Hạnh phúc được làm mẹ
Với chị Hiếu, đến bây giờ dù hơn một ngàn ngày sống cùng con gái 4 tuổi, cảm xúc của chị vẫn như hôm qua. Ngày nào chị cũng trân quý như lúc lần đầu tiên được ẵm con trên bàn mổ.
tin liên quan
Chàng trai thắp sáng ước mơ cho học sinh khuyết tậtVới những người trưởng thành bình thường lành lặn, để chăm sóc một đứa trẻ cũng vất vả nhiều thứ. Đối với vợ chồng chị Hiếu còn vất vả gấp nhiều lần. Cả hai vợ chồng chị đều bị di chứng của cơn sốt bại liệt từ bé, chồng chị bị liệt 2 chân, di chuyển bằng nạng. Tuy nhiên, không vì thế mà ngôi nhà chị vắng tiếng cười. “Cuộc sống của mình cũng không khác gì những gia đình khác. Buổi sáng dậy sớm lo cho con, chở con đi học rồi đến xưởng. Dù bận đến mấy, công việc nhiều thì mình vẫn về sớm lúc 4 giờ 30 để đón con, đi chợ nấu ăn cho gia đình. Bữa tối là thời gian cả nhà gần gũi nhau, cùng nhau ăn cơm, cùng xem ti vi, chơi với con”, chị Hiếu chia sẻ.
“Làm mẹ của một đứa trẻ hầu như mình phải hy sinh hết sở thích cá nhân. Mình đã ngừng tập bơi cùng đội thể thao người khuyết tật thành phố để dành thời gian chăm sóc, đưa đón con. Mình cũng không có thời gian đi tập nhảy, hay đi tham gia câu lạc bộ, đi dạo phố... Buổi tối từ 6 - 10 giờ là thời điểm dành cho con, có thể cùng con xem ti vi, đọc truyện, chơi...”, chị Hiếu tâm sự.
|
Khuyết tật là bất tiện chứ không phải bất hạnh
Đến giờ chị Hiếu vẫn nhận mình là người may mắn, sự khiếm khuyết của cơ thể chỉ gặp chút ít khó khăn trong đi lại. “Mình vẫn đi làm bình thường. Mình gặp được nhiều người tốt và mình đã có món quà lớn trời ban là con gái Thục Đoan. Ngày bé Đoan ra đời là ngày hạnh phúc nhất trong đời. Khi ôm con trên tay, sờ thấy con lành lặn, chạm ở đâu cũng thấy con phản ứng lại khiến mình xúc động nghẹn ngào. Mình vừa khóc vừa hạnh phúc vì con được bình thường. Thế là đủ”, chị Hiếu kể.
Có lẽ là con của người khuyết tật nên bé Thục Đoan cũng trưởng thành sớm. Chị Hiếu hào hứng kể: “Từ lúc hơn 2 tuổi, mỗi lần thấy mẹ từ từ tắt máy là biết bước ra lấy viên gạch chặn sau bánh giữ cho xe không di chuyển để mẹ xuống khỏi xe. Dù đang ở tuổi khám phá thế giới, gặp điều gì cũng hỏi tại sao nhưng riêng trường hợp bạn bè của mẹ, những người bạn bị khuyết tật đến nhà chơi, con không bao giờ đặt câu hỏi mẹ ơi cô ấy bị sao thế, sao chú chỉ có 1 chân, sao cô ấy phải dùng nạng... Con sẽ quan sát xem cô chú cần hỗ trợ gì rồi giúp đỡ”.
Chị Hiếu chia sẻ thêm: “Bé cũng ít nhõng nhẽo, hay làm nũng. Những lúc bị ngã, các em bé khác có thể nằm im, khóc lóc và bố mẹ chạy ra bế. Nhưng con của mình thì không. Mình không thể chạy đến chỗ con ngay khi bé bị đau nhưng mình thương con theo cách khác”.
Cách chị Hiếu giáo dục con tự lập từ rất sớm. Chị nói: “Mình chỉ sợ sau này mình già rồi không lo được cho con nên giờ phải dạy bé cách sống tự lập. 4 tuổi, con đã biết tự thay quần áo, tự đánh răng. Con rất thích lau nhà và nhặt rau cho mẹ mỗi bữa cơm”.
Chị Hiếu còn giúp cho những người khuyết tật, những người yếu thế khác được học nghề, có thể tự làm nuôi sống bản thân. “Mình không bao giờ giấu nghề, ai muốn học làm tranh ốc, tranh đá quý có thể đến xưởng để mình hướng dẫn. Mình đang mở rộng qua phát triển bán hàng online đồng thời đang đi học tiếng Anh để có thể thuyết phục các khách hàng nước ngoài về sản phẩm mà mình và những người cộng sự đã thực hiện”, chị Hiếu hào hứng kể.
Bình luận (0)