Con đường kỷ lục thế giới kêu cứu

15/04/2014 03:00 GMT+7

Dù gốm bong tróc từng mảng trên con đường gốm sứ kỷ lục thế giới ở Hà Nội, nhưng tiền bảo dưỡng vẫn chưa làm thủ tục xong.

Dù gốm bong tróc từng mảng trên con đường gốm sứ kỷ lục thế giới ở Hà Nội, nhưng tiền bảo dưỡng vẫn chưa làm thủ tục xong.

Con đường kỷ lục thế giới kêu cứu
Những đoạn tường bong tróc trên Con đường gốm sứ - Ảnh: Ngọc Thắng

Nếu còn sống, hẳn danh họa Vincent Van Gogh cũng sẽ đau lòng khi thấy phiên bản bức Bầu trời đầy sao của mình có nguy cơ bong từng mảng. Đây là một trong những tác phẩm được thể hiện trên Con đường gốm sứ dọc đê sông Hồng tại Hà Nội. Bức tranh gốm sứ dài nhất thế giới do Tổ chức Guinness công nhận năm 2010 giờ bong tróc ở nhiều đoạn. Đoạn gốm tái hiện những ngôi nhà cổ thâm nâu hở tường. Đoạn gốm Phù Lãng đầu phố Cầu Đất bong tróc. Tấm mặt nạ giới thiệu nghệ thuật tuồng lở loét. Đoạn mô tả họa tiết gốm nâu thời Trần cũng cùng số phận. Dọc tuyến đường, người dân vô tư căng dây, buộc quả dọi giữ lều bạt, trèo tường qua lại trong mùi khai nồng.

Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy, tác giả của Con đường gốm sứ cho biết trong hơn 3 năm qua, Công ty nghệ thuật Tân Hà Nội (công ty của bà Thủy - NV) đã phối hợp với Ban Chỉnh trang đô thị Hà Nội thực hiện việc duy tu bảo dưỡng thường xuyên Con đường gốm sứ.

 

Cứ thử đi qua bến xe ở đầu cầu Long Biên thì biết. Khủng khiếp là đái bậy, vì thiếu chỗ giải quyết. Mà đã trích được tiền làm đường gốm sứ thì cũng nên làm thêm nhà vệ sinh công cộng dọc tuyến này

Tuy nhiên, bà Thủy nhìn nhận thời gian vừa qua việc bảo dưỡng này có hơi xao nhãng: “Đợt này có xao nhãng vì tôi đang làm tranh ở Trường Sa, không ở Hà Nội. Với lại đợt này mưa nhiều nên có tình trạng như thế, chứ chúng tôi vẫn làm bảo dưỡng liên tục”.

Một khó khăn cũng được bà Thủy chia sẻ là hiện giờ kinh phí bảo dưỡng cũng chưa có. Sau 3 năm, thời gian bảo hành do Công ty nghệ thuật Tân Hà Nội chịu trách nhiệm đã hết. Ban Chỉnh trang đô thị Hà Nội là đơn vị được thành phố bàn giao việc duy tu bảo dưỡng công trình đang làm các thủ tục và hồ sơ để có kinh phí tiếp tục việc duy tu bảo dưỡng.

Họa sĩ Lê Thiết Cương, người từng làm giám tuyển cho nhiều triển lãm gốm nghệ thuật, nói: “Chỉ có ở nước mình công đoạn bảo dưỡng mới như vậy. Người ta hằng ngày đều phải đánh răng rửa mặt, có người còn phải uống thuốc bổ. Mấy bà bạn của tôi trên 50 tuổi còn phải hò nhau bôi kem dưỡng da khi ra nắng gió. Người bình thường còn thế nữa là nhà, là công trình công cộng phơi ra nơi nắng gió như con đường gốm sứ mà không cấp kinh phí  bảo dưỡng”.

Ông Cương cho rằng các công trình mỹ thuật công cộng ở nước ta thường được đối xử kiểu đầu voi đuôi chuột như vậy. Chẳng hạn, vườn tượng nghệ thuật ở bờ hồ Gươm cứ lay lắt cảnh bệ long, gạch tróc, tượng gãy giơ cốt sắt ra hàng mấy năm trời. Khách đi qua đi lại ngay giữa trung tâm thủ đô chắc không thể hiểu được thành phố văn minh, vì hòa bình sao lại đối xử với văn hóa thờ ơ đến như thế.

Cũng theo ông Cương, việc con đường gốm sứ bị xuống cấp có ba vấn đề. Một là khi xây dựng có vấn đề gì không, có tính toán đủ, thực hiện đủ các yếu tố bền vững không. Thứ hai, sau khi xây xong thì chế độ bảo dưỡng có đứt quãng không. Tiền bảo dưỡng có đến nơi đúng lúc không. Rồi còn ý thức bảo vệ công trình của người dân nữa.

“Đã làm gốm như thế rồi, xi măng như thế rồi mà còn hỏng thì chả có chất liệu nào chịu nổi mưa nắng khắc nghiệt của miền Bắc. Chúng ta phải tính đến ngân sách cho bảo dưỡng thường xuyên. Phải tính đến điều đó vì nghe nói sau đây còn tiếp tục làm đường kéo dài nữa. Còn khắc phục vấn đề thứ ba là  ý thức người dân thì gần như chịu rồi. Cứ thử đi qua bến xe ở đầu cầu Long Biên thì biết. Khủng khiếp là đái bậy, vì thiếu chỗ giải quyết. Mà đã trích được tiền làm đường gốm sứ thì cũng nên làm thêm nhà vệ sinh công cộng dọc tuyến này”, ông Cương nói.

Trinh Nguyễn 

>> 1.000 thanh niên thủ đô làm sạch con đường gốm sứ
>> Cổ vật trên những con tàu đắm: Con đường gốm sứ qua biển Đông
>> Vinh danh "Con đường gốm sứ
>> Con đường gốm sứ" được trao kỷ lục Guinness
>> Con đường gốm sứ lập kỷ lục Guinness thế giới  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.