Vừa rồi về Huế, mờ sáng, anh bạn gọi điện thoại: Cơm hến Đập Đá chứ! Nghe hai chữ cơm hến, sướng rân người. Chúng tôi cùng nhau trở lại con hẻm ở đầu đường Nguyễn Công Trứ để dùng bữa sáng.
|
Cách đây hơn 10 năm, tôi ra Huế học. Suốt 4 năm dài, tôi đã ở trọ đi học trong con hẻm này. Và hiển nhiên, quán cơm hến của cô chủ này đã trở nên quen thuộc. Sáng nào tôi cũng ra đầu hẻm, ăn tô cơm hến 1.000 đồng lót dạ rồi lên giảng đường.
Ăn cơm hến thâm niên thành quen rồi đâm ra thèm và nhớ nếu như một vài ngày không được ăn. Phải nói, trong cái lạnh của Huế ở bất kỳ thời gian nào, ăn cơm hến đều ngon, đậm đà, hết ý. Hến ở Huế ngon bởi vì nó sinh sống dưới âm vang của lòng sông Hương, lại được chính người dân vạn đò ở đây cào bắt đãi sạch rồi đem về nấu, tách vỏ, lấy riêng mặt hến từng con chỉ bằng đầu đũa đem chế biến thành cơm hến.
Mỗi tô cơm hến chỉ có một ít cơm, vài thìa hến, pha trộn của rất nhiều món ăn dân dã như bắp chuối, khế, rau răm, giá, môn cùng thái nhỏ, tóp mỡ heo và đậu phộng rang chiên dầu, cùng với các gia vị đậm chất Huế như ớt, tỏi... tạo thành một tô cơm hến có đến mười mấy thức loại. Nếu ăn cơm hến khô thì cứ thế trộn lên mà xúc; ai thích ăn cơm hến nước, cô chủ chan cho một ca nước hến có màu trắng đục còn bốc hơi được múc từ chiếc nồi nhôm, ngọt đậm mùi hến lại càng ngon hơn. Ngoài con hẻm quen thuộc, cơm hến còn có mặt khắp nơi trong thành phố Huế, khắp các cổng ở những khu ký túc xá sinh viên. Có khi là gánh hàng di động, tần tảo mưu sinh, có khi lại là một quán cố định tùy điều kiện của từng người.
Đã bao nhiêu năm rồi, kỳ thực, chỗ quán xưa vẫn như cũ và tôi vẹn nguyên cảm giác của ngày xưa. Chỉ là một quán cơm hến tạm, vừa đủ để vài chiếc ghế nhựa, một đôi quang gánh, thế mà người ngồi ăn vẫn đông đảo. Chủ quán cơm vẫn như ngày nào, nhanh tay làm, nhanh tay chuyền cho khách. Chúng tôi ngồi ăn miệng hít hà, thích thú, cảm giác ngon đến độ phải đổ mồ hôi, ăn một tô lại muốn tô nữa, ăn một bữa lại muốn bữa thứ hai...
Đào Tấn Trực
Bình luận (0)