Thứ trưởng Bộ KH-CN: Ưu tiên tài trợ các đề tài nghiên cứu chip bán dẫn

Quý Hiên
Quý Hiên
17/04/2024 20:35 GMT+7

Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Hồng Thái cho biết, ngay sau hôm nay 17.4, bộ này sẽ ưu tiên tài trợ các đề tài nghiên cứu về chip bán dẫn.

Hôm nay 17.4, tại Hà Nội, Bộ KH-CN phối hợp với Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức hội thảo định hướng nghiên cứu khoa học, công nghệ và phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam. 

Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Hồng Thái cho biết, ngay sau hôm nay, Bộ KH-CN sẽ có những hành động thiết thực nhằm thúc đẩy phát triển nghiên cứu khoa học, công nghệ lĩnh vực chip bán dẫn. Trước mắt, Bộ KH-CN sẽ ưu tiên tài trợ các đề tài nghiên cứu về chip bán dẫn.

Lãnh đạo Bộ KH-CN và Đại học Bách khoa Hà Nội tham gia hội thảo

Lãnh đạo Bộ KH-CN và Đại học Bách khoa Hà Nội tham dự hội thảo

ĐỨC THÀNH

Nếu cứ phụ thuộc vào FDI thì không làm chủ được công nghệ

Theo ông Thái, sau hội thảo, các nhà quản lý cũng như giới chuyên môn đã tạm thời định hình rõ thực trạng nền công nghiệp chip bán dẫn Việt Nam. Các câu hỏi như Việt Nam đã chạm tay vào sản xuất được chip bán dẫn chưa, liệu thế giới có đang trao cho Việt Nam cơ hội đầu mối phát triển chip bán dẫn ở thế giới, ở khu vực... đã có câu trả lời.

Cụ thể, trong chuỗi quy trình công nghệ chip bán dẫn, về sản xuất, theo ông Thái, Việt Nam chưa bắt đầu (chưa có sản xuất) mà mới đang tham gia thiết kế, đóng gói và kiểm thử.

"Nguyên liệu sản xuất chúng ta cũng chưa có. Giá trị gia tăng mà chúng ta đạt được trong lĩnh vực này là thấp. Nguồn nhân lực chất lượng cao đang rất thiếu, mặc dù đội ngũ kỹ sư thì có", ông Thái nêu thực trạng.

Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Hồng Thái (trái) và Phó giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội Huỳnh Đăng Chính tại hội thảo

Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Hồng Thái (trái) và Phó giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội Huỳnh Đăng Chính tại hội thảo

ĐỨC THÀNH

Một vấn đề khác được soi rõ trong hội thảo, theo nhận định của ông Thái, nếu cứ phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI (đầu tư nước ngoài) thì Việt Nam không bao giờ làm chủ công nghệ. Sẽ mãi mãi ở vai trò cung cấp nguồn nhân lực chất lượng thấp và có thu nhập thấp, không phát triển được.

"Tất nhiên, phải thấy FDI là rất quan trọng với Việt Nam. Chúng ta sẽ phải dựa vào họ để học hỏi, để làm chủ công nghệ. Nhưng chúng ta phải đi cùng họ, thì mới tham gia được", ông Thái lưu ý.

Ông Thái cho rằng, nguồn nhân lực chất lượng thấp trong ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn hiện nay có lỗi từ cơ chế chính sách phát triển chưa có sự rõ ràng. Các doanh nghiệp như Viettel, hoặc các trường đại học cũng đã bắt đầu có những kế hoạch để thay đổi tình hình. Nhưng sự kết nối để tạo nên hệ sinh thái là chưa đầy đủ. Hệ sinh thái đó phải bắt đầu từ cơ quan quản lý nhà nước, tiếp theo là từ các viện nghiên cứu, các trường đại học. Rồi từ khối doanh nghiệp, cuối cùng là từ các nhà khoa học và người dân.

"Bộ KH-CN thì định hướng về nghiên cứu khoa học, nghiên cứu về công nghệ. Chiến lược sản xuất là Bộ TT-TT. Còn kêu gọi kết nối FDI và từng bước cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển, chính là vai trò của Bộ KH-ĐT… Các cơ quan quản lý nhà nước phải ngồi với nhau, thống nhất để có chính sách", ông Thái nêu quan điểm.

Hỗ trợ đào tạo thông qua tài trợ các đề tài nghiên cứu

Liên quan tới đào tạo nhân lực cho công nghiệp chip bán dẫn, Bộ KH-CN không được phép cấp kinh phí đào tạo, đơn cử như việc cấp học bổng cũng không được. Nhưng Bộ KH-CN cũng sẽ tính để có trách nhiệm với vấn đề này, chẳng hạn có thể hỗ trợ thông qua các đề tài nghiên cứu.

"Sau ngày hôm nay, Bộ KH-CN sẽ định hướng đề tài quốc gia, đề tài cấp bộ về vi mạch bán dẫn. Đây là một hướng để các trường đại học tạo điều kiện cho các thạc sĩ, nghiên cứu sinh có được sự hỗ trợ về nghiên cứu, tham gia vào nghiên cứu", ông Thái khẳng định.

Một hướng tháo gỡ khác, để góp phần thúc đẩy đào tạo nhân lực chất lượng cao, là dành kinh phí cử cán bộ đi nước ngoài để học hỏi. Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED) hiện có chính sách ưu tiên cử cán bộ trẻ đi làm posdoc ở nước ngoài. 

"Vừa qua, lãnh đạo Bộ KH-CN đã yêu cầu ban điều hành quỹ mỗi năm xác định 5 lĩnh vực ưu tiên, từ nay bên cạnh các lĩnh vực như y học, gen…, sẽ ưu tiên vi mạch bán dẫn", ông Thái nói và bày tỏ mong muốn hình thành các nhóm nghiên cứu ở các ngành mũi nhọn. 

"Đây là cái thiếu trong trong những năm vừa qua", ông Thái nhìn nhận, và cho biết đã trao đổi với Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội Huỳnh Quyết Thắng về việc này, đồng thời khẳng định Bộ KH-CN sẽ hỗ trợ bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó có ưu tiên đề tài. 

"Trong chương trình của Quỹ NAFOSTED, chúng tôi đã ra nghị quyết rồi, từ những năm tiếp theo, chúng tôi sẽ ưu tiên các nhóm nghiên cứu trẻ. Một tiến sĩ có đề tài 5 năm, chúng tôi sẽ hỗ trợ trả lương cho 3 cán bộ. Mức lương có thể không được cao, nhưng đủ để các nhà khoa học sống", ông Thái nhấn mạnh. 

Theo ông, nhân dịp này, các đơn vị cần tìm cách kéo các chuyên gia quốc gia, quốc tế vào các đề tài nghiên cứu. "Hãy có đề án, Bộ KH-CN sẽ có cơ chế để hỗ trợ", ông Thái lần nữa khẳng định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.