Những điểm số xấu xí

Thái Sơn
Thái Sơn
18/07/2018 05:13 GMT+7

Kết quả rà soát, kiểm tra xử lý điểm số bất thường tại Hội đồng thi Sở GD-ĐT Hà Giang được đoàn công tác của Bộ GD-ĐT công bố chiều qua thực sự là những thông tin rúng động đối với gần 1 triệu thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia và hàng chục triệu phụ huynh trong cả nước.

Những điểm số cao kỷ lục, lẽ ra là niềm tự hào của mỗi thí sinh và cả của quê hương Hà Giang lại trở thành những sự thật kinh hoàng: 56 bài thi môn hóa học đạt 0,75 (điểm liệt) đã được sửa thành điểm gần tuyệt đối 9,5; 52 bài thi tiếng Anh điểm công bố 9,0 nhưng thực chất chỉ đạt 1 hoặc 2 điểm... Khi đọc ra những con số này, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Trưởng đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT đã phải thốt lên “đây là những điểm số xấu xí, không thể nào chấp nhận được”.
Những điểm số này đã cho thấy người ta sẵn sàng biến một thí sinh lẹt đẹt 1 hoặc 2 điểm trở thành một thủ khoa của một trường đại học, vì động cơ gì? Vì vụ lợi, thành tích hay còn nguyên nhân nào khác?
Đã có hàng loạt câu hỏi được đặt ra tại buổi họp báo hôm qua nhưng dường như rất nhiều câu trả lời đã không làm thỏa mãn được phóng viên báo chí. Hàng triệu phụ huynh và thí sinh khắp cả nước sẽ không thể nào chấp nhận khi trước và trong mỗi kỳ thi luôn có nhiều cơ quan chức năng đứng ra khẳng định chắc nịch về tính chất nghiêm túc, công bằng. Hàng loạt quy trình được đặt ra với sự tham gia của nhiều cơ quan chức năng để kiểm tra, giám sát nhưng lại để cho một cán bộ Sở GD-ĐT ngang nhiên mở khóa niêm phong, rút hàng trăm bài thi mang đi chỗ khác để làm đẹp điểm?
Sự nóng lòng của báo chí thực chất cũng là sự bức xúc của dư luận. Từ thời điểm công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT hôm 11.7, Hà Giang đã trở thành địa danh nổi như cồn khắp cả nước với nhiều điều tiếng thị phi. Còn tại Hà Giang, trong những ngày qua, trước thời điểm công bố kết quả rà soát, đi đến đâu cũng có người bàn tán về việc “bán điểm”, “mua điểm” và câu chuyện không chỉ mới diễn ra trong kỳ thi năm nay.
Hà Giang là tỉnh nghèo, nhiều năm nay vẫn phải chờ sự hỗ trợ từ ngân sách T.Ư, nhưng rõ ràng tỉnh này sẽ không cần những cử nhân đại học mà thực chất đi thi chỉ đạt điểm 1, điểm 2 về xây dựng quê hương. Đất nước cũng không cần những bác sĩ tương lai hay cán bộ công an, chiến sĩ quân đội mà trình độ năng lực không đúng với thực tế. Tuy nhiên, đó là câu chuyện xa, tại kỳ thi THPT quốc gia năm nay, vị cán bộ Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng Hà Giang chỉ cần 6 giây để biến một đứa trẻ thi trượt thành thủ khoa, trong khi hàng trăm ngàn phụ huynh Hà Giang, Lai Châu phải đội mưa vượt lũ, bất chấp nguy hiểm đưa con đi thi. Hãy nghĩ tới sự công bằng để xử lý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.