Một sinh linh bé bỏng mới 8 tháng tuổi vừa bị cướp đi vì cú tấn công của một con chó ngao Tây Tạng.
Chó nhà nuôi, và mẹ bé ở đó, nhưng không ngăn được bi kịch xảy ra.
Cũng là những người mẹ, nữ đồng nghiệp của chúng tôi hiểu rằng mất con là nỗi đau và nỗi ám ảnh tột cùng của người mẹ, mà không ai muốn chạm vào, dù chỉ là chạm khẽ. Đặc biệt là khi tích tắc sinh tử đó diễn ra trước mắt người mẹ.
Với một số người, không nhắc đến câu chuyện đó là một hành động nhân văn. Nhưng là những nhà báo, đạo đức nghề nghiệp mách bảo rằng, nỗi đau sẽ đến với một hay thậm chí nhiều người mẹ khác, nếu câu chuyện không được nói ra.
Nhiều độc giả đã được đọc tin đó, và hôm nay, chúng tôi lại một lần nữa xin phải chạm vào nỗi đau này. Đây là một tai nạn hy hữu, nhưng không ai dám nói nó sẽ không bao giờ xảy ra lần nữa, nhất là khi mỗi chúng ta đều không ý thức được việc cho trẻ nhỏ ở gần thú nuôi lại đồng nghĩa với việc đặt con cạnh một mối nguy chết người.
Bi kịch này không phải chưa từng xảy ra và nguy cơ cũng không phải chưa từng được cảnh báo. Các quy định pháp lý dường như cũng chẳng thiếu gì. Thậm chí, những “chiến dịch” bắt giữ, xử phạt chó mèo thả rông tốn nhiều công sức, giấy mực cũng đã nổ ra. Chúng ta đổ nhiều sức lực vào bàn luận, lên án, nhưng tiếc là ồn ã lên đó rồi rất mau quên.
Cơ quan chức năng thì “đánh trống bỏ dùi”, chiến dịch rộ lên rồi mất hút; người dân thì chủ quan và vẫn hành xử theo quán tính.
Lỗi không ở con chó ngao. Lỗi là ở chúng ta - người lớn.
Thú nuôi đã đồng hành cùng con người từ khởi thủy. Chúng tuyệt không phải là kẻ thù, mà nhiều khi còn là bạn, đôi khi là hộ vệ, là điểm tựa tinh thần cho con người. Nhưng tất cả điều đó không cho phép chúng ta hành xử vô tâm.
Bản thân con chó không phải nguy cơ, mà cách chúng ta hành xử mới là nguy cơ.
Chúng ta sẽ không dạy trẻ nhỏ phải tránh xa chó mèo, đối xử với vật nuôi như một thứ bệnh dịch, vì cách ứng xử với động vật cũng thể hiện nhân tính của con người.
Nhưng chúng ta cũng không thể cứ để mặc những con chó to cao lừng lững đi lại nghênh ngang và có thể trở thành mối đe dọa của bất cứ ai. Xã hội văn minh cần những nguyên tắc và những nguyên tắc cần được tuân thủ.
“Bao giờ mới hết chó chạy rông” là câu hỏi chúng ta cần trả lời. Chúng tôi rất không mong có một ngày lại phải đăng tải một bi kịch tương tự nữa.
Bình luận (0)