Hài lòng vì có thể "trúng tuyển sớm"
Không ôn thi đánh giá năng lực từ sớm mà chỉ dành 4 giờ trước ngày thi để luyện đề, Lưu Mỹ Quân (học sinh lớp 12CA1 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM), hài lòng với số điểm 894 giúp em có thể xét tuyển vào Trường ĐH Sài Gòn, Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM và Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2. "Kết quả này cao hơn tầm 60 điểm so với điểm chuẩn năm trước của các ngành em quan tâm", nữ sinh lý giải.
Tuy nhiên, vì đặt nguyện vọng 1 vào ngành sư phạm Anh Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Quân đang tập trung ôn thi đánh giá năng lực chuyên biệt của trường này, đồng thời nỗ lực duy trì thành tích học bạ tốt để xét tuyển phương thức kết hợp. "Với IELTS 8.0, giải nhất kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố và điểm trung bình 3 năm THPT đều hơn 9.1, em hy vọng sẽ trúng tuyển", cô học trò bộc bạch.
Định hướng tương lai là trở thành giáo viên tiếng Anh tại chính ngôi trường THPT gần trăm tuổi mình đang theo học, nữ sinh kể rằng đã phải "cày" thành tích từ năm lớp 9. "Em còn đang làm gia sư môn tiếng Anh, toán, ngữ văn và vật lý cho một số bạn THCS để nâng cao kinh nghiệm và mở rộng trải nghiệm sư phạm", Quân chia sẻ.
Có phần thư thả hơn, Nguyễn Thị Thủy Nghi (học sinh lớp 12A4 Trường THPT Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đã thở phào nhẹ nhõm sau khi nhận số điểm 867, cao hơn dự đoán trước đó. "Nếu cộng thêm điểm vùng là 20, em hoàn toàn có thể trúng tuyển nguyện vọng 1 là ngành tâm lý học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Tuy nhiên, dù phổ điểm không chênh lệch nhiều nhưng năm nay số lượng thí sinh tăng khá nhiều nên em cũng có chút lo lắng", nữ sinh bộc bạch.
Bắt đầu ôn thi đánh giá năng lực từ cuối tháng 1.2023, Nghi cho biết chủ yếu luyện đề rồi dò đáp án, qua đó sửa từng chút những lỗi sai và học thêm các dạng câu hỏi mới. Nữ sinh dự định sẽ thi tiếp đợt 2 để cải thiện thành tích. "Nhìn chung, em vẫn giữ tinh thần sẽ hết sức mình trong những kỳ thi sắp tới, nhưng tâm thế hiện tại nhẹ nhàng hơn nhiều như được 'cởi xích' áp lực", nữ sinh chia sẻ.
Sẽ thi đánh giá năng lực đợt 2
Song song với những thí sinh đã hài lòng với kết quả kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1, có không ít trường hợp lập tức lên kế hoạch thi tiếp đợt 2 với mong muốn bứt phá điểm, chinh phục nguyện vọng mơ ước. Trong đó có Nguyễn Ngọc Như Ý (học sinh lớp 12A2 Trường THPT chuyên Nguyễn Quang Diêu, tỉnh Đồng Tháp) đặt mục tiêu vào ngành ngôn ngữ Trung Quốc Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM.
"Nhận số điểm 700, em có chút hoang mang vì không được như mong đợi, nhưng cũng rất vui bởi kết quả cao hơn mức tối thiểu em đặt ra, đủ để đáp ứng một số trường nguyện vọng xếp dưới. Do ĐH Quốc gia TP.HCM có thông báo số điểm cụ thể của từng phần trong cơ cấu bài làm nên em biết bản thân có thế mạnh ở đâu, còn thiếu sót điểm nào để phát huy và khắc phục trong lần thi tới", nữ sinh cho hay.
Không chỉ học sinh, một số sinh viên cũng xem kỳ thi đánh giá năng lực là cơ hội thứ 2 song song với thi tốt nghiệp THPT, đơn cử như Trần Hoàng Uyển Mi (21 tuổi). Từng trúng tuyển vào ngành công nghệ dệt may Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cũng bằng phương thức đánh giá năng lực, Mi cho hay cô đã quyết định nghỉ học vào năm thứ 3 vì cảm thấy áp lực, không còn đam mê và quá trình di chuyển bất tiện.
"Hiện tại, tôi đang nhắm mục tiêu vào Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM hoặc Trường ĐH Luật TP.HCM. Do lúc đầu chỉ chú tâm thi tốt nghiệp THPT để lấy kết quả xét tuyển ĐH nên đến giữa tháng 2, tôi mới bắt đầu ôn thi đánh giá năng lực. Tuy chỉ được 705 điểm nhưng tôi tin đây là kết quả khá ổn sau thời gian ngắn luyện thi. Vì thế, tôi sẽ thử thách tiếp đợt 2 với hy vọng nâng thêm từ 150-200 điểm để tăng tính cạnh tranh", nữ sinh viên cho hay.
Chọn lại ngành học vào thời điểm khá trễ, Mi bộc bạch có không ít người khuyên cô cứ học tiếp để lấy bằng cho xong. Tuy nhiên, với nữ sinh viên này, nếu ép bản thân phải cố gắng vô mục đích thì vừa tốn chi phí, vừa không hiệu quả. "May mắn là gia đình tôi rất thoải mái chấp nhận. Mẹ chỉ tâm sự rằng 'mẹ còn lo được thì con cứ học', sau đó liên hệ lại với các thầy cô lớp 12 của tôi để tạo điều kiện cho tôi ôn dần lại kiến thức phổ thông", Mi chia sẻ.
"Chờ dài cổ" để xem điểm thi
Kể từ khi ĐH Quốc gia TP.HCM công bố điểm thi đánh giá năng lực đợt 1 hồi sáng 4.4, có không ít thí sinh không thể tra cứu kết quả vì nhiều lý do như: không thể đăng nhập, hệ thống báo lỗi, bảng điểm không hiển thị... Chẳng hạn, Thủy Nghi kể rằng đã "chờ dài cổ" từ trưa đến tối vẫn không thể truy cập được website. "Lúc thì sập, lúc lại báo báo trì. Đến 5 giờ 30 sáng nay (5.4), em tranh thủ vào xem mới được và website lúc này cũng chạy rất mượt", nữ sinh nói.
Tương tự, Nguyễn Thị Thu Ngân (quê Quảng Nam) cho hay đã liên tục truy cập website cả ngày 4.4 nhưng không lúc nào vào xem điểm được, đến 6 giờ sáng nay (5.4) mới nhận tin mình đạt 552 điểm. "Dù chỉ đi thi với tâm thế lấy kinh nghiệm là chính nhưng em hơi tiếc vì ngành thấp nhất đã lấy từ 600-650 điểm", Ngân nói. Ở một trường hợp khác, Như Ý kể rằng 1 giờ sau khi công bố điểm em có thể xem kết quả, nhưng đó cũng là lần duy nhất nữ sinh tra cứu thành công.
Bình luận (0)