Con đường nào để xuất khẩu nhạc Việt?

Ngọc An
Ngọc An
27/10/2022 07:05 GMT+7

Không phải không có những sản phẩm âm nhạc của ca sĩ VN khiến khán giả thế giới chú ý, nhưng nhạc Việt vẫn gần như chưa có thị trường tại nước ngoài.

“Chỉ loanh quanh sân nhà sẽ không rõ mình ở đâu”

Ca sĩ Trang Lê của nhóm Limebócx chia sẻ như trên tại tọa đàm “Xuất khẩu âm nhạc VN ra thị trường thế giới”, nằm trong chuỗi chương trình Livespace Pro do Viện Pháp tại Hà Nội phối hợp Monsoon Music Festival và nhiều đơn vị tổ chức vào ngày 26.10 tại Hà Nội.

Limebócx là nhóm nhạc VN đã biểu diễn tại nhiều quốc gia trên thế giới. “Chúng tôi đề ra mục tiêu để âm nhạc của mình được khán giả thế giới nghe nhiều hơn. Trước hết, chúng tôi hiểu rằng mình phải có sản phẩm, đi diễn thường xuyên, để khán giả trong nước biết đến mình trước khi ra nước ngoài. Về mặt âm nhạc, chúng tôi hiểu cần có sự kết hợp giữa tính cá nhân với những gì được nghe, được tiếp cận trên thế giới, nhưng phải làm ra cái riêng chứ không phải là đi bắt chước”, Trang Lê cho hay.

Những nghệ sĩ trẻ biểu diễn trong Livespace Pro

Viện Pháp cung cấp

Ông Đông Nguyễn (Hot Panda Media, đơn vị đưa những sản phẩm của ca sĩ Việt ra thị trường nước ngoài) cũng cho rằng các bên xuất khẩu âm nhạc luôn tìm đến những điều đặc biệt, những nghệ sĩ có tố chất riêng. Theo ông, vấn đề mấu chốt trong xuất khẩu nhạc Việt vẫn là cần sản phẩm tốt với chất lượng đúng “chuẩn quốc tế”. Bên cạnh đó, khi biểu diễn trước khán giả nước ngoài, ca sĩ cần trang bị kỹ năng truyền tải âm nhạc qua ngôn ngữ cơ thể, kỹ năng nói chuyện trước đám đông.

“Ca sĩ cần thích ứng, luôn nghiên cứu bản thân và thế giới để biết bên ngoài họ đang làm gì, cần tận dụng internet để cập nhật thông tin một cách nhanh nhạy, nắm bắt cơ hội. Chẳng hạn, khi biết một nền tảng mạng xã hội sẽ đầu tư cho âm nhạc, họ cần chuẩn bị để đón đầu. Ngoài ra, ca sĩ cũng cần có đội ngũ hỗ trợ như công ty phân phối, truyền thông, các đơn vị văn hóa…”, ông Đông Nguyễn chia sẻ.

Tận dụng nền tảng số

Bà Alice Gau (đại diện Liên hoan Made in Asia) cho hay cách mà bà tìm hiểu về âm nhạc châu Á là qua mạng xã hội, các trang nhạc số… Còn theo ông Đông Nguyễn, nghệ sĩ có thể sống được nhờ dựa vào hoặc không dựa vào nền tảng số, nhưng nếu không dựa vào công việc của họ sẽ có nhiều có cái khó hơn. “Họ phải bán CD để thu hút khán giả đến xem show của mình, nhưng việc đó sẽ không dễ gì ở thị trường âm nhạc nước ngoài. Thói quen của khán giả hiện nay cũng thay đổi. Nếu không biết ca sĩ đó là ai, có biểu diễn thế nào, hát nhạc gì, chưa chắc khán giả đã muốn đi xem. Bởi vậy, nếu ca sĩ trong nước muốn tham dự những liên hoan hay chương trình ở nước ngoài, họ cần phải cho biết mình có những sản phẩm nào, mà cách dễ dàng để làm việc đó là qua nền tảng số”, ông Đông Nguyễn nói.

Ca sĩ Trang Lê của nhóm Limebócx biểu diễn trong khuôn khổ chuỗi chương trình Livespace Pro

Ông Antoine El Iman (Công ty Believe, đơn vị phân phối nhạc số đã hợp tác với nhiều nghệ sĩ VN như Đen Vâu, Sơn Tùng M-TP) cho hay, với nền tảng số có thể tính toán được ngay số lượng người nghe đang ngày càng nhiều lên. “Hiện nay, dạng thức nghe nhạc đã khác, nếu nghệ sĩ không biết cách thay đổi và nuôi dưỡng tên tuổi của mình trên nền tảng số thì khán giả sẽ dần quên bạn. Chúng ta cần có chiến lược mới để mỗi khi có sản phẩm ra sẽ tiếp cận với khán giả theo cách tốt nhất”, ông Antoine El Iman bày tỏ.

Có thể thấy những trang mạng xã hội, kênh nhạc trực tuyến như Spotify, TikTok, YouTube… đang có lượng doanh thu lớn ở nước ngoài, không chỉ cho các đơn vị kinh doanh mà còn cho cả ca sĩ. Bà Céline Lugué (Trung tâm Âm nhạc quốc gia Pháp - CNM) cho biết ngành ghi âm của Pháp đứng thứ 5 trên thế giới (sau Mỹ, Nhật, Đức, Anh). Doanh số xuất khẩu âm nhạc của Pháp là khoảng 316 triệu euro (năm 2019), trong đó 79% đến từ các dịch vụ âm nhạc streaming (trực tuyến). Ngoài ra, doanh thu từ biểu diễn nhạc sống là 2,3 tỉ euro (năm 2019), trong đó 1,25 tỉ euro đến từ tiền bán vé (980 triệu euro đến từ những chương trình nhạc pop).

Theo ông Đông Nguyễn, rào cản lớn với ca sĩ trong nước ra thị trường nước ngoài là ngôn ngữ và kinh phí. “Nhiều nghệ sĩ VN chưa có đủ kinh phí để ra “cọ xát” ở nước ngoài tìm hiểu họ thiếu gì, cần gì trong khi VN lại thiếu những đơn vị hỗ trợ hay những quỹ phát triển nghệ thuật”, ông Đông Nguyễn nói. Một số sản phẩm của ca sĩ Việt trên nền tảng số được thế giới chú ý nhưng sau đó lại chìm nghỉm. Theo ông Đông Nguyễn, lý do là bởi khán giả nước ngoài chưa tìm thấy gì để họ tiếp tục theo dõi, cũng như ca sĩ chưa biết xây dựng hình ảnh.

Còn ông Antoine El Iman cho rằng xuất khẩu âm nhạc là con đường dài hơi, cần có tiềm lực về tài chính, cũng như đầu tư thời gian. Bởi vậy, lời khuyên của ông cho những ca sĩ trẻ VN là cần tập trung phát triển trong nước trước với số lượng người nghe đông đảo và tiềm năng kinh doanh lớn, tiếp đó có thể là những nước trong khu vực. “Như nhiều ca sĩ Indonesia đã hướng tới thị trường Philippines bởi người nghe có sự tương đồng văn hóa. Cùng với biểu diễn trực tiếp, họ cũng phát triển trên các nền tảng nhạc số ở nước láng giềng”, ông Antoine El Iman cho hay.

Bà Durand Sabrina (Bộ Ngoại giao Pháp) cho biết Pháp tập trung vào các phương thức nghe nhạc mới trên các nền tảng, có những ê kíp làm việc trên từng nền tảng âm nhạc theo phong cách của từng ca sĩ, theo sát nền tảng âm nhạc trực tuyến. Pháp cũng có những cơ quan hỗ trợ cho các nghệ sĩ thông tin về các liên hoan, hãng phát hành, truyền thông… làm việc ở cấp độ vùng, để tiếp cận với khán giả địa phương.

Bà Céline Lugué cho biết CNM theo dõi thị trường âm nhạc, nghiên cứu thị phần cung cấp thông tin cho nghệ sĩ, hợp tác với Bộ Ngoại giao Pháp, tổ chức hoạt động đào tạo đưa nghệ sĩ ra quốc tế. Hoạt động của CNM là tư vấn, kết nối, hỗ trợ nghệ sĩ. CNM kết nối với mạng lưới của cơ quan xuất khẩu âm nhạc tại châu Âu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.