Xấu máu, người ta bảo thế, tóc ông rụng từ năm ông mới bốn mươi tuổi, nên đầu ông giờ nhẵn như quả dừa già. Vẻ cổ giả của ông càng lồ lộ vì cặp mắt đỏ ké và đôi tai to, dài, chảy xệ như tai Phật.
Ông thuộc lớp người cổ xưa rồi có lẽ cũng còn là do cả đời ông chỉ chăm chúi đọc và viết những cuốn sách nói về những ngày xa xưa. Chỉ quan tâm đến những tri thức, tín điều cổ xưa cũ về văn học, văn hóa, lịch sử thời cổ đại. Về chữ Hán, chữ Nôm. Về thuật phong thủy của người phương Đông. Về luân thường đạo lý, về cách ứng xử của người Việt xưa. Về lý số, tử vi. Về chữ Nhân, chữ Ái, chữ Đức, chữ Hiếu. Hồi chưa về hưu ông là ông giáo dạy những bộ môn này ở đại học. Lặn lội say mê trong những khu rừng văn hóa cổ xưa, nên ông cũng hóa thân thành người thời ấy, chẳng còn mối liên hệ nào với thực tại hôm nay. Ông không xem ti vi. Ông không biết đi xe máy. Không biết điện thoại di động là cái gì. Các sinh viên gọi ông là con khủng long còn sót lại từ thời hồng hoang.
Sáng hôm ấy, ông vừa tỉnh dậy thì điện thoại bàn đổ chuông. Nhấc ống nghe. Đầu dây đằng kia là tiếng nói của một ông bạn già.
- Đã dậy chưa? Ngoài trời 10 độ đấy.
- Rét thế cơ à? Định ra phố rồi đến thăm ông đây!
- Ấy đừng! Đừng ra phố vì trời lạnh lắm. Vì xe cộ hồi này họ đi ẩu tả lắm. Đừng ra phố. Nhớ chưa?
tin liên quan
Hành lang - Truyện ngắn của Lê Minh Khuê ***
Đừng ra phố nhé! Đừng ra phố nhé! Vì trời lạnh, vì xe cộ họ đi lộn ẩu. Nhớ chưa? Nhớ rồi! Vậy mà cuối cùng không ra phố không được. Vì còn sống là còn ao ước, còn nỗi nhớ. Vì không ra phố thì lại nhớ phố. Thế là ông đành ních thêm mấy cái áo len áo dạ vào. Bụng bảo dạ: Ra phố thì đi bộ, tất nhiên là đi bộ và quan trọng là men men phố theo kiểu đi đã được thơ của thi sĩ Mã Giang Lân mách bảo:
Không ra phố lại nhớ
Chả biết nhớ cái gì
Lững thững vỉa hè nem nép lối đi
Sợ qua đường
Sợ xe điên người vô cảm.
Nem nép bên lề phố xá, một lối đi theo thơ của thi sĩ họ Mã, vậy mà ông bỗng sững người. Ngước mắt lên, mới nhận ra một cái siêu thị cao năm tầng nguy nga, phả khí lạnh ra tận vỉa hè. Chưa hết, vì lúc này tâm trí ông còn đang bị một cảnh vật khác gây choáng ngợp. Phía trước mặt, một cây cầu vượt dài đến năm trăm mét uốn nét cong mềm đẹp như một mống cầu vồng huyền thoại đang nườm nượp xe qua. Còn đại lộ Nguyễn Chí Thanh họ làm xong từ hồi nào vậy? Mà sao nó lại được tôn vinh là con đường đẹp nhất thành phố. Chà! Cũng có thể là nó dài và rất thẳng. Thẳng lắm! Thẳng như ta vạch bằng thước kẻ!
Vậy thì tại sao lại không đặt chân lên, đi bộ trên con lộ này một lần nhỉ. Đi bộ! Đi bộ! Thông tin cho biết, trên thế giới bây giờ người đi bộ ít lắm. Họ có biết đâu đi bộ còn là cái thú thẩm mỹ nữa cơ. Thì thơ của thi sĩ Vũ Quần Phương nói hộ đây này:
Chân đi trong phố, hồn trên mái xưa
Mái rêu âm dương nắng chiều ngả bóng
Mùi thơm hoa mộc hay hoa móng rồng
Mùi thơm bâng khuâng thơm từ trí nhớ.
Chính là vào lúc hồn đang bảng lảng trong mấy câu thơ nọ của thi sĩ họ Vũ, khi vừa đi qua cái ngã tư giao cắt giữa đường Kim Mã với con lộ Nguyễn Chí Thanh, ông Ngọ bỗng giật thót mình; sau một tiếng còi xe máy bật thét, có một vật gì đó đâm đánh bịch thật mạnh vào lưng, ông thấy người mình bị tung lên cao rồi chẳng biết gì nữa. Một tai nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra trong chớp mắt và ông là nạn nhân.
***
Mở được mắt, ông Ngọ nhận ra là xung quanh mình trắng toát một màu chăn đệm. Ông đang nằm trên một chiếc giường. Mũi ông ngửi thấy mùi cồn. Và lạ hơn, cúi xuống ông là gương mặt một cháu gái chừng mười sáu mười bảy tóc cặp đuôi gà, hai con mắt mưng mưng như sắp khóc cùng tiếng kêu cầu rất ảo não: Ông ơi! Cháu có tội với ông. Cháu có tội với ông. Và thế là ông hiểu. Thì ra chính là vì cái tiếng còi xe máy phía sau bất thình lình thét lên inh ỏi khiến cháu gái đây hoảng hốt và nó đã không kịp hãm phanh nên đã đâm cả cái xe đạp đang đi vào ông. Và đó là nguyên nhân khiến ông đã ngã dập xuống đất. Rồi ông đã được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Kết quả là ông bị gãy một bên ống đồng, não bị chấn thương, hôn mê ba hôm liền, tới hôm nay mới mở mắt, tỉnh lại. Tỉnh lại, nhìn cháu gái sụt sịt khóc trong tâm trạng vô cùng ân hận và sợ hãi, ông đoán ngay rằng suốt những ngày qua chính là cháu gái này đã túc trực bên ông, săn sóc ông, chăm nom ông. Và ông liền đưa bàn tay bên trái lên vỗ nhè nhẹ vào bàn tay nó. Còn cháu gái thì vừa gạt tóc mai vừa sụt sịt nửa mừng nửa sợ:
tin liên quan
Cội mai ở lại - Truyện ngắn của Hoàng MyLắc lắc đầu, ông Ngọ lại vỗ nhè nhẹ lên mu bàn tay cháu gái và cất giọng khàn khàn:
- Ông không thấy đói, Hạnh à. Cháu ở tỉnh nào về học thi đại học thế?
- Ông ơi, sao ông biết cháu kỹ càng thế ạ? Lại biết cả tên cháu nữa.
- Hà hà… Ông vừa thấy cái túi xách thêu tên cháu. Ông đã ngoại tám mươi rồi. Người già là quái nhân mà cháu. Với lại ông cũng đoán mò thế thôi.
- Ông ơi, cháu ở Lào Cai về Hà Nội thi đại học sư phạm. Cháu có lỗi với ông...
- Ồ, thế cháu ở Lào Cai à. Ông có lên đó một lần rồi đấy. Ai đưa tôi đến chốn này. Bên kia Cốc Lếu bên này Lào Cai. Cháu có biết câu ca dao ấy không?
- Dạ có ạ.
- Bố mẹ cháu thế nào? Cháu còn có em đúng không?
- Dạ thưa ông. Bố cháu là thợ máy xúc ở mỏ apatít Cam Đường. Mẹ cháu là thợ sửa đường. Sau cháu còn có hai em nữa, một đứa học lớp sáu, một học lớp tám ạ.
- Ờ! Mỏ Cam Đường, ông cũng có lần vào đấy tham quan rồi. Lâu rồi. Có đến mấy chục năm rồi cơ! Chắc chắn là hồi đó cháu còn chưa đẻ đâu. Trường đại học họ tổ chức cho các giáo sư đi thực tế mà. Ông đã được vào thăm cái máy xúc. Người ta giới thiệu một cái máy xúc EKG do Liên Xô viện trợ có giá tiền bằng cả một nhà máy diêm. Một gầu xúc của nó hơn bốn mét khối, đổ xuống đầy phè cả cái thùng xe Benla, đúng không? Nhưng thợ máy xúc và thợ sửa đường làm việc vất vả lắm đấy!
Đã quá ngưỡng chịu đựng vì sự ân cần thân thiết dường như rất khó hiểu của ông Ngọ dành cho mình, tới đây cháu gái liền gục xuống bên ông nức nở:
- Ông ơi, cháu đã điện lên Lào Cai để bố mẹ cháu về. Để chịu tội trước ông. Để tạ tội với ông. Cháu có tội, ông ơi.
Chính lúc ấy, ngoài hành lang có tiếng người lao xao. Rồi cửa buồng xịch mở và một bóng áo bờ lu trắng bước vào.
- Khổ! Tôi lại làm phiền bác sĩ rồi! - Ông Ngọ ngước lên khe khẽ.
- Chào giáo sư! - Ông bác sĩ cúi xuống - Chà! Lại là cái chân bên phải à? May, cái đầu không tổn thương lớn là hên rồi. Nhưng cụ đi đứng thế nào vậy?
Ông Ngọ há hốc hàm răng thưa:
- Tại mình cả thôi, ông thầy thuốc ạ!
Cháu gái từ lúc ông bác sĩ bước vào đã né ra bên cạnh, nghe vậy liền bước lại, nhìn ông, sụt sịt:
- Thưa ông, tại cháu ạ.
- Ồi ồi, cháu nói cái gì thế? Cháu ngồi xuống bên cạnh giường ông đây, Hạnh.
Ông Ngọ đập tay xuống bên giường, rồi nhìn ông bác sĩ:
- Cháu Hạnh đây nó nói không đúng đâu. Thật tình tôi phải cám ơn cháu. Chính là cháu nó vực tôi dậy, dìu tôi vào vệ đường, rồi vẫy taxi đưa tôi đến bệnh viện này đấy. Còn nguyên nhân thì trước hết là tội của hai anh thi sĩ. Một là anh Mã Giang Lân, hai là anh Vũ Quần Phương. Không ra phố lại nhớ phố. Chẳng biết nhớ cái gì. Chân đi trong phố, hồn trên mái xưa. Mái rêu âm dương, nắng chiều ngả bóng. Chưa kể cái chân tôi vốn đã yếu sẵn rồi!
Ông bác sĩ ân cần:
- Thôi được rồi. Giờ cụ thấy trong người thế nào? Phải bó bột một tháng đấy cụ nhé. Vì sao cụ có biết không?
- Vì tôi tuổi ngựa. Thổ đất cư ngụ lại có thế Mậu Ngọ nên không đi là cuồng cẳng...
Ông bác sĩ trợn mắt:
- Vì cách đây hai năm, chính cái chân bên phải này của cụ đã gãy, vì vụ cụ bắt con chuồn chuồn cho thằng cháu nội. Sao cụ chóng quên thế!
***
- Hạnh à, nó là cái con chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì tạnh, bay vừa thì râm đấy. Để ông kể cháu nghe. Hôm ấy, cách đây hai năm, ông đang đọc báo ở trong nhà thì nghe thấy thằng cháu Cảnh của ông nó gọi: “Ông ơi, bắt cho cháu con chuồn chuồn”. Lật đật chạy ra sân, ông nhìn thấy ngay một con chuồn chuồn ớt đậu trên sợi dây căng ngang qua góc sân nhà. Chà, con chuồn chuồn, khắp nơi bê tông hóa hết rồi, bây giờ mày ở đâu lạc về đây thế? Con chuồn chuồn ớt đẹp cái đẹp tiên thiên đang trong giấc ngủ im lìm! Nhưng mà trông thế thôi, chứ nhóp được nó không phải là dễ đâu! Vì loài này có đôi mắt kép. Đôi mắt có thể nhìn được cả phía sau đấy. Ông đã già đời kinh nghiệm bắt chuồn chuồn kim ở bãi cỏ, bắt chuồn chuồn chúa bằng nhựa mít ở bờ ao làng quê rồi. Thành ra hai tay bê cái ghế đẩu, hai chân ông rón rén như chân mèo, đi từ hiên nhà ra góc sân, ngực ông cũng nghèn nghẹn hồi hộp còn hơn cả thằng cháu Cảnh lò dò đi theo. Hạnh à! Cháu có nghe rõ lời ông nói không?
- Dạ, có ạ.
- Hừ! Cái con vật này tinh quái lắm! Được rồi, cho mày bay! Ông đã biết tỏng rồi. Phải kiên nhẫn, phải biết chờ đợi. Cái giống này giỏi đánh lừa người lắm. Nó bay tót lên nhưng quẩn quanh rồi sẽ đậu lại chỗ cũ cho mà xem. Quả nhiên, đảo quanh một vòng sân, con chuồn chuồn ớt đã lại như chiếc máy bay hạ cánh nhẹ nhàng xuống đúng cái sân bay là nơi nó đã đậu lần trước. Lần này khẽ khàng đặt bàn chân lên mặt chiếc ghế đẩu, ông đưa bàn tay với ngón cái cùng ngón trỏ chum chúm như hai mũi kìm, từ từ tiến đến cái đuôi nhọn của con vật. “Hoan hô ông!”. Thằng cháu Cảnh của ông reo vang đúng lúc hai ngón tay ông chập lại nhóp trúng cái đuôi con chuồn chuồn. Ông cười hà hà, nhưng mới chỉ được một nhịp thôi, bỗng thấy người nghiêng chao, mắt hoa hoa, rồi ngã huỵch xuống đất. Chiếc ghế đẩu ọp ẹp giúp ông lập công chiều thằng cháu nội đã gãy một bên chân. Ông ngã nghiêng, hông đập xuống đất, một ống chân đau nhói.
Mưng mưng hai con mắt, tới đây thì Hạnh bỗng níu tay ông, thút thít:
- Ông ơi! Ông đừng kể nữa, cháu thương ông lắm!
- Hạnh! Cháu nghe ông nói hết đã nào!
- Cháu hiểu ông rồi.
tin liên quan
Những ngày đông năm cũ - Truyện ngắn của Ái DuyNhìn gương mặt thương cảm của cháu nữ sinh, ông Ngọ tiếp:
- Còn lần gãy chân này là do từ đâu cháu có biết không? Tuổi Canh Ngọ của ông có mạng Lộ bàn thổ tức Đất đường đi. Về vận mạng, lá số tử vi của ông chỉ rõ là năm nay ông gặp sao Vân Hớn chiếu mạng. Sao Vân Hớn thuộc hành hỏa. Nên thường gặp điều chống trái, bất trắc. Chưa kể mạng Lộ bàn thổ của ông gặp năm thủy là năm nay thì hoàn toàn bất lợi về sức khỏe và gặp tai họa là tất nhiên. Thêm nữa như ông vừa kể đấy, cái chân bên phải ông đã bị gãy một lần rồi!
Tới đây thì dường như đã hiểu được toàn bộ ý tưởng của ông Ngọ, con người cao cả, có tầm vóc tư tưởng và tình cảm lớn lao, không thể đừng được nữa, cháu nữ sinh đã giàn giụa nước mắt khóc òa:
- Ông ơi, cháu...
Không để cháu gái nói tiếp, ông Ngọ đã chống tay ngồi dậy, dịu dàng và rành rẽ:
- Kìa nín đi, Hạnh! Lỗi không phải là tại cháu. Cháu không có lỗi. Lần đầu đi xe ở thành phố này ai mà chẳng có lúc luống cuống, huống hồ còi xe họ bấm bừa bãi làm cháu mất bình tĩnh. Như thế có phải cháu chủ động gây ra chuyện này đâu. Với lại cái số ông là vậy. Có tránh cũng không được! Phong vận kỳ oan ngã tự cư. Cái oan phong vận ta tự mang lấy. Đại thi hào Nguyễn Du đã viết vậy. Người quân tử không trách người, không oán trời cháu à. Sao ông lại bắt lỗi cháu được! Cháu thì đang đi học. Bố mẹ cháu còn phải nuôi các em cháu. Nhưng mà Hạnh ơi, cháu đừng lo cho ông. Tử vi của ông nói rõ rồi đấy. Cố gắng chịu đựng và nhờ phước đức ông sẽ vượt qua hết. Mà cháu biết rồi đấy. Các sao La Hầu, Kế Đô, Thái Bạch là sao xấu. Còn sao Thủy Diệu, Thái Âm, Thái Dương là sao tốt. May sao, sang năm ông có cả mấy sao tốt chiếu mạng, cháu à. Cháu nghe đấy chứ, con người ông nó cổ giả, cũ kỹ thế, cháu thông cảm với ông nhé!
Úp mặt vào hai bàn tay, quay mặt đi Hạnh òa khóc và nghẹn ngào:
- Ông ơi, ông đâu có phải con người cổ giả cũ kỹ. Lòng nhân ái bao dung của ông, tình thương yêu con trẻ của ông là những giá trị vĩnh cửu vững bền mãi mãi. Suốt đời cháu sẽ nhớ ơn ông. Cháu sẽ noi gương ông, cháu sẽ thương yêu mọi người, cháu sẽ sống với lòng bao dung nhân ái, biết tự mang gánh nặng của chính mình. Ông ơi…
Bình luận (0)