"Tôi không cầm nổi cây viết để ký, chỉ biết khóc"
Tháng 1.2023, vợ chồng anh Nguyễn Văn Phố (27 tuổi, ở H.Bàu Bàng, Bình Dương) gửi con gái 10 tháng tuổi cho ông bà chăm để đi làm. Sau một lần ăn cháo lươn, bé xuất hiện những triệu chứng như sốt, ho, thở mệt. Anh nghĩ con gái bị cảm nên lấy thuốc ở phòng khám gần nhà về cho uống nhưng bé vẫn không khỏi. Các triệu chứng của bé nặng dần nên anh đưa con đến BV Nhi đồng 2 TP.HCM.
Bệnh của bé diễn tiến nặng, rất nhanh. Bé suy hô hấp, nhiễm trùng máu nên phải nhập Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc thở máy, truyền dịch và kháng sinh phổ rộng. Các BS chụp CT scan ngực ghi nhận khối áp xe lan từ thành sau họng đến trung thất. Sau khi hội chẩn các khoa liên quan, các BS nghi ngờ em bị mắc dị vật dẫn đến áp xe trung thất.
"Lúc đầu tôi không biết con nằm ở khoa Hồi sức tích cực và Chống độc là tình trạng rất nặng. Sau nghe mọi người nói nếu con đưa vào khoa này là không nói trước được điều gì, tôi mới hiểu con bị nặng như thế nào. Khi BS kêu ký cam kết mổ lấy dị vật ra, tôi không cầm nổi cây viết để ký, chỉ biết khóc. Đây là đứa con đầu lòng của tôi nên tôi chỉ cầu nguyện và mong bác sĩ cứu được con", anh Phố tâm tình.
Vợ chồng anh Phố ở phòng thân nhân của khoa Hồi sức, không dám xa con. Mỗi ngày, họ được gặp con 10 phút, anh không ngừng hy vọng bé sẽ trở về trong vòng tay của ba mẹ. Thời gian ở BV, cả hai cùng cầu nguyện, đến những nơi thờ cúng trong BV thắp nhang, mong phép màu đến với con gái.
"Tôi chứng kiến có những bé nặng quá không qua khỏi khi túc trực ở khoa nên rất ám ảnh, không dám nghĩ tới những chuyện tồi tệ sẽ xảy ra với con mình. Gia đình cũng rất áy náy chỉ vì một sơ suất nhỏ mà gây nguy hiểm tới tính mạng con gái", người cha bộc bạch.
Như một giấc mơ đẹp
Ê kíp phẫu thuật của BV đã tiến hành lấy dị vật, bơm rửa, dẫn lưu trung thất. Các BS xác định đây là xương lươn mắc lại đã làm thủng thực quản, xuyên vào trung thất đến khoang màng phổi. Bé được đặt ống thông dạ dày, đưa sữa và thức ăn lỏng vào để nuôi ăn.
Tuy nhiên, tình trạng nhiễm trùng trung thất diễn tiến rất nặng, vết thủng thực quản thành viêm mủ. Bé tiếp tục được thở máy, phối hợp kháng sinh, điều trị nâng đỡ. Khi tình trạng nhiễm trùng đã được kiểm soát, các BS tiến hành khâu lại lỗ thủng, bơm rửa trung thất và màng phổi nhiều lần.
Bằng sự nỗ lực phi thường của bản thân cùng sự hỗ trợ hết mình từ các y bác sĩ BV Nhi đồng 2, sau hơn 3 tháng điều trị, bé đã hồi phục và được xuất viện.
Anh Phố cho biết lúc ở bệnh viện mỗi khi vào thăm con, thấy con tỉnh táo anh lại có thêm niềm tin. Nghe cuộc điện thoại từ BS với nội dung: "Chiều nay, người nhà đến khoa Hồi sức đón bé nghe!", vợ chồng anh ôm nhau khóc vì bất ngờ. Họ mừng rỡ đến mức bỏ cơm nước, chạy đến sớm hơn 1 tiếng chờ để đón bé ra. Cảm xúc của anh lúc đó vui đến mức không có từ nào diễn tả được.
"Vợ chồng tôi rất vui và hạnh phúc vì trước đó tình trạng của con rất nặng. Từ khoảnh khắc không ai có thể dám hứa sẽ cứu được con đến lúc BS làm hết mình và điều kỳ diệu đã xảy ra. Đến ngày con xuất viện, gia đình không tin vào mắt mình, như một giấc mơ đẹp", anh xúc động chia sẻ.
Con gái anh hiện sức khỏe đã ổn định và sẽ đi tái khám trong thời gian tới. Anh Phố cho hay, sau lần sơ suất này, vợ chồng anh sẽ để ý hơn. Vợ anh sẽ nghỉ làm để ở nhà chăm con, cho con ăn bất cứ thứ gì cũng phải để ý. Anh cũng mong các bậc phụ huynh cảnh giác để không xảy ra vụ việc đáng tiếc như gia đình.
BSCK1 Nguyễn Hiền (Khoa Ngoại Tổng hợp, BV Nhi đồng 2) cho biết, việc trẻ con mắc dị vật rất nguy hiểm vì trẻ chưa biết nói.
"Tôi nói với gia đình các y bác sĩ không trách cứ gì, cố gắng hết sức để cứu bé. Bé có sức sống rất mãnh liệt vì phải trải qua nhiều ca mổ, nằm hồi sức 3 tháng. BS có báo với gia đình về thực tế bé có thể tử vong trên bàn mổ, lúc đấy gia đình rất buồn và lo lắng. Tuy nhiên, các y BS coi bé như con cháu, quyết tâm cứu được bé và bé đã được điều trị thành công", BS Hiền thông tin. BS nhắc nhở, đối với những thực phẩm có xương tuy chưa nhiều thành phần dinh dưỡng nhưng phụ huynh cần cẩn thận chế biến, ray lọc kỹ.
Để đảm bảo an toàn, phụ huynh cũng không nên cho trẻ xem tivi, chơi điện thoại, máy tính hoặc đọc sách, trò chuyện trong lúc ăn uống. Nếu nghi ngờ trẻ hóc dị vật nên đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và xử trí kịp thời.
Bình luận (0)