Còn giả như thế nào, ở khâu đoạn nào, vì sao các sản phẩm đó bị cắt và thay mác, cơ quan chức năng sẽ có câu trả lời chính xác. Nhưng ngoài lô hàng quần áo với 9.000 sản phẩm đang thu hồi theo công bố của đại diện công ty này, còn bao nhiêu chủng loại sản phẩm bị cắt, thay mác cần được làm rõ. Bởi Con Cưng là hệ thống siêu thị mẹ và bé lớn nhất nước với khoảng 318 cửa hiệu trên toàn quốc bán tã, sữa, thực phẩm, thời trang, đồ dùng cho bé, đồ chơi... Được thành lập từ năm 2011, chuỗi siêu thị này có tham vọng đạt 1.000 cửa hàng vào năm 2020 và tăng tốc rất mạnh trong 2 năm trở về đây. Nói thế để thấy, đã có rất nhiều gia đình, rất nhiều bà mẹ, rất nhiều em bé đang dùng sản phẩm của Con Cưng và đều có thể trở thành nạn nhân. Nhẹ thì cũng là mua hàng không đúng chất lượng so với số tiền bỏ ra, nặng có thể ảnh hưởng đến an toàn sử dụng cho mẹ và bé.
tin liên quan
Sản phẩm của Con Cưng bị 'tố' cắt nhãn, gắn mác ngoạiQuan trọng nhất, hành vi gian dối này lại giáng thêm một đòn chí mạng vào chữ tín mà nhiều doanh nghiệp Việt đang nỗ lực xây dựng, nhất là sau vụ Khaisilk lừa dối người tiêu dùng khi mua hàng Trung Quốc giá bèo về thay nhãn mác và bán với giá trên trời.
Thị trường nội địa với gần 100 triệu dân, dân số trẻ, sức mua tăng trưởng liên tục... là nỗi thèm khát của rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài từ nhiều thập niên nay. Thế nhưng, bản thân chúng ta lại chưa đánh giá hết tiềm năng của chính mình. Có một thời chúng ta say sưa với xuất khẩu tới mức quên sân nhà, đến khi gặp khó quay lại thì rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực không còn đất mà chen chân; không ít nhà sản xuất lại có tâm lý làm hàng tốt để bán ra nước ngoài, hàng có chất lượng xấu hơn mới bán trong nước trong khi người Việt sẵn sàng chi tỉ đô cho sản phẩm, dịch vụ ngoại, thậm chí là hàng xa xỉ. Còn cái thường gặp nhất ở các doanh nghiệp Việt là chất lượng ban đầu đúng như cam kết nhưng càng sau càng giảm dần... Đây chính là lý do hàng ngoại sống khỏe ở thị trường nội địa. Đâu đó chúng ta vẫn “trách” người Việt sính hàng ngoại, nhưng nhìn lại nhiều vụ việc mới thấy người tiêu dùng có cái lý của họ.
Một báo cáo mới đây cho biết, Burberry đã thiêu hủy hơn 857 tỉ đồng hàng tồn kho vì không muốn những sản phẩm của mình bị tuồn ra ngoài, bán giảm giá dẫn đến làm sụt giảm giá trị thương hiệu. Đây cũng là giải pháp mà nhiều công ty lớn trên thế giới lựa chọn để giữ giá trị thương hiệu. Trông người lại ngẫm đến ta. Trong sân chơi hội nhập đầy khốc liệt nhưng không ít doanh nghiệp của ta vẫn vì lợi nhuận mà bán rẻ chữ tín, lừa dối người tiêu dùng.
Những doanh nghiệp này, phải chế tài thật nặng để không ảnh hưởng tới nỗ lực chung “người Việt dùng hàng Việt” đã có những thành công nhất định.
Bình luận (0)