Trong đó có 31 hiện vật do Bảo tàng lịch sử quốc gia từ Hà Nội đưa vào giới thiệu như nhóm tượng cổ chế tác ở Myanmar (Miến Điện) thế kỷ 19 gồm tượng thần Shiva đứng trên bò Nandin, tượng thần Vishnu cưỡi chim Garuda, tượng Phật ngồi đại định trên thân rắn Naga, hoặc tượng vua Dhammceti đang dang hai cánh tay như muốn ôm lấy miền đất thánh...
Riêng cổ vật duy nhất mượn của một nhà sưu tập ở TP.HCM để trưng bày đợt này là chiếc mũ miện ráp lại từ 23 miếng vàng có hình cánh hoa đang nở và mỗi miếng được cẩn từ 1 đến 4 viên ngọc quý màu hồng, đỏ hoặc xanh lam. Tỏa sáng nhất là bông sen bằng vàng đính trên phần đỉnh của mũ và một miếng khác đập dẹp thành chiếc “vành vương miện” nằm ở phần cuối của cổ vật độc đáo và thuộc loại quý hiếm này trong kho tàng văn hóa nghệ thuật cổ Chăm Pa thế kỷ 7-8.
Ngoài 32 hiện vật kể trên, số còn lại gồm 187 hiện vật khác đều của Bảo tàng lịch sử (TP.HCM) đưa ra trưng bày có gốc gác từ nhiều nguồn khác nhau.
|
|
Nguồn thứ nhất do Bảo tàng Quốc gia Việt Nam tại Sài Gòn (trước năm 1975) để lại như tượng thần Brahma bằng đồng do Campuchia chế tác ở thế kỷ 17-18, cao 13 cm, bề ngang 8 cm, với 8 cánh tay và 6 gương mặt nhìn về nhiều hướng. Chiếc đầu hổ phù bằng đất nung màu cam thế kỷ 13-14 cũng như chiếc khánh bằng đồng thế kỷ 19 có khắc bài minh trên thân đều của Việt Nam làm. Hoặc chiếc bát Thái Lan thế kỷ 18-19 bằng gốm men nhiều màu có vẽ hình ngọn lửa, thần linh và hoa lá cách điệu. 6 quả cân lạ mắt của Myanmar ở thế kỷ 19 bằng kim loại, mỗi quả mang hình một con vật quen thuộc với người Đông Nam Á như gà, vịt, voi…
Nguồn thứ hai do Bảo tàng lịch sử sưu tầm, mua lại - như cái chóe lớn 5 quai của Indonesia ở thế kỷ 16 bằng gốm men nâu với dạng hình trứng cao 69 cm, đường kính miệng 24 cm, đắp nổi đề tài “lưỡng long chầu nhật” trên thân, mua năm 2006. Tượng Phật bằng đồng thế kỷ 17-18 và chuông đồng thế kỷ 20 khắc hình cánh sen, đắp nổi lá bồ đề cách điệu chế tác từ Lào, mua năm 2007-2008. Chiếc bình Kendy bằng đồng của Campuchia thế kỷ 13 dạng tròn với vòi hình đầu gà cao 20,7 cm, đường kính miệng 9,7 cm, mua năm 2009. Chiếc bình Việt Nam thế kỷ 19 đắp nổi cành hoa mai có vòi hình đầu rồng bằng gốm men nhiều màu...
Nguồn thứ ba do các cơ quan chức năng chuyển giao cho Bảo tàng lịch sử từ việc phát hiện và xử lý những vụ đào bới, đánh cắp hoặc buôn bán đồ cổ trái phép, chẳng hạn bát nhang cổ chế tác từ Hải Dương thế kỷ 16-17, cao 38 cm, đường kính miệng 29 cm, đắp nổi hình rồng và hoa sen, do Công an TP.HCM giao năm 1994. Tượng Phật của Lào thế kỷ 17-18, cao 22 cm, bề ngang 9,5 cm, bằng kim loại, do Bộ Nội vụ giao năm 1995.
Theo TS Phạm Hữu Công, Phó giám đốc Bảo tàng lịch sử, từ nhiều năm trước một số cơ quan kiểm tra hàng hóa như Hải quan, Quản lý thị trường, Công an kinh tế, Kiểm tra văn hóa phẩm xuất nhập khẩu bắt gặp nhiều cổ vật trên đường công tác: “Ngay những năm cuối thập niên 1970, Phòng Xuất nhập khẩu văn hóa phẩm TP.HCM đã chuyển giao cho bảo tàng chúng tôi nhiều cổ vật, trong đó có mô hình thuyền rắn thần Naga bằng đồng thếp vàng chế tác từ Thái Lan vào thế kỷ 19 và tượng người cầu nguyện đang quỳ với hai chân duỗi về phía sau, hai tay chắp lại trước ngực, bằng gỗ sơn son thếp vàng chế tác từ Myanmar mà chúng tôi đem trưng bày trong đợt này”, TS Công cho biết. (Còn tiếp)
“ Cuộc trưng bày giới thiệu một số cổ vật phong phú và đa dạng của các nước Đông Nam Á được chế tác từ nhiều chất liệu vốn là những sản vật địa phương, theo phong cách mỹ thuật của từng quốc gia, từng dân tộc, hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng lịch sử (TP.HCM) và Bảo tàng lịch sử quốc gia (Hà Nội). Hy vọng rằng những gì có được trong chuyên đề này sẽ góp thêm phần hiểu biết về những người bạn, những người anh em cùng chung mái nhà Đông Nam Á, nhằm vun đắp tình đoàn kết, giữ vững chủ quyền, hòa bình an ninh, hợp tác cùng phát triển trong khu vực”. Bà Trần Thị Thúy Phượng |
Giao Hưởng
>> Hiến tặng bức sắc phong cổ cho bảo tàng
>> Bí ẩn 4 pho tượng lạ ở Cà Mau
>> Trưng bày cổ vật các nước Đông Nam Á
Bình luận (0)