Tiền được sử dụng để trả cho những món vật chất như quần áo, hoặc trả cho những thứ tinh thần như vé xem phim và có khi là để biếu tặng những người mình yêu thích. Ai có nhu cầu vật chất và tinh thần, thì người đó có nhu cầu sử dụng tiền. Trẻ con vì thế cũng có nhu cầu riêng của mình.
Từ khi lên 3 tuổi, trẻ có thể nói con muốn đồ chơi này, con muốn món ăn khác. Nhưng ở độ tuổi này, trẻ chưa tự do đi một mình, đến nơi bán những món đồ đó. Do đó, hầu hết cha mẹ sẽ không đưa tiền riêng cho con, mà sẽ cùng ở đó, để chi trả cho những mong muốn hợp lý của trẻ.
Khi trẻ lên 4 - 5 tuổi, các con đã bắt đầu có chính kiến về việc lựa chọn các món đồ theo ý thích bản thân. Đến 6 - 7 tuổi, trẻ đã có thể tự lập trong một số hoạt động. Việc cho trẻ tiền tiêu vặt, mỗi phụ huynh sẽ có những quan điểm riêng. Tuy nhiên, chị Phạm Trần Kim Chi, Nhà thực hành tâm lý học tích cực ứng dụng - đồng tác giả cuốn sách Thực hành Giáo dục nhân cách, lưu ý đây cũng là một trong những nhu cầu thiết yếu của con.
Trẻ cũng có nhu cầu tiêu tiền cho những mong muốn riêng của mình, tuy nhiên các con cần được chia sẻ, định hướng để chi tiêu hợp lý trong khoản tiền người lớn cho |
NGUYỄN LOAN |
Khi nào thì để trẻ có tiền riêng?
Theo chị Kim Chi, khi trẻ đã có một sự tách khỏi cha mẹ tương đối thì có thể đến cửa hàng đồ chơi, vào tiệm bánh, đến máy bán hàng tự động… Khi đó, trẻ có nhu cầu có tiền riêng để đáp ứng những mong muốn của mình.
Tuy nhiên, trước khi đưa tiền cho con trẻ, cha mẹ cần dạy cho con cách tự đi vào cửa hàng, tự mua vài bịch bánh hay tự chọn món đồ chơi, có giá nhỏ hơn số tiền ba mẹ đã đưa trước. Cha mẹ cũng cần dạy trẻ cách tiêu tiền như thế nào và tiêu tiền ở đâu trước khi cho tiền riêng.
Vậy cha mẹ nên cho trẻ bao nhiêu tiền? Chị Kim Chi cho rằng không có một câu trả lời chung cho con số này, vì còn tùy vào thu nhập, nơi sống và cách sống của mỗi gia đình. Có một lưu ý rằng, số tiền riêng của trẻ nên ít nhất là bằng một món ăn vặt trẻ hay ăn hay một món đồ chơi nhỏ trẻ thường thích.
Chẳng hạn, gia đình sống ở một nơi mà cửa hàng tiện lợi gần đó không có món bánh vặt nào dưới 50.000 đồng, nhưng cha mẹ chỉ cho trẻ 10.000/1 tuần, thì điều này sẽ không hợp lý.
Một lần cha mẹ cho tiền nên xấp xỉ bằng một món trẻ có thể mua, để trẻ có thể lựa chọn giữa việc mua liền hoặc để dành cho lần sau mua món lớn hơn. Đây là dạy bài học tự chủ kiềm chế. Nếu số tiền mà cha mẹ cho mỗi lần không mua được gì thì trẻ không có sự lựa chọn và không học được sự tự chủ thực sự.
Từ kinh nghiệm bản thân, chị Kim Chi cho biết mỗi tháng chị đều cho con mình mức tiền tiêu vặt cố định là 200.000 đồng. Những tháng đầu tiên, bé quá háo hức nên gần như dùng hết tiền này mua 1 - 2 món đồ ngay trong những ngày đầu nhận “lương”. Nhưng bé dần dần nhận ra “nếu mua hết thì những ngày sau đó không còn tiền mua bất cứ thứ gì”, rồi chủ động, tính toán và cân nhắc hơn trong mỗi món đồ chọn mua.
Tuy nhiên, chị Kim Chi cũng cho rằng ngay cả người lớn cũng có những lúc chi tiêu sai mục đích hoặc chưa thật sự hiệu quả, có khi mua những món đồ không cần thiết. Trẻ con khi được cầm tiền cũng vậy, khi được tự do tiêu xài thì thời gian đầu rất dễ bị “cám dỗ”, có thể mua những món bị thu hút trong phút chốc sau đó không dùng tới hoặc dùng tiền mua hết đồ ăn cho bạn bè… Nhưng ở góc độ tâm lý, chị cho rằng trẻ sẽ dần dần điều chỉnh được cách chi tiêu của mình.
Để trẻ làm được điều này, cha mẹ có thể lập ra vài nguyên tắc, như chỉ được mua 2 quả trứng đồ chơi/tháng; thương lượng hoặc chia sẻ thông tin về những món đồ để con có thể lựa chọn phù hợp hơn…
Việc được tự chủ tiêu tiền có thể khiến trẻ mắc một số sai lầm nhưng các con sẽ rút được những bài học cần thiết |
NGUYỄN LOAN |
Cho tiền con trẻ như thế nào thì hợp lý?
Dù vậy, theo chị Kim Chi thì thay vì đưa thẳng tiền cho con thì có thể chọn cách “trả lương” cho trẻ thông qua việc làm.
Chẳng hạn, cha mẹ có thể trả tiền theo từng công việc nhà như rửa chén 10.000 đồng, đổ rác 2.000 đồng…. “Việc trả lương theo ngày có thể rất phiền, nhỡ “người lao động” hôm nay chỉ muốn rửa chén, ngày mai chỉ muốn đổ rác, thì lại rắc rối hơn nữa. Cha mẹ cũng có thể trả một mức thỏa thuận cho tổng các công việc nhà, theo tuần, theo tháng. Ngày nào bé cũng hoàn thành các công việc phụ giúp gia đình rửa chén, đổ rác và được trả 40.000 đồng/tuần”, nữ phụ huynh chia sẻ.
Nếu gia đình có trả chi phí để thuê người giúp việc thì trả tiền cho trẻ để làm việc nhà, cũng là hợp lý. Nếu là mọi người trong nhà tự cùng nhau làm thì nên cân nhắc tại sao không trả tiền cho mẹ ủi đồ, ba nấu ăn, mà lại trả tiền cho con rửa chén?
Ngoài ra, chị cũng cho rằng cần cho trẻ một khoản tiền nhỏ gọi là tiền tiêu vặt, không có điều kiện kèm theo. Trẻ có nhu cầu riêng, đã thể hiện được sự tự chủ một mình ở nhà sách, siêu thị, trước những máy bán hàng tự động, vậy thì trẻ được nhận một khoản tiêu vặt để có quyền quyết định với nhu cầu của mình.
“Cho trẻ tiền riêng để tiêu vặt là một trong những việc cần làm, để bồi đắp khả năng tự chủ và biết quyết định của trẻ. Của cho, không bằng cách cho, mỗi cha mẹ nên tính toán, thống nhất và định hướng với con để có những điều chỉnh phù hợp”, chị Kim Chi chia sẻ.
Bình luận (0)