Kỷ lục cổ tức
Có thể kể đến như Công ty cổ phần Đạt Phương (DPG) chia cổ tức năm 2016 theo tỷ lệ 30% bằng cổ phiếu (CP) khi lợi nhuận sau thuế của năm qua đạt 136 tỉ đồng và thu nhập trên mỗi CP (EPS) đạt 16.824 đồng. Tỷ lệ cổ tức từ 25 - 30% đều được DPG duy trì từ năm 2014 đến nay. Đây là công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, chuyên thi công xây lắp các công trình giao thông thủy lợi và các công trình thủy điện.
Một doanh nghiệp (DN) khác hoạt động trong phân khúc bất động sản khu công nghiệp là Công ty cổ phần Nam Tân Uyên (NTC) đã chốt cổ tức ở mức 45% bằng tiền mặt (tương ứng mỗi CP nhận được 4.500 đồng) khi lợi nhuận đạt gấp hơn 2 lần năm 2015 với 59,3 tỉ đồng và EPS đạt 8.000 đồng. Ngoài những DN có quy mô vừa phải nêu trên, một vài công ty có quy mô lớn nhưng vẫn giữ được mức tăng trưởng và làm vui lòng cổ đông khi cổ tức luôn cao như Công ty cổ phần xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình (HBC) đã chi trả cổ tức cho năm 2016 với tỷ lệ 45%. Trong đó, cổ tức gồm 10% bằng tiền mặt và 35% bằng CP. Lãnh đạo HBC đã nhận định 2016 vừa qua là năm kinh doanh thành công vượt mong đợi với doanh thu thuần 10.766 tỉ đồng, tăng 112% so với năm 2015 và lợi nhuận sau thuế đạt 568 tỉ đồng, tăng 586%.
Đáng chú ý, Công ty cổ phần xây dựng Coteccons (CTD) tiếp tục giữ mức chi trả cổ tức thuộc hàng dẫn đầu trong ngành này với tỷ lệ 50% bằng tiền mặt, tương ứng 5.000 đồng/CP. Liên tục trong 3 năm qua, CTD luôn chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ từ 50 - 55%. Kết quả này có được nhờ doanh thu của CTD đã đạt ngưỡng gần 1 tỉ USD (doanh thu đạt hơn 20.782 tỉ đồng) và lợi nhuận sau thuế là 1.422 tỉ đồng, tăng 113% so với năm 2015. “Khủng” hơn nữa là Công ty cổ phần phát triển hạ tầng Vĩnh Phúc (IDV) đã ghi nhận lãi ròng năm 2016 cũng tăng mạnh 52,9% so với năm trước đó. Vì vậy công ty này chốt cổ tức cho năm qua là 90%, gồm 40% bằng tiền mặt và 50% bằng CP. Thậm chí, Công ty địa ốc Sài Gòn (SGR) đã khiến nhiều cổ đông bất ngờ khi công bố chi trả cổ tức năm 2016 với tỷ lệ 110% sau khi lợi nhuận đạt 341 tỉ đồng, vượt 71% chỉ tiêu kế hoạch được giao. Các cổ đông công ty này nhận được 10% cổ tức bằng tiền mặt và 100% bằng CP… Đây là những mức cổ tức kỷ lục trên thị trường hiện nay.
Cổ phiếu nổi sóng
Việc chi cổ tức với tỷ lệ cao đã khiến cổ đông lạc quan và tin tưởng hơn vào tương lai của DN đó đồng thời góp phần tác động khiến giá CP của DN tăng mạnh. Ví dụ CP IDV của Công ty phát triển hạ tầng Vĩnh Phúc từ mức 6.320 đồng/CP từ năm 2014 đã tăng lên hơn 50.000 đồng/CP, tăng trưởng hơn 790% do công ty này luôn giữ ổn định kết quả kinh doanh và cổ tức chi trả đều đặn đều ở mức 90% trong hai năm qua.
Hay CP SGR của Công ty cổ phần địa ốc Sài Gòn tăng gấp 3 lần từ đầu năm đến nay, từ mức hơn 20.000 đồng/CP lên mức đỉnh trên dưới 60.000 đồng/CP. Hoặc NTC chỉ mới chào sàn từ cuối năm 2016 cũng tăng giá gần 3 lần, từ giá 14.300 đồng/CP nay lên mức 58.200 đồng. CP CTD của Coteccons đang giữ vị trí quán quân về giá trên sàn chứng khoán là 215.000 đồng/CP. Mặc dù được đánh giá đã ở mức cao nhưng chỉ riêng từ đầu năm đến nay, CTD cũng tăng thêm gần 21%. Hay HBC cũng đã tăng giá gấp đôi sau 6 tháng đầu năm nay… Theo ước tính, trong 55 CP bất động sản (BĐS) đang niêm yết thì có đến 44 mã tăng giá kể từ đầu năm nay, 1 mã đứng giá và chỉ 10 mã bị giảm giá. Thậm chí, theo thống kê của trang Vietstock, kể từ năm 2014 đến nay khi thị trường BĐS hồi phục đã có hơn 60% số CP trong nhóm ngành này tăng giá, trong đó có mã tăng mạnh đến hơn 1.000%. Đơn vị này cũng ghi nhận, việc nhóm CP BĐS bật tăng mạnh từ đầu năm nay đã kéo theo chỉ số ngành BĐS tăng trưởng ấn tượng khi đạt mức 12%, nằm trong top 6 nhóm ngành có mức tăng trưởng mạnh nhất trên sàn chứng khoán.
Theo nhận định của ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán SJC, nếu như trước đây nhiều cổ đông thích nhận cổ tức bằng tiền tươi thóc thật thì nay trong xu hướng thị trường tăng tích cực, không ít người lại thích nhận cổ tức bằng CP hơn. Đặc biệt là đối với những CP đang có giá cao thì nhận CP sẽ có lợi hơn. Bởi sau khi chia cổ tức, giá CP giảm xuống lại có nhiều cơ hội gia tăng mạnh hơn. Đánh giá về tình hình thị trường thời gian còn lại trong năm nay, ông Tuấn cũng cho rằng nhóm CP ngành xây dựng và BĐS vẫn được nhà đầu tư chú ý cũng như mang tính dẫn dắt trên thị trường. “Như nhiều công ty nghiên cứu thị trường chuyên về BĐS đã nhận định, thị trường này nói chung từ nay đến cuối năm không có nhiều biến động. Vì vậy các DN hoạt động trong lĩnh vực này, từ BĐS đến xây dựng, vật liệu xây dựng đều tăng trưởng ổn định, có khả năng hoàn thành kế hoạch đề ra. Do đó, việc nhà đầu tư vẫn lựa chọn những CP này để giao dịch là điều dễ hiểu”, ông Huỳnh Anh Tuấn phân tích thêm.
Bình luận (0)