Cô giáo và những ước mơ của học sinh khuyết tật

Vũ Thơ
Vũ Thơ
23/10/2018 08:47 GMT+7

Cô Đinh Thị Phú Hiền ở Trung tâm bảo trợ trẻ em mồ côi - tàn tật Việt Trì (tỉnh Phú Thọ), suốt 18 năm qua đã dạy dỗ nhiều học sinh khuyết tật trưởng thành, tự nuôi sống bản thân và gia đình.

[VIDEO] Chuyện hai người mẹ của những “đứa con” khuyết tật
Gian nan để hòa nhập
Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” dự kiến lễ tuyên dương được tổ chức vào dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo VN (20.11) tại Hà Nội. Mỗi thầy cô giáo dạy trẻ khuyết tật được tuyên dương sẽ được nhận một sổ tiết kiệm 10 triệu đồng; bằng khen của T.Ư Hội LHTN VN, biểu trưng của chương trình và các hình thức khen thưởng khác của Bộ LĐ-TB-XH và Bộ GD-ĐT.
Cô Hiền tình nguyện về công tác tại Trung tâm bảo trợ trẻ em mồ côi tàn tật Việt Trì từ năm 2000, vừa dạy chữ vừa dạy nghề cho học sinh (HS) khuyết tật. HS của cô chủ yếu bị khiếm thính và thiểu năng trí tuệ. Khi ấy, cô chưa hề được đào tạo kỹ năng về dạy trẻ khuyết tật, nên việc bất đồng về ngôn ngữ khiến cô không thể giao tiếp với HS.
“Tình nguyện xin về trường nhưng lại khó khăn trong việc giao tiếp với HS vì bất đồng ngôn ngữ, lúc đó tôi cảm thấy mình bất lực khi nhìn các em vây quanh mình chỉ trỏ nói chuyện bằng ký hiệu nhưng cô không hiểu gì, cô nói thì HS ngơ ngác… Không thể để HS thất vọng, tôi đã cố gắng học hỏi, tìm tòi những phương pháp dạy HS khuyết tật để vận dụng trong thực tiễn dạy học của mình, giúp HS có thể hòa nhập với cộng đồng”, cô Hiền nhớ lại.

Thế rồi cô tự học ngôn ngữ ký hiệu bằng cách đi sớm về muộn, tham gia các hoạt động và sinh hoạt hằng ngày của HS ở trường học, ở khu nội trú, để giao tiếp được cùng các em và cũng hiểu được đời sống tâm tư, tình cảm của HS, đồng cảm nhiều hơn với các em.
Kỷ niệm mà cô nhớ nhất cách đây 7 năm, về một HS bị câm điếc tính rất ngang. “Gia đình rất muốn cho em học một nghề gì đó, trường mở nghề may nhưng ban đầu em đó cũng không thích học. Vì vậy, đến trường em chỉ phá phách. Cô gọi lên học thì trốn vào trong nhà vệ sinh. Khi gọi ra thì em lấy chổi trong đó ném vào người cô giáo”, cô Hiền kể lại.
Liên tục trong 1 tháng, cứ đến trung tâm là HS này trốn trong nhà vệ sinh và ném chổi ra như vậy để chống đối. Cô Hiền phải tìm cách thuyết phục để em hiểu sự quan trọng của học nghề, sau này tự đi làm nuôi sống được bản thân, không phụ thuộc ai suốt đời. Sau đó, cô Hiền thuyết phục em vượt qua mặc cảm về bản thân để trở thành người có ích cho xã hội. Hiện HS này đã được nhận vào làm công nhân trong một nhà máy ở miền Nam.
Không có tình yêu sẽ không trụ được với nghề
“Dạy cho trẻ chậm phát triển trí tuệ quan trọng hơn cả là dạy cho các em kỹ năng sống, biết chào hỏi, ứng xử, lễ phép, biết tham gia các hoạt động bình thường, giáo viên phải theo sát học trò để nắm bắt tâm tư tình cảm, lắng nghe và chia sẻ với HS. Từ việc chia sẻ trong cuộc sống thường nhật mới hướng dẫn được các em biết làm những công việc như lau bàn ghế, quét lớp, vệ sinh cá nhân, tự chăm sóc bản thân”, cô Hiền nói.
Không chỉ dạy các em về kỹ năng sống, từ tình yêu nghề, cô Hiền đã truyền lửa được cho nhiều thế hệ HS khuyết tật, thắp lên cho các em những ước mơ về tương lai tươi sáng. “Dạy nghề cho HS khiếm thính rất quan trọng vì với các em có được một nghề trong tay, sau này sẽ tự đi làm nuôi sống được bản thân. Nhưng quan trọng nhất là phải động viên các em vượt qua những thiếu thốn vật chất, mặc cảm về bản thân để nuôi dưỡng ước mơ của mình. Từ đó dần dần biến ước mơ thành hiện thực, trở thành người có ích cho xã hội”, cô Hiền chia sẻ.
18 năm qua, với nỗ lực của mình, cô Hiền đã giúp cho nhiều HS trưởng thành. Một số em tự mở xưởng may quần áo, một số khác đi làm ở các khu công nghiệp, có thu nhập ổn định, nuôi sống bản thân và gia đình. “Một số em khi tổ chức đám cưới đã trở về trường gửi những tấm thiệp hồng mời cô giáo dự ngày vui của các em, tôi không cầm được nước mắt. Bao khó khăn, vất vả, những nỗ lực cố gắng dường như đã được đền đáp bằng những nụ cười, bằng hạnh phúc của các em. Tôi tự nhủ với lòng mình sẽ cố gắng đem những gì mình đã học hỏi được, mình đã trải qua, tiếp tục giúp đỡ được phần nào cho những thiệt thòi của các em HS khuyết tật”, cô Hiền xúc động nói.
Ít người biết rằng cô Hiền có hoàn cảnh rất éo le. Cô có 2 con (13 và 8 tuổi) đều bị bệnh tim bẩm sinh. Cả hai cháu đều phải trải qua nhiều lần phẫu thuật với chi phí hàng trăm triệu đồng/lần. Chồng cô làm kế toán ở một trường học, thu nhập cả hai vợ chồng chỉ hơn 10 triệu đồng/tháng, nên cô phải vay mượn khắp nơi để chữa bệnh cho con. Thế nhưng, cô vẫn vượt qua những khó khăn trong cuộc sống để thắp sáng những ước mơ cho HS khuyết tật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.