Con đường hoa thơm, cỏ lạ

Nguyễn Thế Thịnh
Nguyễn Thế Thịnh
01/01/2020 06:19 GMT+7

'Cứ mỗi lần trèo qua một con dốc thì lập tức xuất hiện trước mắt mình một con dốc khác cao hơn. Thế là lại đi và đi mãi như thế trong gió ngược... Nhiều khi mỏi mà không muốn dừng bởi hai bên đường nhiều hoa thơm cỏ lạ quá. Cứ muốn hái và ôm đầy tay...', nhà văn Trần Thùy Mai.

Và thế là chị đi. Đi từ Cỏ hát đến Bài thơ về biển khơi; từ Thị trấn hoa quỳ vàng đến Một mình ở Tokyo; từ Lửa hoàng cung đến Biển đời người... Rồi chị gặp Người khổng lồ núi Bạc, Onkel yêu dấu, gặp cả Người bán linh hồn; tham gia Trò chơi cấm, chứng kiến Đêm tái sinh và Thập tự hoa…
Và chị đi, trong Mưa đời sau, Mưa ở Strasbourg…
Rồi chị tìm Quỷ trong trăng Trăng (lại ở) nơi đáy giếng.
Chỉ để Thương nhớ Hoàng Lan.

Từ truyện ngắn đến tiểu thuyết lịch sử

Tôi đọc Trần Thùy Mai từ tập truyện ngắn đầu tiên và bị ám ảnh. Ám ảnh không phải từ sự dữ dội mà từ cảm xúc trong veo. Cảm xúc thì vui có, buồn có, nhưng mà cao trong. Mỗi câu chuyện, dù rất nhẹ nhàng theo cách “viết như không” nhưng đều để lại trong lòng một cái gì đó rất khó cắt nghĩa. Những câu chuyện “chạm đến trái tim”.
Chị đã rất đúng khi nói về con đường văn chương của mình: “Cứ mỗi lần trèo qua một con dốc thì lập tức xuất hiện trước mắt mình một con dốc khác cao hơn”. Từ trước đến nay, người ta nói, truyện ngắn (chữ in nghiêng đoạn trên là tên những tập truyện ngắn của Trần Thùy Mai) là sở trường của chị. Nhưng rồi, nhiều người bất ngờ khi chị ra mắt bộ tiểu thuyết lịch sử Từ Dụ thái hậu (quyển thượng và quyển hạ) với rất nhiều nhân vật và tính cách khác nhau, với nhiều phong tục dân gian và nghi lễ triều đình, và, vô cùng nhiều những cung bậc suy nghĩ, tình cảm… Có thể thấy, chị phải đọc rất nhiều sách để đối chiếu. Có thể thấy, chị đã nhập vai vào rất nhiều nhân vật khác nhau để hiểu chính họ, khác với những gì người ngoài nhìn thấy.
Viết về một giai đoạn lịch sử nhiều sóng gió, đời sau vẫn còn nhiều quan điểm chưa nhất quán, nhưng dưới ngòi bút của Trần Thùy Mai, những bi kịch dường như dịu bớt, những nỗi oan cũng dần được hóa giải. Gần 900 trang viết trở nên thấm đẫm tình người và lòng nhân ái. Trần Thùy Mai đã một lần nữa rất đúng khi đi sâu vào khía cạnh Con Người theo nghĩa viết hoa.
“Lịch sử, bằng cầu nối của văn học, đã làm sống lại những kinh nghiệm nhân sinh và xã hội từ quá khứ. Với tiểu thuyết Từ Dụ thái hậu, qua tâm thế và cái nhìn của mình, Trần Thùy Mai đã làm sáng lên cội nguồn sức mạnh bền bỉ của đất nước và dân tộc Việt Nam”, tác giả Nguyễn Thị Thanh Xuân nhận định như thế về tác phẩm này trong bài Khiêm cung giữa vương triều chói lọi.
Con đường hoa thơm, cỏ lạ1

Nhà văn Trần Thùy Mai trong buổi giới thiệu sách Từ Dụ thái hậu

Khi lịch sử được tiếp sức bằng văn học

Cuối năm rồi, Trần Thùy Mai đi đến nhiều nơi để giới thiệu Từ Dụ thái hậu, vừa kết thúc thì hay tin Người bán linh hồn (NXB Phụ nữ) tham gia hội chợ sách ở Frankfurt (Đức).
Ngoài số lượng tác phẩm đáng ngưỡng mộ, Trần Thùy Mai cũng đã dịch rất nhiều sách. Các truyện ngắn nổi tiếng như: Gió thiên đường, Thập tự hoa, Quỷ trong trăng, Thương nhớ Hoàng Lan, Mưa đời sau, Người bán linh hồn, Trăng nơi đáy giếng, Thị trấn hoa quỳ vàng... của chị cũng đã được dịch sang tiếng Anh, Pháp và Nhật...
Cho đến nay, Từ Dụ thái hậu là con dốc cao nhất mà Trần Thùy Mai đã đi qua. Và có vẻ như chị không chịu dừng lại, một tiểu thuyết lịch sử về một giai đoạn lịch sử khác đang được hình thành. Đó là một đỉnh dốc khác.
Người ta hay phàn nàn giới trẻ bây giờ không yêu thích lịch sử, không sai, nhưng nếu lịch sử được tiếp sức bằng văn học như Từ Dụ thái hậu, bảo đảm, nếu cầm lên, bạn sẽ không muốn đặt xuống vì nó cuốn hút ngay từ những dòng đầu và hé lộ những dòng sau… Hấp dẫn vô cùng.
“Nhiều khi mỏi mà không muốn dừng bởi hai bên đường nhiều hoa thơm cỏ lạ quá. Cứ muốn hái và ôm đầy tay...”, chị tâm sự.
Nhà thơ Văn Công Hùng nói rằng: “Trần Thùy Mai là người Huế nhất trong những người Huế mà tôi được gặp”. Nhận định này có lẽ cũng sẽ gây ra tranh luận, nhưng tôi cũng có cảm giác như anh.
Trong những tác phẩm của chị được chuyển thể sang kịch bản sân khấu và dựng thành phim (Hãy khóc đi em, Gió thiên đường, Thập tự hoa, Trăng nơi đáy giếng…), tôi thích nhất, ám ảnh nhất Trăng nơi đáy giếng của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn. Thích nhất đoạn mô tả bữa ăn của thầy Phương bao giờ cũng được cô Hạnh - vợ thầy dọn ra một chén nước mắm có ớt thái, dù thầy không ăn nhưng thế mới đủ vị. Thích vẻ mặt chưng hửng của bà Thu, chủ tịch công đoàn trường, khi thông báo cho cô Hạnh tin thầy Phương có con với người khác mà mặt cô Hạnh vẫn thản nhiên như không. Thích cuộc họp định hạ bệ hiệu trưởng Phương thì cô Hạnh đưa ra một tờ giấy ly hôn và một tờ giấy kết hôn…
Không phải một người “Huế nhất” thì khó nhìn thấy Trăng nơi đáy giếng.
Cô Trần Thùy Mai khi đang dạy đại học, từng phê vào luận văn tốt nghiệp (với tư cách phản biện): “Nếu có điểm 11 thì cho sinh viên này 11 điểm và đề nghị in luận văn thành sách”. Lời phê gây nhiều tranh cãi vào thời đó.
33 năm sau, cô Mai có lần viết cho học trò của mình: “Những gì em làm, những gì em viết từ đó đến nay khẳng định nhận định của cô là đúng. Phải có điểm vượt khung cho một con người vượt khung”.
Cô Trần Thùy Mai là con người “vượt khung” về suy nghĩ, từ thời đó và đến giờ, với tác phẩm của mình, càng thấy nhà văn Trần Thùy Mai vẫn “vượt khung”. 
Trần Thùy Mai sinh năm 1954 tại Hội An, Quảng Nam, nhưng quê ở làng An Ninh Thượng, xã Hương Long, H.Hương Trà (nay là P.Hương Long, TP.Huế), tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Trần Thùy Mai bắt đầu được các bạn trẻ yêu thích văn chương ở Huế biết đến khi đang học ở Trường Đồng Khánh (Huế) những năm trước giải phóng. Tốt nghiệp tú tài 2 từ 1972, chị thi đậu thủ khoa môn văn Đại học Sư phạm Huế. Sau 1975, chị học tiếp Đại học Sư phạm. Năm 1977, sau khi tốt nghiệp, Trần Thùy Mai được giữ lại trường. Năm 1987, chị chuyển sang làm biên tập viên ở NXB Thuận Hóa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.