Với nhiều phụ huynh, hằng ngày lo cái ăn cái mặc, học hành cho con cái đã đủ khiến họ mệt phờ. Những đứa trẻ có cảm thấy hạnh phúc, bình an trong cuộc sống không là điều họ ít nghĩ đến.
Một lớp học kỹ năng dành cho cha mẹ tại Nhà thiếu nhi TP.HCM nhằm giúp phụ huynh hiểu con hơn - Ảnh: Nguyễn Như
|
Học và chỉ có học
“Có bao giờ cha mẹ đặt mục tiêu quan trọng nhất là giúp con mình sống hạnh phúc, an bình, thay vì chỉ chăm chăm vào thành tích học tập của con? Có bao giờ cha mẹ hỏi con có hạnh phúc không?”. Thạc sĩ xã hội học Trần Minh Trọng đã thắc mắc như vậy trong một buổi sinh hoạt của CLB Dạy con nên người (TP.HCM). Đáp lại là sự im lặng hoặc lắc đầu của đa số phụ huynh có mặt.
Có người tỏ vẻ ngạc nhiên, phân trần: “Đây là lần đầu tiên mình nghe câu hỏi này. Ngày nào mình cũng chỉ quan tâm đến chuyện ăn uống, nhất là chuyện học hành của con mà thôi”.
Nằm trong số ít phụ huynh còn lại, bà Phạm Thị Nhàn (Q.Tân Bình, TP.HCM) nói: “Tôi bắt đầu nghĩ tới vấn đề trên khoảng một năm nay. Việc giáo dục những đứa con trong độ tuổi vị thành niên thật khó, đòi hỏi tôi dành quỹ thời gian gần gũi chúng nhiều hơn. Nhờ vậy, tôi mới nhận ra điều các con mình mong mỏi nhất là sự bình an, hạnh phúc trong cuộc sống”.
Theo thạc sĩ Trần Minh Trọng, nhiều phụ huynh luôn muốn khoe thành tích học tập của con em mình. Họ chỉ tập trung cho con học về kiến thức suông mà ít chú ý trang bị những kỹ năng thực tế, phát triển năng lực và nhất là những giá trị sống cơ bản cho con em mình.
Anh Trần Xuân (một phụ huynh có con đang học lớp 6 tại Q.Tân Phú, TP.HCM) cho hay vợ chồng anh không thúc ép con học, mà chỉ tập cho bé khả năng tư duy và có tính tự chủ cao. “Chúng tôi nói cho con biết cha mẹ trông đợi điều gì ở con, đồng thời khơi gợi cháu nói ra điều mình mong muốn từ cha mẹ. Làm sao để mỗi thành viên trong gia đình hướng đến mục tiêu có được niềm hạnh phúc trong cuộc sống”, anh Xuân tâm tình.
Cần sự thấu hiểu từ cha mẹ
Gần đây, tại lớp kỹ năng dành cho cha mẹ diễn ra tại Nhà thiếu nhi TP.HCM, chuyên viên tâm lý Ngô Minh Uy chia sẻ câu chuyện của chính gia đình mình. Ông Uy kể: “Một lần, vợ chồng tôi đi nhà sách, dẫn theo đứa con gái. Sau khi dặn con ở yên một chỗ, hai vợ chồng mải mê lựa sách. Đến khi quay lại chỗ cũ không thấy con gái mình đâu, chúng tôi nhìn nhau đầy tức giận vì ai cũng nghĩ tại sao người kia không trông chừng con”. Sau khi chạy tìm khắp nơi mà không thấy con mình, vợ chồng ông như chết đi sống lại khi loa phát thanh bất ngờ xướng tên bé.
“Trong tình huống như tôi, các bậc cha mẹ ở đây sẽ làm gì khi gặp lại con mình?”, ông Uy hỏi. Một số phụ huynh lên tiếng: “Lúc đó chắc tụi tui mừng lắm nhưng cũng rất… bực mình. Có lẽ sẽ đánh nó, để nó chừa cái thói tự ý đi lung tung”. Ông Ngô Minh Uy tiếp tục câu chuyện: “Gặp lại con, tôi ôm nó trong khoảng 2 phút và bé bật khóc. Tôi vỗ về: Giờ mọi chuyện đã ổn rồi con à!”. Về nhà, chờ cho bé ổn định tinh thần, ông Uy mới hỏi chuyện gì đã xảy ra với con. Bé kể rằng, khi bị lạc ba mẹ, bé đã chạy xuống bãi giữ xe và thấy xe của ba mẹ vẫn còn đó. Thế là bé quay lên nhờ chú bảo vệ đọc tên mình và tên ba mẹ trên loa. Ông Uy nhìn nhận: “Thực ra, con trẻ xử lý được như vậy là rất tuyệt vời. Nếu không tìm hiểu cặn kẽ, phụ huynh chúng ta dễ đánh mắng con oan uổng, làm tổn thương con vì nghĩ rằng tất cả lỗi lầm đều do đứa trẻ gây ra”.
Kết quả nghiên cứu “Hành vi tuổi teen đô thị” do Công ty nghiên cứu thị trường TITA công bố trong năm 2014 dựa trên khảo sát 400 học sinh tại TP.HCM và Hà Nội cho thấy: Thời gian tương tác giữa các em và cha mẹ chưa đến 2 tiếng/ngày, chủ yếu trong dịp ăn tối và xem ti vi. Chủ đề thường trao đổi là học hành (86%), quan hệ bạn bè, giờ giấc sinh hoạt, chăm sóc bản thân. “Đây cũng là những vấn đề cha mẹ hay la mắng các em nhiều nhất. Liệu rằng những đề tài này các em thích thú lắng nghe hay không?”, vị đại diện nghiên cứu này trăn trở.
Bình luận (0)