Con đuổi cha mẹ ra khỏi nhà, xử tội gì?

27/09/2024 15:04 GMT+7

TAND tối cao giải đáp một số vấn đề vướng mắc khi xét xử, trong đó đề cập tới hành vi con đuổi cha mẹ ra khỏi nhà thì bị xử lý về tội gì?

TAND tối cao mới đây ban hành công văn số 163/TANDTC-PC giải đáp một số vướng mắc trong công tác xét xử.

TAND tối cao cho biết, qua công tác tổng kết thực tiễn xét xử, cơ quan này nhận được phản ánh của các tòa án về những vướng mắc khi giải quyết các vụ việc. Vì thế, TAND tối cao có ý kiến với một số trường hợp cụ thể, nhằm bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật.

Con đuổi cha mẹ ra khỏi nhà, xử tội gì?- Ảnh 1.

TAND tối cao giải đáp một số vướng mắc trong công tác xét xử (ảnh minh họa)

ẢNH: TUYẾN PHAN

Con đuổi cha mẹ ra khỏi nhà, xử lý sao?

Một trong những vướng mắc được đề cập, đó là liên quan đến điều 158 bộ luật Hình sự năm 2015, quy định về tội xâm phạm chỗ ở của người khác.

Theo đó, khoản 1 điều 158 quy định người nào thực hiện một trong các hành vi sau thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm: khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác, đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ, chiếm giữ chỗ ở, xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác…

Vậy, nếu thực hiện một trong các hành vi nêu trên thì trong thời gian bao lâu sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Trường hợp con ở cùng nhà với cha mẹ (nhà thuộc quyền sở hữu của cha mẹ) mà đuổi cha mẹ ra khỏi nhà thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội xâm phạm chỗ ở của người khác hay không?

Giải đáp vấn đề trên, TAND tối cao cho hay, điều 158 của bộ luật Hình sự năm 2015 không quy định xâm phạm chỗ ở của người khác trong thời gian bao lâu thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Do đó, người nào thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 điều 158 thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Với trường hợp con ở cùng cha mẹ mà đuổi cha mẹ ra khỏi nhà, hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội ngược đãi hoặc hành hạ cha mẹ, theo quy định tại điều 185 bộ luật Hình sự năm 2015, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Phá két sắt để trộm tiền, xử lý 1 hay 2 tội?

Nội dung khác được TAND tối cao tổng hợp, đó là tình huống Nguyễn Văn A. có hành vi phá két sắt nhằm mục đích trộm cắp tài sản và đã lấy được số tiền 5 triệu đồng; két sắt do A. hủy hoại có giá trị 10 triệu đồng.

Trường hợp này, Nguyễn Văn A. chỉ phạm một tội là tội trộm cắp tài sản hay phạm 2 tội là trộm cắp tài sản và hủy hoại tài sản?

Theo giải đáp của TAND tối cao, mặc dù Nguyễn Văn A. chỉ có động cơ, mục đích là trộm cắp nhưng buộc Nguyễn Văn A. phải nhận thức hành vi phá két sắt là hủy hoại tài sản của người khác.

Vì thế, hành vi của A. cấu thành 2 tội là trộm cắp tài sản, quy định tại điều 173 và tội hủy hoại tài sản, quy định tại điều 178 bộ luật Hình sự năm 2015.

Cũng với giả thiết người tên Nguyễn Văn A., anh này vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ gây tai nạn chết người. Quá trình điều tra phát hiện A. dùng giấy phép lái xe hạng B2 giả (A. cung cấp thông tin của mình cho đối tượng làm giả) để điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

Vậy Nguyễn Văn A. bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức hay tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu của cơ quan, tổ chức?

TAND tối cao cho hay, trường hợp trên ngoài việc Nguyễn Văn A. bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm về quy định tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại điều 260, bị cáo còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức theo quy định tại điều 341 bộ luật Hình sự năm 2015.

Tham ô hay lạm dụng tín nhiệm?

Một tình huống khác được đề cập, Nguyễn Văn A.. là nhân viên của cửa hàng điện thoại di động MT do ông Trần Thanh B. làm chủ, cửa hàng MT được đăng ký kinh doanh là hộ kinh doanh.

Trong quá trình làm việc tại cửa hàng, A. được giao nhiệm vụ thu tiền bán thẻ điện thoại, máy điện thoại và có trách nhiệm trực tiếp quản lý tiền thu được và nộp lại cho chủ cửa hàng. A. đã lợi dụng nhiệm vụ được giao, sau khi thu tiền của khách hàng, A. không nộp về cho cửa hàng mà chiếm đoạt số tiền 20 triệu đồng.

Vậy, hành vi của A. bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hay tội tham ô tài sản?

TAND tối cao cho biết, theo quy định tại khoản 6 điều 353 bộ luật Hình sự năm 2015, người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà tham ô tài sản, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp theo quy định của luật Doanh nghiệp năm 2020.

Vì thế, hành vi nêu trên của A. cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, theo điều 175 bộ luật Hình sự năm 2015.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.