard nói với vợ : Đừng bắt anh phải lựa chọn.

Trao đổi với chúng tôi, Thúy Quyên - vợ ông Richard - tâm sự: Em cũng không hiểu được tại sao ông chồng em lại đam mê Drone như vậy. Ông ấy nói rằng nếu chỉ kiếm được thu nhập từ Drone bằng 1/10 thu nhập của nghề phi công thì ông ấy vẫn tiếp tục làm. Khi dịch bệnh xảy ra, em nghĩ rằng ông ấy sẽ bỏ cuộc, nhưng trong lúc đó thì ông lại tận dụng thời gian để học thêm chứng chỉ quốc tế về Drone. Ông ấy nói rằng sẽ đến lúc Drone trở nên phổ biến ở Việt Nam và các quy định quản lý sẽ ràng buộc chặt chẽ hơn, nên cần phải chuẩn bị ngay từ bây giờ!

Trực thăng điều khiển từ xa phun thuốc tại vườn điều Bình Phước
quang thuần
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.