Lần theo diễn biến của sự việc, dễ nhận thấy có sự tính toán, sắp xếp của người lớn để cuối cùng nhận hậu quả là thí sinh, những người trẻ chuẩn bị vào đời.
Ở lứa tuổi lẽ ra hành trang vào đời là những hoài bão, ước mơ đẹp, những ý tưởng thiên lương, trong trẻo thì các thí sinh (TS) nhận lấy những hậu quả nặng nề từ sự tính toán của người lớn. Điều này dễ biến thành mặc cảm và gây nên hệ lụy trong cuộc đời sau này của TS.
Trong những ngày giữa “tâm bão” của sự kiện Hà Giang, phóng viên Báo Thanh Niên đã gặp gỡ nhiều TS của địa phương này. Có TS dù không nằm trong hàng trăm người thuộc diện nghi vấn, vẫn cảm thấy hết sức nặng nề và đầy mặc cảm. “Em không biết sau này khi xuống Hà Nội nhập học thì có bị bạn bè, thầy cô nhìn với ánh mắt nghi ngờ không?”. Câu hỏi này của học sinh Hà Giang khiến chúng ta đau nhói. Người không nằm trong diện nghi vấn đã đầy mặc cảm như vậy, huống chi với những người “trong cuộc”.
Vụ việc này, nhìn ở góc độ nào đó, cũng chính là bài học cho người lớn, các bậc cha mẹ. Thông thường, cha mẹ nào cũng muốn những điều tốt đẹp cho con mình nhưng đôi khi mong ước đó lại thực hiện bằng những hành động dẫn đến sự dung dưỡng cho những điều sai trái.
Ở VN hiện nay, điều này thể hiện rõ nét trong lĩnh vực giáo dục. Trong khi nhà nước chưa đủ điều kiện để đáp ứng một nền giáo dục cơ bản tốt như nhau ở các trường công thì việc “chạy trường” cứ vào mỗi mùa hè là một “nhiệm vụ” của nhiều phụ huynh. Nhiều người thậm chí chấp nhận bỏ ra một số tiền rất lớn chỉ để có cảm giác an tâm rằng con vào học trường xịn. Rồi cứ vào mỗi mùa tuyển sinh vào các trường đại học, luôn thấy những câu chuyện buồn về việc lựa chọn ngành nghề, trường học giữa cha mẹ và con cái. Nhẹ thì mâu thuẫn giữa ước mơ, mong muốn của cha mẹ và con cái trong việc chọn ngành. Nặng hơn thì như vụ Hà Giang, bằng mọi cách can thiệp vào điểm số cho con có kết quả cao nhất dù không đúng với thực chất để nhiều cơ hội trúng tuyển vào các trường đại học như mong muốn. Tư duy sắp xếp mọi thứ cho con còn kéo dài đến khi con cái ra trường, tìm việc làm...
Những hành vi tiêu cực trong giáo dục dễ tác động đến người trẻ với hậu quả nặng nề. Ngoài những mặc cảm, tự ti không dứt, những người trẻ này rồi sẽ ra sao nếu có suy nghĩ rằng tài năng đích thực không có giá trị, những nỗ lực tự thân không được xem trọng mà chỉ thấy sự đút lót, chạy chọt như là tất yếu?
Bình luận (0)