Đại tá Kiều Tấn Lập - Giám đốc Sở Công an Nam bộ: Chuyện còn ít biết:

Còn đó nỗi niềm

22/08/2024 06:30 GMT+7

"Sau gần một thế kỷ ba tôi hy sinh, ba tôi không để lại kỷ niệm gì với con cháu, ngay tấm di ảnh của ba tôi để con cháu biết mặt cũng không có...

Tuy rằng, chúng tôi đã tìm kiếm khắp nơi, ra Hà Nội và hỏi thăm các bác, các chú cùng hoạt động với ba tôi như bác Phạm Hùng, bác Cao Đăng Chiếm, bác Trần Văn Giàu, bác Mai Chí Thọ… cũng không có ai còn lưu giữ tấm hình của ba tôi. Mỗi lần con cháu lên viếng thăm mộ ba ở Nghĩa trang Liệt sĩ Thành phố, nhìn tấm bia mà không có hình, con cháu thấy ngậm ngùi thương nhớ. Là con, chúng tôi thấy thật có lỗi với ba của mình".

Đó là chia sẻ của bà Kiều Quốc Túy, con gái thứ hai của đại tá - liệt sĩ Kiều Tấn Lập.

Trò chuyện với chúng tôi tại nhà riêng trên đường Đồng Nai, P.15, Q.10 (TP.HCM), bà Kiều Quốc Túy nghẹn ngào nhắc lại những kỷ niệm hiếm hoi về cha mình. Đó là năm 1940, khi tham gia cách mạng, ông nói với người yêu (đã đính hôn) nên suy nghĩ kỹ trước khi thành hôn vì lấy người cách mạng là khổ lắm. Đó là khi kháng chiến bùng nổ, tuy có 6 căn nhà cổ mặt tiền, ruộng đất mênh mông, ông không màng tới và khuyên gia đình bỏ hết.

Còn đó nỗi niềm- Ảnh 1.

Bà Kiều Quốc Túy nghẹn ngào khi nhắc đến những kỷ niệm về cha

Khải Mông

"Rồi ba tôi đưa cả gia đình theo ông vào chiến khu Đồng Tháp Mười, Bạc Liêu, Cà Mau… Cả mẹ, vợ con và các em đều vào chiến khu tham gia kháng chiến. Mẹ là Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Vàng, em trai là liệt sĩ Kiều Công Nghiệp", bà Kiều Quốc Túy chia sẻ.

Từ ngày thoát ly tham gia cách mạng đến ngày hy sinh, ông Kiều Tấn Lập chưa được trở về quê hương Cần Giuộc lần nào. Ông tâm sự trong lá thư cuối cùng gửi về cho người vợ trẻ: "Anh không ham muốn địa vị, danh vọng gì hết. Chỉ mong nước nhà mau độc lập để về với mẹ già kính yêu, về với vợ con và các em yêu quý…". Lá thư cũng là lời trăn trối của ông lần cuối với gia đình. Từ đó, ông đã đi mãi, không bao giờ trở về. Ông Kiều Tấn Lập hy sinh khi vừa tròn 30 tuổi, để lại con gái lớn mới lên 5 tuổi, con gái thứ hai chưa tròn 3 tuổi.

Người con gái của ông giải thích về tên gọi của hai chị em: "Một điều khá đặc biệt mà mọi người đều thấy là lạ, hai chị em tôi là con gái mà ba tôi đặt tên là Quốc Lệ và Quốc Túy. Chị tôi sinh năm 1942, lúc đất nước đầy gian khổ chống thực dân Pháp nên ba tôi đặt tên cho chị tôi là Quốc Lệ. "Quốc" là nước, là Tổ quốc, "Lệ" là nước mắt, là đau thương, tang tóc vì chiến tranh. Còn tôi, ba đặt tên là Quốc Túy, "Quốc" cũng là Tổ quốc, đất nước, "Túy" là sự tinh túy, trong sáng của đất nước Việt Nam. Người ta hay nói: Quốc hồn, Quốc túy!".

Còn đó nỗi niềm- Ảnh 2.

Ảnh tư liệu báo chí về lễ cải táng liệt sĩ Kiều Tấn Lập và Đặng Văn Bi

Khải Mông

Đến năm 1955, Kiều Quốc Lệ và Kiều Quốc Túy được tập kết ra Bắc học trường Học sinh miền Nam - Hải Phòng. Hai chị em đều trở thành kỹ sư, đều là đảng viên, đều được tặng huân - huy chương kháng chiến.

Trở về quê hương sau ngày đất nước thống nhất, có những thông tin không chính thức về cái chết của cha mình. Khi làm cán bộ kỹ thuật Nhà máy đường Hiệp Hòa - Long An, bà Kiều Quốc Lệ đã viết thư gửi ông Cao Đăng Chiếm - Thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), hỏi về lý lịch chính trị của cha mình. Ngày 25.8.1980, bà nhận thư phản hồi:

"Cháu Lệ,

Bác có nhận thơ của cháu đề nghị bác xác nhận lý lịch chính trị của ba cháu là anh Kiều Tấn Lập. Trường hợp của ba cháu chết như thế nào, bác không rõ cụ thể, vì lúc đó bác công tác ở thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn. Sau đây là những điều bác biết:

1, Năm 1947, trong một cuộc đánh phá của bọn Pháp vào căn cứ Đồng Tháp Mười, có xe lội nước có phi cơ oanh tạc, ba của cháu mất tích trong cuộc đánh phá nầy.

2, Theo bác biết: Ba của cháu không có vấn đề chính trị như dư luận đồn tiếu.

Vậy để thuận lợi cho cháu trong công tác, bác gởi thơ cho đồng chí Chín Cần - Bí thư Tỉnh ủy Long An để xác nhận cho cháu.

Chúc cháu công tác tiến bộ.

Cao Đăng Chiếm".

Sau đó, ông Cao Đăng Chiếm cùng ông Phạm Hùng đã chứng nhận để Bộ LĐ-TB-XH lập hồ sơ trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ). Ngày 9.3.1991, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười đã tặng bằng Tổ quốc ghi công: "Liệt sĩ Kiều Tấn Lập - Giám đốc Sở Công an Nam bộ, nguyên quán: xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp". 

Cuối năm 2023, bà Kiều Quốc Túy đã có đơn gửi Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng kiêm Tổng thư ký Quốc hội đề nghị sửa chữa thông tin sai về Đại biểu Quốc hội khóa I Kiều Tấn Lập. Đồng thời, bà cũng có đơn gửi Bộ Công an đề nghị bổ sung thông tin đại tá - liệt sĩ Kiều Tấn Lập và hồ sơ lưu trữ của Bộ cùng sách Danh sách liệt sĩ Công an nhân dân qua các thời kỳ do Bộ Công an thực hiện khi tái bản. Một điều mong muốn của bà Kiều Quốc Túy ở tuổi 80 đó là được thấy tên đường Kiều Tấn Lập tại TP.HCM cùng quê nhà Long An.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.