“Sao bọn trẻ bây giờ chúng nó vụng việc nhà quá thể, không như chúng mình ngày xưa, việc gì cũng giỏi giang, thành thạo, xứng danh nội tướng trong gia đình!”.
Minh họa: DAD |
Mấy người bạn đồng môn với tôi đều có con gái ngấp nghé tuổi cập kê, lần họp lớp mới đây chẳng ai bảo ai, đồng loạt phàn nàn đầy vẻ “cảm thông” với nhau rằng: “Sao bọn trẻ bây giờ chúng nó vụng việc nhà quá thể, không như chúng mình ngày xưa, việc gì cũng giỏi giang, thành thạo, xứng danh nội tướng trong gia đình!”.
Bổ dưa như bổ củi
Do có “hoàn cảnh” chung nên ai nấy thi nhau kể về cái sự vụng của con gái mình. Một chị kể lể: “Cũng chỉ vì muốn tạo điều kiện cho con có đủ bằng cấp nọ, chứng chỉ kia, tốt nghiệp đại học xong kiếm được cái chỗ làm mà mọi việc nhà mình giành hết, không cho nó đụng vào việc gì. Thế là hôm nọ sang nhà bác cả làm giỗ, bác dâu bảo nó thái miếng chả quế bày ra đĩa, nó thái mỗi miếng đi một nơi, không miếng nào giống miếng nào mới giỏi chứ, rồi chất lổn nhổn lên đĩa như chất gạch!”.
Nghe vậy, anh khác phụ họa: Nói nó lấy con dao để bổ dưa, nó vào bếp lục đục một hồi rồi xách ra con dao phay chuyên chặt sườn với “cái lý” là quả dưa vừa to vừa có vỏ cứng như thế kia thì chỉ có con dao này mới… đủ sức “bổ” được chứ? Nó tưởng “bổ dưa” giống như “bổ củi” chắc? Đúng là nó mang “dao mổ trâu” ra để làm gà!
Chuyện của chị lớp phó còn khôi hài hơn: Đưa nó mớ rau muống để rửa thì nó gỡ cái dây buộc rau ra rồi đổ nguyên mớ rau chưa nhặt vào chậu, khua khoắng. Mình hướng dẫn nó là phải nhặt từng cọng rau, bỏ hết những lá sâu, lá héo đi rồi mới cho vào chậu rửa. Nó “tiếp thu ý kiến phê bình” với thái độ rất chi là… cầu thị! Lần sau nhận nhiệm vụ rửa rau cải cúc, nó “rút kinh nghiệm sâu sắc” bằng cách ngồi tỉ mẩn nhặt từng cái lá dập úa, vặt từng cái cuống rễ lấm đất cho đến khi cây cải cúc long lanh xanh mướt nó mới cho vào chậu rồi chuyển sang nhặt tiếp cây khác. Cứ đà đấy thì chắc nó nhặt rau từ buổi trưa để chuẩn bị nấu bữa chiều là vừa!
Lý do từ gia đình
Có lần tôi đến dự tiệc tân gia một người quen. Trong lúc bày biện mâm bát, cỗ bàn, chủ nhà nhắc cô con gái cỡ đang học trung học sắp gia vị chấm thịt gà luộc. Một lúc sau cô bé mang ra mấy cái bát dùng để ăn cơm, bên trong là bột ngọt, chanh để nguyên cả trái, ớt cũng nguyên trái, và “khuyến mãi” thêm… mấy mẩu gừng dày cộp! Chị chủ nhà hơi bối rối, nói chữa: “Sao con không thái ớt, chanh luôn? Còn gừng phải thay bằng lá chanh con ạ!”. Cô con gái không hiểu ý, còn phụng phịu: “Con mang ra để hỏi mẹ cắt chanh, ớt theo kiểu nào (?!). Mọi khi con thấy nhà mình ăn gà rang mẹ vẫn cho gừng cơ mà?”!
Chị chủ nhà phân bua: “Đấy, bây giờ học sinh phải học nhiều quá, đi học suốt ngày, năm nay sắp cuối cấp, lo ôn thi đại học sớm nên không có lúc nào để dạy cho nó nữ công gia chánh, nên giờ đụng vào bếp núc là cứ lúng ta lúng túng như gà mắc tóc”.
Lại nhớ hôm nọ, cô gái trẻ cùng cơ quan, vừa mới kết hôn chưa lâu, hỏi tôi: “Chị ơi, em định chiều nay đổi món, nấu canh riêu cua, chồng em thích món này lắm, cua thì em mua cua làm sẵn, em nhờ chị kê ra giúp em phải mua những loại rau, gia vị nào đi kèm?”. Vừa hướng dẫn cho cô các loại phụ gia cho món riêu cua, tôi vừa nghĩ bụng: “Không biết anh chồng này có được thưởng thức món canh riêu ra hồn không, hay canh cua nhưng lại có mùi vị của con gì khác? Liệu món cua từ tấm lòng của cô vợ có tạo nên được một bữa tối vui vẻ giữa hai vợ chồng?”.
Không chỉ bởi lý do các bé gái, cô gái thời nay phải chịu nhiều áp lực trong quá trình học hành, tìm việc làm, duy trì công việc xã hội… nên không có nhiều thời gian cho việc bếp núc, mà còn một lý do nữa xuất phát từ gia đình. Cha mẹ thương con bận bịu hướng ngoại, không muốn chất thêm gánh nặng lên vai con nữa nên “giản lược” bớt việc nội trợ cho con, với suy nghĩ rằng: việc xã hội là quan trọng hơn, cần phải đầu tư trước tiên, còn việc nữ công gia chánh chưa cấp thiết, học lúc nào cũng được, không biết trước thì biết sau.
Với thực tế này, có lẽ những cô gái học càng cao thì trình độ bếp núc càng thấp chăng?
Bình luận (0)