Đại tá Kiều Tấn Lập - Giám đốc Sở Công an Nam bộ: Chuyện còn ít biết

Đại biểu Quốc hội tỉnh Chợ Lớn khóa đầu tiên

20/08/2024 06:30 GMT+7

Một vinh dự lớn của Quốc gia Tự vệ cuộc Nam bộ là có 2 ông Nguyễn Văn Trấn, Giám đốc và Kiều Tấn Lập, Phó giám đốc, đều được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước ta (1946).

Trong những phiên họp bàn kế hoạch khởi nghĩa 8.1945, Ủy ban Hành chính lâm thời Nam bộ và Xứ ủy Nam bộ thống nhất sẽ thành lập tổ chức Quốc gia Tự vệ cuộc để thay thế tổ chức mật thám và cảnh sát của chế độ cũ, và phân công ông Dương Bạch Mai, Xứ ủy viên, làm Ủy trưởng Quốc gia Tự vệ cuộc Nam bộ. Ngày 26.8, Ủy ban Hành chính lâm thời Nam bộ quyết định ông Nguyễn Văn Trấn làm Giám đốc Quốc gia Tự vệ cuộc Nam bộ. Như vậy, Quốc gia Tự vệ cuộc Nam bộ vừa có Ủy trưởng vừa có Giám đốc. Đến giữa tháng 9.1945, ông Dương Bạch Mai được phân công làm Thanh tra chính trị miền Đông, không còn làm Quốc gia Tự vệ cuộc. Để đảm bảo điều hành công việc, ông Nguyễn Văn Trấn giới thiệu bổ sung ông Kiều Tấn Lập làm Phó giám đốc.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Chợ Lớn khóa đầu tiên- Ảnh 1.

Bằng truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng ba liệt sĩ Kiều Tấn Lập (2020)

Khải Mông chụp lại

Chính quyền đã về tay nhân dân sau hơn 80 năm nô lệ, nhưng ngay lúc đó việc giữ chính quyền phải đối mặt với bao khó khăn. Miền Nam thành đồng Tổ quốc đã phải "đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến". Lúc này, Quốc gia Tự vệ cuộc Nam bộ đã kịp thời được thành lập để làm nhiều nhiệm vụ quan trọng: bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, bảo vệ an ninh trật tự xã hội, bảo vệ Đảng. Từng tham gia Thanh niên Tiền phong tỉnh Chợ Lớn, ông Kiều Tấn Lập khi trở thành Phó giám đốc Quốc gia Tự vệ cuộc Nam bộ, đã dựa vào đoàn viên Công đoàn và Thanh niên Tiền phong để nắm tình hình địch và các đảng phái phản động. Ông Kiều Tấn Lập còn được Xứ ủy và Giám đốc Nguyễn Văn Trấn phân công theo dõi Quốc gia độc lập Đảng; ông Đặng Văn Bi, Trưởng công an đặc khu Sài Gòn - Gia Định, theo dõi bọn tờ rốt kít và Dân xã Đảng cùng các giáo phái... Hơn nửa thế kỷ sau, ngày 26.7.1998, hai ông Kiều Tấn Lập và Đặng Văn Bi (hy sinh năm 1951 tại Chiến khu D) cùng được cải táng hài cốt tại nghĩa trang liệt sĩ TP.HCM.

Cũng trong những ngày chính quyền còn trong trứng nước này, lực lượng Quốc gia tự vệ cuộc Nam bộ và Sài Gòn - Chợ Lớn đã góp phần hoàn thành xuất sắc một nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa đặc biệt. Đó là tham gia tổ chức và bảo vệ cuộc bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước tiến hành mau chóng nhưng Chính phủ mới là thời kỳ lâm thời. Để có chính quyền hợp hiến và hợp pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh xúc tiến bầu Quốc hội để lập ra Hiến pháp và bầu ra Chính phủ chính thức. Quyết định tổ chức Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được Chủ tịch Hồ Chí Minh ban bố dự kiến vào ngày 23.12.1945, sau đó lùi lại đến ngày 6.1.1946. Nam bộ dù ở xa Trung ương song nhiều địa phương đã chuẩn bị tốt cho bầu cử. Lá phiếu (lá thăm) dựng nước trong tay, bất chấp mọi hành động cản phá của thực dân Pháp, người dân vẫn tiến hành bỏ phiếu bầu các đại biểu xứng đáng vào cơ quan lập pháp cao nhất cả nước.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Chợ Lớn khóa đầu tiên- Ảnh 2.

Nhân dân Sài Gòn khởi nghĩa giành chính quyền, ngày 25.8.1945

Tư liệu

Ngày 8.3.2013, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã ra Quyết định số 823-QĐ/TU công nhận: Đồng chí Kiều Tấn Lập nguyên là Giám đốc Sở Công an Nam bộ đã hy sinh năm 1947, là người hoạt động cách mạng trước ngày 1.1.1945, có thời gian tham gia cách mạng từ năm 1940 - 1947.

Gia đình đồng chí Kiều Tấn Lập được hưởng chế độ ưu đãi đối với người hoạt động cách mạng trước ngày 1.1.1945 kể từ ngày ký quyết định.

Ở Sài Gòn - Chợ Lớn, thực dân Pháp đang mở rộng sự chiếm đóng, mạng lưới cảnh sát, mật thám của địch đang theo dõi rình rập khắp nơi nên việc tổ chức bầu cử trở thành cuộc đấu tranh gay go quyết liệt. Quốc gia Tự vệ cuộc vừa vận động đồng bào đi bỏ phiếu vừa bảo vệ cuộc bầu cử. Ở vùng địch kiểm soát, các chiến sĩ ôm thùng phiếu đến từng nhà trên đường phố, ngõ hẻm để đồng bào tự tay bỏ phiếu. Tại Sài Gòn - Chợ Lớn, 40.000 cử tri đã tham gia bỏ phiếu. Ông Nguyễn Văn Trấn trúng cử ở Sài Gòn. Ông Kiều Tấn Lập trúng cử ở Chợ Lớn. Hai ông vinh dự trở thành đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước ta.

Trong hoàn cảnh bị chiếm đóng, mạng lưới cảnh sát mật thám của địch theo dõi, rình rập khắp nơi, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ vận động và bảo vệ bầu cử. Tính chung cả Nam bộ, có 42 cán bộ chiến sĩ Quốc gia Tự vệ cuộc anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ cuộc bầu cử. Thắng lợi của cuộc bầu cử đã thể hiện ý chí của nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn kiên quyết bảo vệ độc lập dân tộc. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.