Vậy để trở thành một kỹ sư trong ngành công nghiệp bán dẫn có thể bắt đầu từ đâu, là cuộc trò chuyện giữa Thanh Niên với anh Trần Quốc Huy, sinh năm 1985, người đã có hơn 15 năm làm việc tại các công ty bán dẫn hàng đầu thế giới gồm Renesas Vietnam, Intel Production Vietnam và Cadence System Design Vietnam.
Anh Trần Quốc Huy là một trong số 100 kỹ sư thuộc thế hệ thứ bảy được tuyển dụng vào công ty Renesas Vietnam (Nhật Bản) vào tháng 3.2008 khi đang là sinh viên năm cuối khoa Điện - Điện tử chuyên ngành Điện tử Viễn thông của Đại học Bách khoa TP.HCM. Trải qua 15 năm trưởng thành và gắn bó cùng Renesas Việt Nam, Quốc Huy đã trải qua nhiều vị trí khác nhau, từ kỹ sư kiểm thử và phát triển bộ nhớ nhúng (embedded memory development and verification), kỹ sư thiết kế mạch layout tương tự (Analog layout design) cho các bộ chuyển đổi số sang tương tự (DAC - Digital to Analog conversion), tương tự sang số (ADC - Analog to Digital convertion), hay cả những layout cho RF (Radio Frequency).
* Để trở thành một kỹ sư bán dẫn cần có những kiến thức gì và những công việc gì liên quan?
- Anh Trần Quốc Huy: Trở thành một kỹ sư bán dẫn đòi hỏi một kiến thức vững vàng về nguyên lý hoạt động của các linh kiện điện tử, quan trọng nhất là transistor, dây dẫn và các phần tử điện tử khác (điện trở, tụ điện…), cùng với đó là việc nắm vững kiến thức nền tảng được đào tạo cơ bản tại môi trường đại học như kỹ thuật xung, kỹ thuật số, khả năng phân tích, lập trình cơ bản.
Một kỹ sư bán dẫn, hay kỹ sư thiết kế chip (IC - Integrated Circuit) cũng cần hiểu về quy trình sản xuất, của từng linh kiện cơ bản, đến việc bố trí, thiết kế sản xuất hàng loạt. Bên cạnh những kiến thức nền tảng đó, một kỹ sư bán dẫn cần trang bị cho mình các kỹ năng mềm như làm việc theo đội nhóm tốt, khả năng sáng tạo và nâng cao kỹ năng làm việc trong một môi trường luôn luôn được làm mới để chạy theo công nghệ đang phát triển với tốc độ chóng mặt hiện nay.
Các công ty bán dẫn ở Việt Nam và thế giới, đa số là các công ty đa quốc gia, nên cần trang bị tốt cho bản thân về ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh sẽ dễ dàng giúp chúng ta có thể liên tục học tập, nghiên cứu và tiếp thu kiến thức từ các chuyên gia nước ngoài, tiếp thụ các bộ tài liệu tư liệu, quy định và quy trình thiết kế tiếng nước ngoài một cách nhanh chóng và hiệu quả, đáp ứng quy trình thiết kế, cường độ thiết kế và giao tiếp cũng như trao đổi, góp phần đẩy nhanh tiến độ thiết kế và đưa sản phẩm ra thị trường một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất.
* Theo như chia sẻ ở trên, một học sinh hay sinh viên quan tâm ngành bán dẫn thì cần biết và chuẩn bị ngành học nào? Hướng nghề nghiệp của các em sẽ có lộ trình ra sao? có cần phải trở thành kỹ sư CNTT, lập trình hay cụ thể là gì?
- Như đã chia sẻ ở trên, là học sinh hay sinh viên quan tâm tới ngành bán dẫn nên lưu tâm tới các môn học tự nhiên ở phổ thông, tập trung theo đuổi các trường đại học kỹ thuật có các chuyên ngành điện - điện tử, cơ điện tử, viễn thông, kỹ thuật máy tính (CNTT), toán - tin, hoặc thậm chí cả ngành công nghệ vật liệu, nơi mà các trường Đại học đều có trang bị cho sinh viên những môn học rất cơ bản như đã đề cập.
Một tín hiệu vui hiện nay, theo chiến lược của Nhà nước và Chính phủ, các trường Đại học kỹ thuật ở Việt Nam đã bắt đầu xây dựng mô hình đào tạo, các khoa chuyên sâu cũng như bổ sung các môn học nâng cao theo đúng mong muốn của ngành sản xuất bán dẫn. Tìm hiểu kỹ về chương trình đào tạo sẽ giúp các bạn học sinh, sinh viên có thể tiếp cận được đúng và nhanh hơn, nhằm lựa chọn ngành nghề ở một trường phù hợp.
Với suy nghĩ của cá nhân, để theo được ngành này, chúng ta cần có niềm đam mê, sự kiên trì cũng như bước quan trọng nhất là trang bị và nắm vững các kiến thức vô cùng cơ bản được dạy ở nhà trường. Đó là nền tảng tốt nhất để có thể đeo đuổi ước mơ. Công nghệ luôn phát triển và phát triển một cách chóng mặt, có được kiến thức nền tảng tốt sẽ là bàn đạp tốt nhất xây dựng ước mơ vi mạch, góp phần đóng góp cho nền công nghiệp vi mạch nước nhà. Với chia sẻ như trên, lộ trình được đề xuất là:
- Xác định nghề nghiệp càng sớm càng tốt.
- Lựa chọn ngành học và trường học phù hợp năng lực, có đào tạo bài bản và cụ thể. Có thể tiến tới việc tìm học bổng và du học tại các nơi phát triển ngành vi mạch như Đài Loan, Hàn Quốc hoặc Nhật Bản.
- Học tốt các môn kiến thức nền.
- Tập trung vào các môn chuyên ngành được đào tạo từ năm thứ 2 hoặc 3 ở trường đại học cho đến khi ra trường.
- Tham gia cộng đồng thiết kế vi mạch Việt Nam nơi hội tụ hơn 5.000 kỹ sư vi mạch có kinh nghiệm của Việt Nam trên mọi miền đất nước để tìm tòi, học hỏi thêm và được tư vấn những điều và hướng đi phù hợp có thể.
- Tham gia các công ty thiết kế vi mạch dưới dạng thực tập viên từ 6 tháng tới 1 năm (từ năm học thứ 4 trở đi) để được cung cấp những kiến thức nền tảng tốt và sát thực tế nhất, được tham gia các khóa huấn luyện thực tế để nâng cao kiến thức cũng như nắm rõ hơn về ngành nghề này trong tương lai.
- Tham gia các khóa đào tạo thực tế ngắn hạn ở các trung tâm mới mở để có thể tiếp cận nhanh nhất với bộ công cụ hỗ trợ, hình thành kỹ năng và nâng cao thế giới quan cho mình. Với cá nhân mình, các khóa đào tạo này không bắt buộc, tuy nhiên, có vẫn hơn không.
- Cuối cùng, mình cho rằng kỹ sư vi mạch rất vất vả, đòi hỏi sự kiên trì, làm việc với cường độ cao và thời gian ngắn, chúng ta cần xác định được niềm đam mê với nghề, kiên trì và không bỏ cuộc. Trang bị sức khỏe và tinh thần để bắt kịp với xu thế thiết kế vi mạch hiện nay.
Về mức độ đãi ngộ, ngành thiết kế vi mạch trong những năm gần đây có mức đãi ngộ khá cao, tuy nhiên, có thể nói nó chưa dành cho các bạn kỹ sư mới ra trường thiếu kinh nghiệm thực chiến. Hãy kiên trì, phát triển bộ kỹ năng bản thân cả cứng lẫn mềm, để có thể đón nhận những thứ tốt đẹp nhất sau 5 - 7 năm.
* Ngoài chuyên môn thì những gì các bạn trẻ nên biết về kỹ sư bán dẫn?
- Tiếng Anh, ngôn ngữ giao tiếp chung. Môi trường làm việc trong ngành bán dẫn, đa số là các công ty đa quốc gia, làm việc với các chuyên gia nước ngoài, khách hàng nước ngoài và là một môi trường đa văn hóa, nên giao tiếp bằng tiếng Anh và kỹ năng giao tiếp là một trong những bộ kỹ năng mà kỹ sư ngành này cần trau dồi sớm nhất. Hơn thế nữa, giao tiếp với đồng nghiệp giữa các bộ phận (ở cả Việt Nam hay nước ngoài) tốt sẽ đảm bảo một phần cho sự thành công của quá trình thiết kế.
Ngoài ra, bộ kỹ năng quản lý thời gian là một kỹ năng cực kỳ quan trọng đối với kỹ sư ngành bán dẫn. Như tôi đã chia sẻ, lĩnh vực này thường bị đặt ra nhiều áp lực về mặt thời gian, việc quản lý thời gian hiệu quả sẽ giúp chúng ta không những hoàn thành được công việc như kỳ vọng mà còn cân bằng được cuộc sống.
Công nghệ luôn thay đổi và phát triển chóng mặt, tinh thần sáng tạo để tìm ra các giải pháp mới, hiệu quả là một yếu tố quan trọng. Có thể cân nhắc học về kỹ năng làm Kaizen của người Nhật để giúp chúng ta cải thiện điều này. Cũng cùng lý do này, nên tinh thần luôn học hỏi và cập nhật kiến thức mới rất quan trọng.
* Anh đánh giá như thế nào về ngành công nghiệp bán dẫn đang rất 'nóng' này?
- Độ 'nóng' của ngành này khó có thể đánh giá được một sớm một chiều và nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ngành này, theo quan sát của mình sẽ còn phát triển lâu dài trong hơn 10 năm tới. Để nó có thể 'nóng' một thời gian dài, mình nghĩ những yếu tố sau có thể ảnh hưởng:
Một là, chiến lược của Nhà nước đã rõ ràng, tuy nhiên cần sự ra tay quyết liệt của các lãnh đạo, cần triển khai một cách rõ ràng và nhất quán trong thời gian rất dài.
Hai là, có những chính sách hỗ trợ đặc biệt cho kỹ sư ngành này, đặc biệt là ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân trong một thời gian cụ thể để thu hút thêm nhân sự bắt đầu với ngành, cũng như thu hút nhân tài trở về từ các nước lân cận.
Ba là, xây dựng cơ chế thu hút nhiều công ty bán dẫn nước ngoài tham gia vào Việt Nam, để tránh tình trạng dư thừa lượng kỹ sư mới được đào tạo trong những năm sắp tới, cũng như tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ các công ty khởi nghiệp vi mạch ở Việt Nam tạo đà phát triển ngành một cách cân bằng.
Cuối cùng, mình nghĩ với kế hoạch phát triển này, trong tương lai sẽ có nhiều cơ hội nghề nghiệp cho các kỹ sư bán dẫn, tuy nhiên sự cạnh tranh cao khi chúng ta có số lượng kỹ sư mới ra trường quá nhiều cũng là một vấn đề cần lưu tâm. Vậy nên, phát triển cá nhân và liên tục tích lũy để có một bộ kỹ năng tốt sẽ là tiền đề để vượt qua áp lực.
Cảm ơn những chia sẻ của anh!
Bình luận (0)