Việt Nam trong cuộc cạnh tranh ngành bán dẫn

13/04/2024 06:30 GMT+7

Trả lời Thanh Niên, một chuyên gia về khoa học công nghệ Mỹ đã chia sẻ những đánh giá lợi thế và thách thức đối với VN trong nỗ lực tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, cũng như bài học từ Đài Loan.

Nhân chuyến công tác tại VN, TS George Chiu, giáo sư kỹ thuật cơ khí tại Đại học Purdue (Mỹ) và là người có nhiều nghiên cứu về ngành công nghiệp bán dẫn, ngày 11.4 đã trả lời phỏng vấn Thanh Niên.

Chiến lược tốt nhưng nhiều cạnh tranh

Theo dự thảo Đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" mà Bộ Kế hoạch - Đầu tư hé lộ gần đây, VN đặt mục tiêu đến năm 2030 có khả năng tham gia sâu vào quy trình thiết kế các vi mạch bán dẫn hiện đại, làm chủ được một phần công nghệ đóng gói và kiểm thử, cũng như đào tạo 50.000 kỹ sư cho ngành này.

Nhà máy đóng gói và kiểm định chip Intel tại Khu công nghệ cao TP.HCM

Nhà máy đóng gói và kiểm định chip Intel tại Khu công nghệ cao TP.HCM

Hương Giang

Đánh giá về những mục tiêu này, TS George Chiu cho rằng chiến lược tập trung vào thiết kế, đóng gói và kiểm thử của VN trong lĩnh vực bán dẫn là chiến lược tốt, nhưng cạnh tranh cũng rất gay gắt, đặc biệt là ở Đông Nam Á.

"Philippines, Malaysia và Ấn Độ, tất cả đều đang để mắt tới việc giành được miếng bánh. Điều này thực sự đòi hỏi các nước phải rất chiến lược trong cách triển khai chiến lược", ông nhận định.

Lợi thế của VN và bài học từ Đài Loan

Doanh thu của ngành bán dẫn toàn cầu đạt tổng cộng 526,8 tỉ USD vào năm 2023, giảm 8,2% so với năm 2022, theo Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn (SIA, trụ sở tại Mỹ). Tuy nhiên, điều đó không làm giảm đi sức nóng của lĩnh vực này, nơi đang chứng kiến cạnh tranh được ví như "cuộc đua không gian tiếp theo".

VN cũng không đứng ngoài cuộc. Theo TS Chiu, một lợi thế lớn của VN trong nỗ lực thu hút đầu tư vào lĩnh vực này là đã thể hiện được năng lực về sản xuất. "Các bạn có nhân công, bạn có quy trình, bạn có cơ sở hạ tầng hỗ trợ hoạt động sản xuất. Bạn không phải là người mới trong nhóm", ông phân tích.

Tuy nhiên, ông cho rằng VN có thể phải đối mặt với 3 thách thức, bao gồm: khả năng cung cấp lực lượng lao động có chuyên môn; khả năng xây dựng các quy định rõ ràng, minh bạch; và khả năng đổi mới sáng tạo - vấn đề mà ông cho là trọng tâm. "Đổi mới sáng tạo và tài sản trí tuệ là chìa khóa để các công ty phát triển… đó là nơi tiền bắt đầu chảy vào", ông Chiu nhận định.

TS Chiu cũng nhắc đến câu chuyện thành công của Đài Loan, nhà sản xuất chip bán dẫn hàng đầu thế giới. Theo hãng nghiên cứu TrendForce, Đài Loan nắm giữ 46% năng lực sản xuất bán dẫn trên toàn cầu trong năm 2023, tiếp theo là Trung Quốc (26%), Hàn Quốc (12%), Mỹ (6%) và Nhật Bản (2%). Ông Chiu lưu ý rằng thành công của Đài Loan không đến trong một ngày mà là quá trình gần 30 năm.

"Đài Loan đã xây dựng được một hệ sinh thái hỗ trợ ngành bán dẫn, trong khi nhiều người thường có xu hướng xem nhẹ tầm quan trọng của hệ sinh thái đó", ông nói khi được hỏi về bài học từ Đài Loan.

Cơ hội từ Mỹ

Cũng theo TS Chiu, mặc dù lĩnh vực bán dẫn "có thể vẫn nóng trong 10, 20 năm nữa", tương lai sẽ có những thứ khác xuất hiện. "Nếu bạn muốn tìm cho mình một vị trí, có thể dựa vào những gì đã xảy ra ở hiện tại, nhưng hãy chuẩn bị tinh thần cho những điều mới mẻ trong tương lai", ông cho biết.

Hiện nay, các công nghệ then chốt trong lĩnh vực bán dẫn chỉ nằm trong tay một vài nền kinh tế và nhiều quốc gia khó có thể tiếp cận chúng. Đây không chỉ là chuyện kinh doanh mà còn liên quan đến những vấn đề nhạy cảm hơn về chính trị, an ninh quốc gia.

Do đó, TS Chiu cho rằng cam kết của Mỹ trong việc hỗ trợ VN phát triển ngành bán dẫn có ý nghĩa quan trọng. Sau khi nâng cấp quan hệ lên mức đối tác chiến lược toàn diện hồi tháng 9.2023, hai nước đã bắt đầu triển khai các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực này. 

TS George Chiu

TS George Chiu

Vũ Mạnh

TS George Chiu (ảnh) là giáo sư kỹ thuật cơ khí và trợ lý trưởng khoa Chương trình Kỹ thuật toàn cầu và quan hệ đối tác tại Đại học Purdue (Mỹ). Ông từng làm việc cho Công ty HP và là thành viên nhóm phát triển dòng sản phẩm HP Copyjet vào cuối những năm 1990. Ông cũng từng quản lý Chương trình Hệ thống điều khiển và sáng kiến robot quốc gia tại Quỹ Khoa học quốc gia Mỹ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.