Ở phía bắc, nhóm thợ “mò” danh tiếng ngụ Thắng Yên, bên dòng Kinh Môn, với tầm hoạt động khắp các dòng sông từ Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Bắc Ninh, Hà Nội...
Đồ vớt sông không rầm rộ, ồ ạt lên hàng trăm, hàng nghìn hiện vật cùng lúc như trục vớt từ thuyền đắm, mà chỉ nhỏ lẻ từng hiện vật. Huế có cố sử học gia Hồ Tấn Phan chuyên thu gom cổ vật gốm từ các lòng sông Bồ, Ô Lâu, Hương. Các vùng Nam bộ gắn với văn hóa Óc Eo như Đồng Nai, An Giang… thỉnh thoảng lên những pho tượng, hiện vật gốm, thủy tinh hàng nghìn năm tuổi. Khu vực phía bắc, cổ vật vớt sông khá đa dạng. Phía Thanh Hóa có dòng đồ đồng, đồ gốm thuộc văn hóa Đông Sơn, phía Hải Dương, Thái Bình, Hải Phòng… lại gắn với những con đường giao thương nổi tiếng từ thời Lý với gốm sứ ta tàu niên đại từ hơn nghìn năm. Mò cổ vật đáy sông trở thành một nghề từ những năm 1990.
Từ chiếc bình sứ cổ của Thành Long
Tìm về đoạn sông Kinh Thầy (địa phận Hải Dương), nổi danh trong làng đồ vớt sông bởi từng xuất lộ chiếc bình đời nhà Nguyên - Trung Quốc (cách đây hơn 7 thế kỷ). Bình vẽ hoa dây, chim phượng, màu men huyết đỉa hiếm có. Chiếc bình qua vài lần giao dịch từ thợ mò đến lái buôn trên bờ, vào Sài Gòn, sang Malaysia, và đang yên vị trong bộ sưu tập gốm sứ cổ của diễn viên võ thuật Thành Long.
Nhắc đến chiếc bình đời Nguyên, thợ nghề Vũ Văn Xưởng kể lại: “Chum đấy do cậu Tư con anh Yên mò được, bỏ chỏng chơ trên thuyền, bị vỡ miệng vì khi mò lấy lên va phải đá. Lúc cậu Tư gọi em ra giá có 30 triệu, lại tả là chum vẽ đỏ đỏ, bị vỡ miệng, nứt một đường xuống gần trôn, em bực mình chửi đổng bảo mày về bán cho cha mày đi, đồ vỡ mà đòi giá trên trời. Sau đấy em nó dọ giá các chỗ khác, lúc bán ra được 40 triệu, cho môi giới 500.000 đồng”.
Ở thị trường thế giới, khi có một đồ sứ đời Nguyên lộ diện luôn gây xôn xao bởi đây là dòng đồ sứ được giới siêu giàu của Trung Quốc ưa chuộng. Mỗi chiếc chum xanh trắng, cao cỡ 25 cm giá được tính triệu USD trở lên. Dĩ nhiên đồ sứ này giả cũng vô cùng vô tận. Nói về chiếc bình đời Nguyên vớt từ sông Kinh Thầy, nhiều dân buôn lão luyện ở VN khẳng định thuộc hàng cực hiếm, chưa từng gặp qua chiếc thứ hai bao giờ, đặc biệt ở kiểu dáng và màu men. Chiếc bình khi xuất khỏi VN giá hơn tỉ rưỡi, vào đến bộ sưu tập của Thành Long hẳn mức giá phải “thơm” hơn rất nhiều.
|
Câu chuyện mò đồ sông được bình đời Nguyên như một chấm phá, kích thích thêm độ say máu cho giới làm nghề mò sông nước. Tìm hiểu nghề mò cổ vật đường sông ở Kinh Thầy, mới biết nghề này khấm khá từ những năm 1997 - 1998, khi tình cờ phát hiện những vỉa lò gốm lở theo triền sông, trôi xuống nước, thợ mò cứ theo đó đánh đồ lên bán dần.
Ở phía bắc, nếu Thanh Hóa là vựa đồ đào thuộc các dòng Đông Sơn, Lý, Trần, Lê… thì Hải Dương là vựa đồ sông, nhất là sông Kinh Thầy, niên đại và chủng loại đa dạng, đồ ta tàu tây có đủ, có cả đồ phục vụ Hoàng thành Thăng Long.
Thợ mò đáy sông
Với bạn lặn theo nghề biển, khi xuống nước chỉ cần đeo đèn là có thể soi rõ địa bàn hoạt động. Riêng thợ săn cổ vật ở sông nước phía bắc, mùa hành nghề là mùa nước đục, mưa lũ, thợ lặn dựa vào kinh nghiệm đi nước và độ nhạy của bàn tay mà… lần mò.
Những người mò đồ cổ đều là dân chài lưới, hút cát sạn, kéo thuyền te, thuyền xiếc, đến mùa săn đồ cổ, mới chuyển nghề đi mò. Đứng trước mé sông Kinh Thầy đoạn gần ngã ba giáp với Kinh Môn, từ bờ này sang bờ kia có đoạn rộng chừng hơn 200 m, nước sông vàng đục, dòng chảy khá xiết, thợ lặn Bình Minh cho biết lòng sông Kinh Thầy sâu từ 25 - 35 m.
Thợ mò bắt đầu hành nghề từ 9 - 10 giờ sáng, ăn cơm nước xong xuôi, đến bãi làm khoảng tầm 11 giờ, làm đến 3 giờ chiều thì nghỉ. Trước nghề mò cổ vật vào mùa rộn ràng, cả làng chài tham gia nghề, bây giờ lượng người đi vớt ngày càng ít, chỉ còn khoảng chục thuyền lay lắt mưu sinh trong hy vọng. Một thợ mò chia sẻ: “Đồ cổ đâu giống con tôm con cá mà biết đẻ. Làm vài chục năm rồi, bây giờ có còn gì nữa, chỉ đi mót mảnh thôi”.
Thợ lặn mò ở nhiều bãi: cầu Bình, Chương Nhị, Phả Lại, Ngậy, Ninh Giang, bãi sãi, cống đồ cổ… Ngồi bên đống đồ vớt sông với cái sứt mẻ, cái vỡ đôi, chẳng còn hình hài nguyên vẹn, Văn Xưởng bảo thêm: “Nhiều món đồ chính tay bọn em mò được, giờ vào các bảo tàng lớn trên thế giới, chỉ cần nhìn qua đồ là nhớ lại ngay ngày ấy lấy nó lên ra sao, mang đi bán thế nào. Cứ nghĩ xem, mò cả triệu mảnh vỡ, bao năm dưới đáy sông, lên món đồ lành lặn, đẹp long lanh, không nhớ sao được. Nhưng làm nghề mò khổ lắm, không đơn giản như chuyện mang đồ đi bán, hay xem đồ trong sưu tập tư nhân và bảo tàng đâu”.
Một thuyền đi mò thường là gia đình nhỏ, chồng ngậm ống hơi lặn xuống sông, vợ và con trên thuyền canh máy nổ, máy bơm hơi, lái thuyền xuôi dòng và kéo tời lên khi có tín hiệu. Ngồi trên thuyền của nhóm thợ mò giờ nghỉ giải lao, một thợ chia sẻ: “Chúng tôi nghèo, tìm kế mưu sinh thôi, cực lắm. Anh em mò xưa nay chưa ai tử nạn, nhưng bị hộc máu mũi, máu miệng do lặn sâu thì có. Ngày trước nhóm chúng tôi có anh Lương, hôm đi mò để vợ con trên thuyền, vợ lái thuyền non kinh nghiệm nên tàu lớn chạy qua, sóng dập làm thuyền chìm, trôi cả hai mẹ con mất xác luôn. Anh chồng may mắn ngoi lên kịp”.
Bí quyết nghề mò
Nhìn nước sông mênh mang, cuộn chảy mờ mịt, vậy mà trong lòng thuyền rải rác những món gốm, chỉ là mảnh tước (chén chân cao) thời Trần, cái quai bình vôi thời Lê, quai ấm bằng ngón tay trỏ… tất cả bé tí chưa đầy lòng bàn tay, vậy mà cũng không thoát được bàn tay thợ mò, đủ thấy biệt tài của thợ mò đáy sông đến mức nào.
Nước sông mù đục, tối om thế thợ mò làm sao? Bí quyết nghề mò được tiết lộ: “Chính vì làm mù nên phải dựa vào dòng chảy để xác định phương hướng, đâu là bờ, đâu là dòng chảy. Do vậy mùa nước xiết, sẽ làm theo con nước, đã áng được chiều ngang, độ sâu, thì mò xuôi dòng”.
|
Làm sao biết chỗ nào có đồ để mò? Văn Xưởng lý giải, đồ nằm theo vỉa, theo bãi, theo khúc sông. Trên dòng Kinh Thầy đa dạng lắm, có đoạn chỉ đồ Mạc, đồ Bát Tràng như khu vực cầu Yên Lệnh, đoạn toàn đồ Lý, đoạn toàn đất nung là gốm kiến trúc dùng phục vụ Hoàng thành Thăng Long… Mỗi đoạn như thế, khi phát hiện, bọn em làm dần. Ban đầu mò tay không, qua vài chục năm, đồ cạn nên từ năm ngoái trang bị thêm máy áp lực hơi, thổi lớp bùn trầm tích bề mặt, dày phải 1,2 m, đánh cạn luôn (vì hết bùn là xuống cát vàng, chẳng còn gì cả). Đồ cổ chìm sông, chỉ mắc trong lớp bùn đấy thôi.
Một thợ mò lâu năm kể: “Tay lần mò dưới bùn, có khi cầm luôn vào chân người chết, lạnh tanh, sợ mất cả vía. Còn khi mò, hễ gặp vật tròn tròn, lấy tay xoa chỉ một lỗ thủng, vậy là trúng quả bình vôi, coi như có tiền. Cũng là tròn, nhưng xoa có hai lỗ, thì thả ra, chắp tay vái lạy xin lỗi, vì đấy chính xác là đầu lâu, hai lỗ là hai hốc mắt. Gặp vũng xoáy hở hàm ếch, chạm 6 - 7 cái đầu lâu là thường”.
Cá tôm dần cũng cạn vì dòng sông ô nhiễm, cổ vật ngày càng ít vì đã qua hơn 30 năm càn từng mét dưới đáy sông. Nhóm thợ mò còn lại hôm nay vẫn cố gắng bám trụ, nhen nhóm chút hy vọng đổi đời với niềm tin dưới đáy sông bí ẩn kia vẫn còn những cổ vật giá trị đang chờ đợi họ. (còn tiếp)
Bình luận (0)