Coi chừng bị mất việc... khi phát ngôn thiếu cẩn trọng trên mạng xã hội

Thảo Phương
Thảo Phương
01/03/2023 17:52 GMT+7

Mạng xã hội là một kênh để mọi người dễ dàng chia sẻ và tiếp cận thông tin, tuy nhiên nếu người dùng không thể tiết chế cảm xúc, "bạ đâu nói đó", phát ngôn thiếu chuẩn mực, miệt thị người khác... trên thế giới ảo này thì dễ mang vạ vào thân.

Coi chừng... khi phát ngôn trên mạng xã hội - Ảnh 1.

Phát ngôn thiếu chuẩn mực, không tôn trọng người khuyết tật của T.H.H.T trên trang Facebook cá nhân

CHỤP MÀN HÌNH

‏Mới đây, vụ việc nam nhân viên T.H.H.T của Công ty TNHH MTV Dịch vụ mặt đất sân bay Việt Nam (VIAGS) đã đăng tải một dòng trạng thái trên trang Facebook cá nhân về việc phục vụ hành khách đi xe lăn với những từ ngữ thiếu chuẩn mực khi kỳ thị, không tôn trọng người tàn tật, người có thể trạng yếu không thể đi lại bình thường. Ngay sau khi đăng tải, rất nhiều Facebooker bày tỏ sự không đồng tình, để lại bình luận chỉ trích đối với H.T. Hậu quả là sau khi xác minh vụ việc, VIAGS đã đình chỉ công việc đối với nam nhân viên này.‏

‏Chỉ vì một dòng trạng thái thiếu chuẩn mực, một phút "vạ miệng" trên mạng xã hội mà người này đã tự "đạp đổ chén cơm" của mình. Không những thế, anh ta có thể còn phải đối mặt với nhiều hậu quả đáng tiếc khác khi lời nói là một trong những thước đo nhân cách, đạo đức, là biểu hiện văn hóa của một con người. Vậy hình ảnh cá nhân, đạo đức, nhân phẩm… của nam nhân viên kia liệu có bị ảnh hưởng nhiều? Sau này liệu có công ty, doanh nghiệp nào hoan nghênh chào đón một nhân viên có những phát ngôn bừa bãi như thế? ‏

‏Trước đây cũng từng có nhiều vụ việc phát ngôn thiếu chuẩn mực, ăn nói thô tục trên mạng xã hội và họ đã phải trả giá. ‏

‏‏‏‏Đơn cử, hồi tháng 9 năm ngoái, nữ streamer Nguyễn Thị Thanh Loan (còn gọi là Milona, hiện 27 tuổi, quê Thái Bình) đã bị Công an tỉnh Thái Bình xử phạt 10 triệu đồng vì "vạ miệng" khi livestream (phát trực tiếp) là một người làm sáng tạo nội dung nhưng cô lại có những phát ngôn thiếu cẩn trọng, lời lẽ không chuẩn mực, xúc phạm lãnh đạo cấp cao Nhà nước. Hay sự nghiệp tiêu tan trong phút chốc vì những phát ngôn với lời lẽ thô tục, lệch chuẩn trên trang Facebook cá nhân của nghệ sĩ Đức Hải vào tháng 6.2022… Và vô số những vụ việc khác nữa.

Đó là chưa kể đến những "anh hùng bàn phím", ẩn nấp đằng sau những bình luận ác ý dù chưa biết rõ thực hư ra sao đã hùa theo đám đông để lên án, miệt thị, gán tội cho người khác. Hay nhan nhản những livestream văng tục, chửi thề, ăn nói thô lỗ trên các trang mạng...‏

‏Từ những vụ việc trên đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả mọi người. Biết rằng ai cũng có quyền được tự do bày tỏ quan điểm, tâm tư tình cảm của mình trên mạng xã hội. Tuy nhiên, đừng lấy quyền tự do ngôn luận ra để làm cái cớ cho phép bản thân ăn nói tùy tiện, muốn nói gì thì nói rồi dùng những lời lẽ thô tục, trái với thuần phong mỹ tục, xúc phạm, miệt thị người khác. Đến khi chuyện đã rồi thì có hối hận cũng không kịp và bản thân phải trả giá cho những phát ngôn nông nổi, thiếu suy nghĩ đó. ‏

‏Có thể thấy, mạng xã hội tuy ảo nhưng nó phản ánh con người thật của chính người dùng. Do đó, hãy có trách nhiệm với những phát ngôn của bản thân, biết kiểm soát lời nói, sử dụng lời lẽ chuẩn mực, chia sẻ thông tin một cách có trách nhiệm để góp phần loại bỏ "rác" ngôn ngữ trên không gian mạng xã hội.

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP) quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội; trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội như sau: hành vi sử dụng mạng xã hội để xúc phạm uy tín, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị xử lý vi phạm hành chính từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với trường hợp người vi phạm là tổ chức và bị phạt từ 05 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với trường hợp người vi phạm là cá nhân.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.